Chẩn đoán và điều trị dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Ánh đã có kinh nghiệm gần 10 năm là bác sĩ nội trú và bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà nẵng.

Bàn chân khoèo sơ sinh được xem như là một dị tật bàn chân rất hay gặp đối với những đứa trẻ vừa chào đời. Mặc dù bàn chân khoèo sơ sinh không gây đau đớn cũng như không dẫn đến tử vong nhưng cần phải điều trị bàn chân khoèo trẻ sơ sinh trong thời gian sớm nhất để không ảnh hưởng đến khả năng đi lại của trẻ sau này.

1. Bàn chân khoèo sơ sinh

Bàn chân khoèo sơ sinh là một dị tật có thể bẩm sinh hoặc có thể xuất hiện sau khi trẻ bị bại liệt với đặc điểm nổi bật đó là bàn chân bị biến dạng khiến trẻ không thể đặt bàn chân lên mặt đất phẳng, gân gót có độ dài ngắn hơn so với những trẻ bình thường. Bàn chân khoèo sơ sinh thường xuất hiện kèm với một số dị tật bẩm sinh khác hoặc có thể tồn tại một cách độc lập. Tỉ lệ của bàn chân khoèo sơ sinh được ước tính là khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh, trong đó bàn chân khoèo ở cả hai chân chiếm khoảng 50% và tỉ lệ bệnh nhi nam cao hơn bệnh nhi nữ.

Về triệu chứng lâm sàng thì bàn chân khoèo sơ sinh gồm có 3 loại biến dạng xảy ra tại 3 khớp như sau:

  • Tình trạng đảo ngược khớp cận xương sên khiến phần phía sau của bàn chân bị đảo ngược.
  • Bất thường tại khớp sên – ghe khiến bàn chân biến dạng khép trong.
  • Bất thường khớp cổ chân, lòng bàn chân khiến bàn chân ngửa, xoay trong và bệnh nhi phải di chuyển bằng những ngón chân. Tình trạng này cũng làm cho những cơ bắp của chân bị co rút khiến gân gót chân có độ dài ngắn hơn so với bình thường.

Nguyên nhân của tình trạng bàn chân khoèo sơ sinh cho đến nay vẫn còn là một vấn đề. Có những giả thuyết cho rằng nguyên nhân không phải đến từ việc tư thế của trẻ trong bụng mẹ như thế nào mà do một số yếu tố khác như cấu trúc xương, yếu tố môi trường như tiền sử dụng thuốc lá trong thời gian mang thai của người mẹ hoặc cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền.


Mẹ bị thiếu ối trong thời gian mang là một trong số những yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh
Mẹ bị thiếu ối trong thời gian mang là một trong số những yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh

Các yếu tố nguy cơ của bàn chân khoèo sơ sinh bao gồm:

  • Nam giới thường bị bàn chân khoèo sơ sinh nhiều hơn nữ giới
  • Yếu tố gia đình: trong gia đình có ba hoặc mẹ bị bàn chân khoèo sơ sinh thì khả năng con mắc bệnh cũng tăng cao
  • Phụ nữ hút thuốc lá nhiều trong thời gian mang bầu thì tỉ lệ trẻ sinh ra mắc phải hội chứng bàn chân khoèo sơ sinh cao gấp 20 lần so với những trường hợp khác.
  • Mẹ bị thiểu ối trong thời gian mang thai.
  • Mẹ gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn và dùng những loại thuốc không được khuyến cáo trong thai kỳ.

Nếu không điều trị kịp thời bàn chân khoèo trẻ sơ sinh thì có khả năng trẻ sẽ phải đối mặt với một số biến chứng như viêm khớp, cổ chân xoay khiến trẻ không thể đi lại vững vàng được, bất thường trong phát triển hệ cơ của cơ thể.

