Chẩn đoán và điều trị bọ cạp cắn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hầu hết các trường hợp bị bọ cạp cắn chỉ bị tổn thương tại chỗ và triệu chứng sẽ tự lui sau vài giờ. Chỉ có khoảng 30 trong số 1500 loài bọ cạp có nọc độc có thể gây tử vong. Tuy nhiên, khi bị bọ cạp cắn, vẫn cần chẩn đoán và điều trị sớm để giảm đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.

1. Bọ cạp là gì?

1.1 Đặc điểm giải phẫu

Bọ cạp là loài chân đốt ăn thịt, có 8 chân, thuộc phân ngành Chelicerata, lớp Arachnida, bộ Scorpiones. Ước tính trong tự nhiên hiện có khoảng 1500 loài bọ cạp, phân bố ở khắp nơi trên thế giới, phổ biến ở các vùng sa mạc.

Thân bọ cạp chia làm 2 phần: Đầu ngực (đốt thân trước) và bụng (vùng thân sau). Phần bụng bao gồm bụng dưới và đuôi. Đuôi bọ cạp gồm có 6 đốt. Hậu môn của bọ cạp nằm ở đốt cuối cùng và đốt này cũng mang nọc độc. Đốt cuối cùng của bọ cạp có một túi chứa, một cặp tuyến độc và một mũi tiêm nọc độc.

1.2 Nọc độc của bọ cạp

Nọc độc của đa số loài bọ cạp vô hại với con người. Tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều phản ứng như đau, sưng nề, tê cứng hoặc hoại tử tế bào. Đồng thời, tất cả các loại bọ cạp đều có chứa độc tố thần kinh là chlorotoxin - có thể gây tê liệt khi bị chích. Thời gian bị liệt phụ thuộc vào liều lượng chất chlorotoxin được tiêm vào cơ thể. Ngoài ra, trong nọc độc bọ cạp còn chứa một lượng nhỏ protein, kali và natri.


Nọc độc của bọ cạp nằm ở đốt cuối cùng
Nọc độc của bọ cạp nằm ở đốt cuối cùng

Bên cạnh đó, các loài bọ cạp khác nhau sẽ có nọc độc khác nhau: Loài Hemiscorpius lepturus có nọc độc gây hoại tử tế bào; loài C exilicauda có nọc độ chứa nhiều enzyme tiêu hóa và một số độc tố thần kinh; nọc độc của loài Buthus, Androctonus, Tityus Leiurus có thể gây trụy tim mạch, phù phổi, rối loạn đông máu, viêm tụy,... thậm chí tử vong.

Bọ cạp không chủ động tấn công người mà chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa. Bọ cạp hoạt động về đêm, chủ yếu vào mùa hè nên tỷ lệ bò cạp cắn gặp nhiều vào mùa nóng, vị trí bị cắn thường gặp là ở tứ chi. Các loài bọ cạp nguy hiểm nhất là Androctonus australis, Centruroides exilicauda, Centruroides spp, Tityus spp và Leiurus quinquestriatus. Các loài bọ cạp nguy hiểm chết người tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ, châu Phi, Ấn Độ và Trung Đông.

Về liều độc, mỗi lần bọ cạp châm có thể đưa toàn bộ nọc độc, từ 0.1 - 0.6 mg vào cơ thể nạn nhân (hoặc không có chút nọc độc nào). Đối tượng bị bọ cạp cắn có nguy cơ gặp nguy hiểm cao nhất là trẻ em dưới 10 tuổi. Ước tính, mỗi năm có khoảng 2.000 người thiệt mạng, phải cấp cứu hoặc nhập viện vì bị bọ cạp tấn công.

2. Chẩn đoán bọ cạp cắn

Bọ cạp ở Việt Nam thường có độc tính không cao. Các dấu hiệu nhận biết bọ cạp cắn gồm:

  • Triệu chứng nhẹ: Đau, tê ngứa râm ran xung quanh vết cắn, sưng nóng đỏ nhẹ quanh vết cắn;

Bọ cạp cắn có thể khiến người bệnh bị sưng và đau râm ran quanh vết thương
Bọ cạp cắn có thể khiến người bệnh bị sưng và đau râm ran quanh vết thương

  • Triệu chứng nặng: Các cơ bị co giật, chảy nước dãi, đổ mồ hôi, nôn mửa, cử động đầu - cổ - mắt bất thường, suy thận đái hemoglobin, tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp, tim đập nhanh hoặc bị loạn nhịp tim, bồn chồn, khó chịu hoặc trẻ quấy khóc nhiều,...

Với những vết châm chỉ có dấu hiệu tại chỗ thì không cần làm xét nghiệm. Với trường hợp nặng, cần làm công thức máu, đường máu, điện giải đồ, creatinin, khí máu động mạch,... để chẩn đoán.

3. Cách trị bọ cạp cắn

Nếu bị bọ cạp cắn, cần phải xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để quá 6 giờ không xử trí thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt đối với người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch.

  • Làm sạch vết thương, sát trùng vết cắn bằng cồn 70° hoặc Povidine 10%;
  • Chườm đá hoặc túi nước đá lên vết cắn trong 20 phút để làm giảm tình trạng lây lan nọc độc;
  • Đến cơ sở y tế gần nhất và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ;
  • Sử dụng thuốc chữa rắn cắn (antivenin) cho các vết thương nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, kết hợp thêm các loại thuốc khác để làm giảm đau cơ bắp. Các thuốc giảm đau như aspirin, paracetamol,... và thuốc kháng histamin H1 làm dịu như clorpheniramin, diphenhydramin, phenergan. Đôi khi, cần sử dụng corticosteroid, dapson để cải thiện tình trạng tổn thương da;
  • Các biện pháp hồi sức với trường hợp nặng: Đảm bảo hô hấp, thở oxy hoặc mở máy khi cần; điều trị tăng huyết áp, nhịp tim nhanh; điều trị suy tim, phù phổi nếu có; điều trị co giật nếu có và chú ý không nên dùng quá liều thuốc an thần.

Lưu ý: Không được ngâm chi bị cắn vào nước lạnh, không chích rạch hoặc hút ở chỗ bị bọ cạp cắn.


Có thể sử dụng thuốc chữa rắn cắn để giảm đau cho các vết thương nghiêm trọng
Có thể sử dụng thuốc chữa rắn cắn để giảm đau cho các vết thương nghiêm trọng

4. Biện pháp phòng ngừa bọ cạp cắn

Bọ cạp thường có xu hướng ẩn nấp, tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Nếu sống trong khu vực có bọ cạp, để tránh bị bọ cạp cắn, cần chú ý những điều sau:

  • Di chuyển thùng rác, khúc gỗ, đá, gạch, các tấm biển,... - những nơi bọ cạp có thể trú ẩn - cách xa nơi cư trú;
  • Cắt cỏ, tỉa bụi cây, cành cây xòe ra để tránh tạo đường dẫn cho bọ cạp đi vào mái nhà;
  • Bịt kín các vết nứt, khe nứt trên cửa chính, cửa sổ vào nhà,...;
  • Không dự trữ củi trong nhà;
  • Khi cắm trại hoặc đi bộ đường dài, nên mặc áo dài tay, quần dài, kiểm tra túi ngủ trước khi sử dụng. Đồng thời, cần kiểm tra quần áo, giặt giũ giày trước khi đi, luôn đi giày trong mọi trường hợp. Cần kiểm tra giường, gối, các gói hành lý;
  • Khi đi du lịch nên mang theo dụng cụ tiêm epinephrine nếu bị dị ứng vết đốt do côn trùng.

Khi bị bọ cạp cắn, sau khi sát trùng vết cắn, nên đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay lập tức để bác sĩ khám, xử trí kịp thời, tránh gây ra các biến chứng khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe