Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Những cách xử lý chảy máu cam tuy khá đơn giản nhưng nếu được thực hiện một cách chính xác thì sẽ phát huy hiệu quả ngăn chặn tình trạng chảy máu cam thường xuyên chỉ trong vòng vài phút và không để lại nhiều biến chứng.
1. Chảy máu cam thường xuyên
Chảy máu cam có thể xảy ra với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào, song thường vô hại đối với hầu hết mọi người. Tình trạng này thường chỉ xảy ra ở một bên mũi, nhưng đôi khi cũng xuất hiện cùng lúc ở cả hai bên mũi. Khi một bên mũi bị tắc nghẽn một phần do có cục máu đông, máu có thể chảy ra từ phía bên còn lại hoặc chảy xuống phía sau cổ họng.
Những nguyên nhân điển hình của chảy máu cam ở trẻ bao gồm:
- Khí hậu khô và không khí quá nóng hoặc quá lạnh ở trong nhà và ngoài trời, khiến da mũi mỏng manh bị nứt nẻ và gây chảy máu;
- Vách ngăn hai bên mũi bị lệch làm tăng nguy cơ chảy máu cam thường xuyên;
- Bệnh cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên và dị ứng;
- Tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng, ví dụ như khói thuốc lá, axit sunfuric, amoniac, xăng;
- Lạm dụng rượu nặng làm cản trở hoạt động bình thường của tiểu cầu, tăng thời gian hình thành cục máu đông và làm cho các mạch máu bề mặt giãn ra, khiến chúng dễ bị tổn thương và chảy máu;
- Chấn thương trực tiếp vào mũi;
- Bệnh suy thận, giảm tiểu cầu, huyết áp cao và rối loạn chảy máu di truyền;
- Những bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông máu, thuốc xịt mũi steroid.
Bên cạnh đó cần lưu ý nếu rơi vào tình trạng chảy máu cam thường xuyên, đặc biệt là khi đi kèm với các triệu chứng nghẹt mũi dai dẳng hoặc chảy nước mũi có mùi hôi. Ở người già, nhất là người có hút thuốc, đây có thể là dấu hiệu của khối u bên trong mũi hoặc xoang. Đối với trẻ nhỏ, tình trạng trên đôi khi là những cảnh báo cho thấy bé đã mắc phải dị vật lạ nằm trong mũi.
2. Cách xử lý chảy máu cam
Nhìn chung, chảy máu cam thường không phải là vấn đề nghiêm trọng và bệnh nhân có thể tự áp dụng một số cách xử lý chảy máu cam tại nhà như sau:
- Giữ bình tĩnh vì nếu người bệnh bắt đầu lo lắng thì có thể máu sẽ chảy nhiều hơn, do đó cần cố gắng thư giãn;
- Nên ngồi dậy thay vì nằm xuống. Tư thế được khuyến cáo là ngồi thẳng, giữ đầu phía trên trái tim để giảm huyết áp trong tĩnh mạch mũi;
- Nghiêng người về phía trước một chút để tránh cho máu không bị chảy xuống phía sau cổ họng. Lưu ý không được ngửa đầu về phía sau như quan niệm dân gian, việc nuốt phải máu có thể gây kích ứng dạ dày, khiến bạn đau bụng và nôn ói;
- Dùng ngón cái và ngón trỏ bóp mũi lại trong vòng 5 - 10 phút và thở bằng miệng. Động tác này giúp gây áp lực lên vách ngăn mũi và có thể ngăn chặn dòng chảy của máu;
- Có thể sử dụng đồng thời tay còn lại để chườm túi nước đá vào sống mũi nhằm hỗ trợ làm chậm lưu lượng máu. Lưu ý không nên dùng khăn giấy hoặc tampon nhét vào mũi để tránh máu chảy nhiều hơn.
Khi máu đã ngừng chảy thì không được chạm vào mũi, xì mũi hay cúi đầu xuống trong vài giờ để tránh chảy máu thêm một lần nữa. Tuy nhiên nếu cảm thấy khó thở, có thể nhẹ nhàng xì mũi để loại bỏ những cục máu đông còn sót lại. Phun một số loại thuốc thông mũi như oxymetazoline (Afrin, Vicks Sinex hoặc Mucinex) vào cả hai mũi cũng là một lựa chọn có thể áp dụng. Sau khi phun thuốc cần bóp mũi lại và thở bằng miệng trong vòng 5 - 10 phút.
Trong trường hợp tình hình chảy máu cam diễn tiến nặng, cụ thể là không cầm được máu trong 30 phút và kèm theo một số triệu chứng khác, thì nên đi thăm khám và nhờ đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
3. Cách phòng ngừa chảy máu cam
Thực tế không thể ngăn ngừa tuyệt đối tình trạng chảy máu cam, tuy nhiên vẫn có một số lời khuyên bạn có thể áp dụng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
- Môi trường bên trong mũi bị khô có thể gây ra tình trạng chảy máu cam. Do đó cần giữ ẩm màng mũi bằng cách dùng tăm bông nhẹ nhàng bôi một lớp sáp dưỡng da (như vaseline) mỏng vào trong lỗ mũi 3 lần / ngày, nhất là trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc mỡ khoáng có tác dụng kháng sinh như Bacitracin hoặc Polysporin;
- Sử dụng sản phẩm nước muối xịt mũi giúp giữ ẩm bên trong mũi;
- Sử dụng máy tạo độ ẩm cho không khí trong nhà để tránh bị khô mũi, đặc biệt là trong những tháng lạnh, khô của mùa đông;
- Tránh xa khói thuốc lá. Việc hút thuốc có thể gây kích ứng bên trong mũi và làm khô mũi;
- Không ngoáy, móc, chà xát mũi hay xì mũi quá mạnh. Nếu trẻ em bị chảy máu cam cần cắt ngắn móng tay cho bé và dặn bé không được ngoáy mũi;
- Không lạm dụng thuốc cảm lạnh và dị ứng quá thường xuyên. Những thành phần chứa trong thuốc có thể làm khô mũi, đôi khi một số loại thuốc còn là nguyên nhân gây chảy máu cam hoặc làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Chính vì vậy, dù với bất cứ trường hợp nào bệnh nhân cũng không nên tự tiện dùng thuốc mà cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ;
- Tránh chấn thương vùng mặt bằng cách thắt dây an toàn trong xe hơi và sử dụng mũ bảo hiểm phù hợp để bảo vệ khuôn mặt khi đi xe máy hoặc chơi các môn thể thao tiếp xúc, chẳng hạn như bóng đá hay karate;
- Sử dụng thiết bị bảo vệ để tránh hít phải hóa chất gây khó chịu khi làm một số công việc đặc thù.
Có thể mất đến 2 tuần sau khi chảy máu mũi thì khu vực này mới hoàn toàn hồi phục và khỏe mạnh. Do đó bệnh nhân vừa bị chảy máu cam cần tránh gắng sức, không nâng vật nặng, chẳng hạn như hạn chế tập thể lực và làm việc nhà quá sức hoặc bế trẻ nhỏ nặng cân trong thời gian dài.
Hầu hết tất cả các trường hợp máu chảy ra từ mũi không biến chứng đều đáp ứng với các cách xử lý chảy máu cam đơn giản, thích hợp áp dụng tại nhà. Nếu các bước sơ cứu ban đầu không ngăn được dòng máu chảy, cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu để được kiểm soát triệu chứng bằng thuốc hoặc một số kỹ thuật chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com