Để chẩn đoán bàn chân khoèo sơ sinh thì bên cạnh việc thăm khám lâm sàng thấy các dấu hiệu như bàn chân cạnh ngoài, có nếp lằn bên trong, có nếp gấp phía sau, độ nhón gót thay đổi, cứng... thì một số kỹ thuật cận lâm sàng cũng giúp ích rất nhiều trong việc chẩn đoán như chụp X quang bàn chân hoặc siêu âm thai định kỳ trong thời gian mang thai để được phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Điều trị bàn chân khoèo trẻ sơ sinh


Có rất nhiều cách chữa bàn chân khoèo, trong đó có thể kể đến những phương pháp như sau: Phương pháp Ponseti, Phương pháp kéo duỗi, băng bó và Phẫu thuật
Có rất nhiều cách chữa bàn chân khoèo, trong đó có thể kể đến những phương pháp như sau: Phương pháp Ponseti, Phương pháp kéo duỗi, băng bó và Phẫu thuật

Nguyên tắc khi điều trị bàn chân khoèo trẻ sơ sinh đó là:

  • Chỉnh sửa biến dạng bàn chân
  • Phục hồi chức năng, độ linh hoạt và độ mạnh của bàn chân để trẻ có thể đi lại và vận động tốt hơn.

Có rất nhiều cách chữa bàn chân khoèo, trong đó có thể kể đến những phương pháp như sau:

  • Phương pháp Ponseti:

Thường áp dụng ngay khi trẻ vừa sinh ra được 7 – 10 ngày hoặc nếu trẻ được đưa đến cơ sở y tế muộn hơn thời gian này vẫn có thể áp dụng được nhưng hiệu quả đạt được sau khi điều trị sẽ thấp hơn những trẻ điều trị sớm, vì vậy đôi khi cần phải can thiệp phẫu thuật trong những trường hợp này.

Bước đầu, bệnh nhi sẽ được nắn chỉnh vòm, chỉnh bàn chân trước khỏi khép và gót vẹo trong, chỉnh lại nhón gót, sau đó sẽ được bó bột để cố định lại bàn chân sau khi đã nắn chỉnh, thời gian bó bột trong khoảng 5 – 8 tuần, trong đó mỗi tuần thay bột một lần. Sau đó, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt gân gót và bó bột tiếp tục trong 3 tuần sau đó. Giai đoạn cuối của phương pháp là cho bệnh nhi mang nẹp giày trong suốt cả ngày, kể cả lúc đi ngủ trong 3 tháng, sau đó bệnh nhân chỉ cần mang giày vào buổi tối khi đạt đến 5 tuổi.

  • Phương pháp kéo duỗi, băng bó:

Kéo duỗi và băng bó là một phương pháp vật lý trị liệu để điều trị bàn chân khoèo, được tiến hành bằng cách vận động bàn chân mỗi ngày sau đó giữ tư thế đúng của bàn chân với băng keo và dùng máy để khiến bàn chân vận động liên tục trong lúc bệnh nhân ngủ. Sau 2 tháng kéo duỗi và băng bó thì cần ngưng điều trị 3 lần mỗi tuần cho đến lúc trẻ đạt 6 tháng, cuối cùng là cho trẻ luyện tập hàng ngàng, mang đai nẹp ban đêm cho đến khi trẻ biết đi.

  • Phẫu thuật:

Đây là phương pháp điều trị bàn chân khoèo trẻ sơ sinh dùng trong những trường hợp nặng, không đáp ứng với những biện pháp điều trị như trên. Kỹ thuật mổ được áp dụng đó là kéo dài gân gót, đưa bàn chân trở lại tư thế đúng, chuyển gân chày trước cũng như giải phóng những phần mềm sau trong.


Phẫu thuật là phương pháp điều trị bàn chân khoèo trẻ sơ sinh dùng trong những trường hợp nặng
Phẫu thuật là phương pháp điều trị bàn chân khoèo trẻ sơ sinh dùng trong những trường hợp nặng

Bàn chân khoèo sơ sinh là một bệnh lý thường gặp hiện nay đối với trẻ sơ sinh, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể sẽ trở thành một dị tật suốt đời cho trẻ, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này. Vì vậy, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất nếu có dấu hiệu nghi ngờ để được tư vấn những phương pháp điều trị bàn chân khoèo tốt nhất, giúp trẻ mau chóng đi lại bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe