Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Bệnh hẹp eo động mạch chủ là dị tật tim bẩm sinh đứng hàng thứ 3 sau thông liên thất và còn ống động mạch. Vị trí hẹp có thể ở trước ống động mạch hoặc sau ống động mạch. Bệnh hẹp eo động mạch chủ gặp ở trẻ nam nhiều gấp 3 lần trẻ nữ. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các phương pháp chẩn đoán và điều trị hẹp eo động mạch chủ.
1. Chẩn đoán bệnh hẹp eo động mạch chủ
Chẩn đoán bệnh hẹp eo động mạch chủ khi có sự chênh lực rõ ràng giữa áp lực động mạch ở chi trên và chi dưới; áp lực động mạch ở tay đôi khi lên tới 200 – 300 mmHg tối đa, trong đó áp lực động mạch ở chân thường không đo được hay giảm xuống rất nhiều.
Các phương pháp chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ gồm:
X-quang ngực
Kết quả chụp có thể bình thường, trong trường hợp kinh điển có thể thấy dấu hiệu 3 cung ở động mạch chủ, quan sát thấy ở tư thế thẳng mặt. Sau vài tuổi có thể thấy các dấu hiệu đặc hiệu hơn như: dấu ấn xương sườn, chỉ số tim ngực tăng rõ rệt.
Điện tâm đồ
Phương pháp này giúp phát hiện được dấu hiệu tăng gánh thất trái, tuy nhiên nó không cho phép chẩn đoán bệnh.
Siêu âm Doppler tim
Phương pháp này thường hữu ích ở trẻ nhỏ, ở người lớn thì khó đánh giá hơn. Trên siêu âm có thể xác định vị trí của chỗ hẹp, đo được chênh áp qua eo động mạch chủ, phát hiện các bất thường bẩm sinh phối hợp như van động mạch chủ hai lá van, tắc nghẽn đường ra thất trái, hẹp van hai lá... Siêu âm Doppler màu và siêu âm 2D cho phép xác định vị trí và hình thái của chỗ hẹp eo động mạch chủ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ
Đây là phương tiện quyết định chẩn đoán bệnh hẹp eo động mạch chủ ở người lớn. Trên phim chụp xác định được vị trí, hình thái chỗ hẹp, các tuần hoàn bàng hệ và các tổn thương phối hợp.
Thông tim chẩn đoán
Phương pháp này đưa các dụng cụ qua đường mạch máu ngoại biên (động mạch đùi hoặc động mạch quay) để chụp chỗ hẹp và tuần hoàn bàng hệ. Bệnh hẹp eo động mạch chủ được chẩn đoán khi chênh áp trên 10mmHg giữa động mạch chủ lên và động mạch chủ xuống bằng phương pháp thông tim và chụp động mạch chủ vẫn còn là phương pháp hàng đầu để chẩn đoán. Tuy nhiên chênh áp không phản ánh mức độ hẹp vì có thể ảnh hưởng bởi các tuần hoàn bàng hệ.
- Cộng hưởng từ hạt nhân: Là một phương pháp ghi hình bổ sung hữu ích và siêu âm Doppler cũng có thể ước lượng mức độ hẹp.
- Nghiệm pháp gắng sức: Có thể thấy dấu hiệu tăng huyết áp tâm thu ở các bệnh nhân hẹp eo động mạch chủ.
2. Điều trị hẹp eo động mạch chủ
Điều trị hẹp eo động mạch chủ gồm có điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc can thiệp
2.1. Điều trị nội khoa
Là điều trị triệu chứng nhằm bảo tồn bệnh nhân để chuẩn bị can thiệp. Điều trị suy tim trái là vấn đề quan trọng nhất. Đối với trẻ sơ sinh, Prostaglandine E1 giúp mở ống động mạch sẽ cải thiện nhanh chóng triệu chứng lâm sàng. Thuốc lợi tiểu, Digoxin và thông khí nhân tạo là các biện pháp phối hợp khác khi thực sự cần thiết. Cần hết sức chú ý đến chức năng thận khi dùng các thuốc điều trị suy tim ở trẻ sơ sinh. Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc ở những bệnh nhân điều trị hẹp eo động mạch chủ thường không có hoặc ít hiệu quả.
2.2. Điều trị ngoại khoa
Chỉ định can thiệp hoặc phẫu thuật trong các trường hợp:
- Chênh áp qua chỗ hẹp lúc nghỉ trên 20mmHg: Có thể đánh giá bằng chênh lệch huyết áp chi trên chi dưới, qua siêu âm hoặc thông tim.
- Có bằng chứng của tuần hoàn bàng hệ phát triển.
- Tăng huyết áp mà nguyên nhân là hẹp eo.
- Suy tim;
- Trẻ sơ sinh mà điều trị nội khoa ít kết quả.
- Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ có dấu hiệu suy tim trái trên lâm sàng và cận lâm sàng.
- Trẻ có huyết áp động mạch tâm thu lớn hơn 150mmHg.
- Đối với các trường hợp bệnh hẹp eo động mạch chủ khác thì phẫu thuật một cách hệ thống khi trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi.
- Với người lớn thì chỉ định can thiệp kinh điển khi chênh áp qua eo động mạch chủ từ 20 đến 30mmHg. Tuy nhiên cần phối hợp với các dấu hiệu khác như suy tim sung huyết, phì đại thất trái, tăng huyết áp khó khống chế...
- Trường hợp tái hẹp eo động mạch chủ sau khi đã can thiệp thì có thể chỉ định nong bằng bóng qua da có hay không kèm việc đặt giá đỡ (stent). Các nghiên cứu ngắn hạn chỉ ra kết quả khá tốt, ít biến chứng, tuy nhiên vẫn cần phải có các nghiên cứu lâu dài hơn để khẳng định vấn đề này.
2.3. Lựa chọn phẫu thuật hay can thiệp?
- Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 4 tháng tuổi: Lựa chọn phẫu thuật.
- Trẻ trên 4 tháng tuổi, dưới 25kg: Can thiệp qua da hay phẫu thuật tùy thuộc kinh nghiệm của nơi điều trị và hình thái tổn thương. Tuy nhiên phẫu thuật là lựa chọn được ưu tiên đối với trẻ dưới 5 tuổi.
- Trẻ trên 25kg và người lớn: Can thiệp qua da được ưu tiên hơn phẫu thuật.
Bệnh hẹp eo động mạch chủ là một dị tật dễ bị bỏ sót chẩn đoán. Đo huyết áp và bắt mạch cả chi trên và chi dưới là các biện pháp cần thiết trong khám lâm sàng. Phẫu thuật điều trị bệnh hẹp eo động mạch chủ có kết quả tốt. Nong chỗ hẹp bằng bóng nên thực hiện ở các trung tâm có điều kiện.
Ths.BS. Nguyễn Tung Hoành có kinh nghiệm và thế mạnh trong Hồi sức - Cấp cứu tim mạch: Tăng huyết áp, các Bệnh lý mạch máu ngoại biên, các bệnh động mạch vành cấp và mạn tính,..ngoài ra bác sĩ còn điều trị các bệnh lý đi kèm như: Đái tháo đường, Cường giáp, Suy giáp, Các bệnh lý về thận, bệnh lý hô hấp,.. Hiện tại bác sĩ Hoành đang là bác sĩ Tim mạch can thiệp tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.