Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Thuyên tắc phổi cấp tính là tắc động mạch phổi cấp do cục máu đông đi từ các tĩnh mạch sâu ở chân đến phổi dẫn đến việc nên thuyên tắc động mạch phổi có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong.
1. Triệu chứng của thuyên tắc động mạch phổi cấp
Các triệu chứng thuyên tắc phổi ( Pulmonary embolism) có những biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào bao nhiêu phần của phổi bị ảnh hưởng, kích thước của cục máu đông và liệu người bệnh có kèm theo các bệnh phổi hoặc bệnh tim tiềm ẩn hay không.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Khó thở: Triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và càng trở nên tồi tệ hơn khi gắng sức.
- Đau ngực: Người bệnh có thể cảm thấy như đang bị đau tim. Cơn đau thường rất gay gắt và cảm thấy đau khi người bệnh hít vào sâu, do đó thường khiến người bệnh không dám hít thở sâu. Đau cũng có thể xuất hiện khi người bệnh ho, cúi xuống.
- Ho: Ho có máu hoặc có vệt máu.
Các triệu chứng khác có thể xảy ra khi thuyên tắc phổi bao gồm:
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Chóng mặt
- Đổ mồ hôi nhiều
- Sốt
- Đau chân hoặc sưng, hoặc cả hai, thường ở bắp chân do huyết khối tĩnh mạch sâu
- Da sạm hoặc đổi màu (tím tái).
2. Nguyên nhân của thuyên tắc động mạch phổi cấp
Thuyên tắc phổi xảy ra khi một khối vật chất, thường là cục máu đông, đi vào động mạch trong phổi của người bệnh. Những cục máu đông này thường xuất hiện trong bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis – DVT) ở tại các tĩnh mạch sâu trong chân của người bệnh.
Trong nhiều trường hợp, không chỉ có một mà có thể nhiều cục máu đông dẫn đến thuyên tắc phổi. Nếu phần phổi nào bị chặn động mạch cung cấp máu thì hiện tượng này được gọi là nhồi máu phổi (pulmonary infarction). Từ đó, khiến cho phổi khó cung cấp đủ oxy hơn cho các bộ phận của cơ thể.
Đôi khi, tắc nghẽn trong mạch máu là do các chất khác ngoài cục máu đông, chẳng hạn như:
- Mỡ từ tủy xương gãy
- Một phần của khối u
- Bong bóng khí
3. Chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi cấp
Thuyên tắc phổi có thể khó chẩn đoán, đặc biệt ở những người mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi tiềm ẩn. Vì lý do này, bác sĩ sẽ hỏi kĩ về tiền sử bệnh tật của người bệnh, khám thể chất và thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm/kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như sau:
3.1 Xét nghiệm máu (Blood tests)
- Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm D-dimer để tìm gợi ý về dấu hiệu tăng khả năng đông máu, mặc dù nhiều yếu tố khác cũng có thể khiến mức độ của D-dimer cao.
- Xét nghiệm máu cũng có thể đo lượng oxy và carbon dioxide trong máu do nếu người bệnh cục máu đông trong động mạch phổi sẽ làm giảm mức độ oxy trong máu.
- Ngoài ra, xét nghiệm máu có thể được thực hiện để xác định xem người bệnh có bị rối loạn đông máu di truyền hay không (inherited clotting disorder).
3.2 X-quang ngực (Chest X-ray)
Kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn này sẽ thể hiện hình ảnh của tim và phổi của người bệnh trên phim. Mặc dù tia X không thể chẩn đoán thuyên tắc phổi và thậm chí có thể xuất hiện bình thường khi người bệnh có thuyên tắc phổi, nhưng sẽ giúp bác sĩ có thể loại trừ các bệnh lý có triệu chứng giống bệnh thuyên tắc phổi.
3.3 Siêu âm (Ultrasound)
Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để quét các tĩnh mạch ở đùi, đầu gối và bắp chân của người bệnh và đôi khi ở cánh tay để kiểm tra các cục máu đông ở trong tĩnh mạch sâu.
3.4 Chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi (CT pulmonary angiography) (Chụp CT)
Chụp CT phát ra tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cơ thể người bệnh. Chụp CT tạo ra hình ảnh 3D để phát hiện các bệnh lý bất thường như thuyên tắc trong động mạch phổi. Một số trường hợp, người bệnh có thể cần phải tiêm chất cản quang trong quá trình chụp CT để hình ảnh các động mạch phổi hiện ra rõ nét hơn và dễ dàng phát hiện bệnh lý.
3.5 Chụp nhấp nháy thông khí/tưới máu phổi (Ventilation-perfusion scan-V/Q scan)
Trong kỹ thuật này, người bệnh được tiêm một loại chất đánh dấu vào tĩnh mạch ở cánh tay. Bác sĩ sẽ so sánh giữa chất đánh dấu ánh xạ lưu lượng máu (tưới máu phổi) và luồng khí đến phổi của người bệnh để xác định xem liệu có cục máu đông gây ra triệu chứng tăng áp động mạch phổi hay không.
3.6 Chụp động mạch phổi (Pulmonary angiogram)
Kỹ thuật này thể hiện hình ảnh rõ ràng về lưu lượng máu trong các động mạch phổi của người bệnh nên đây là cách chính xác nhất để chẩn đoán thuyên tắc phổi. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi kỹ thuật viên thực hiện phải có tay nghề cao và kỹ thuật này có một số nguy cơ nguy hiểm, vì vậy thường chỉ được thực hiện khi các kỹ thuật chẩn đoán khác không cung cấp đủ thông tin để chẩn đoán chính xác là thuyên tắc phổi hay không.
Trong quá trình chụp mạch phổi, một ống mềm được đưa vào tĩnh mạch lớn - thường là ở bẹn của bạn - và luồn qua tim vào động mạch phổi. Một loại thuốc nhuộm đặc biệt sau đó sẽ được tiêm vào ống thông và chụp X-quang khi thuốc nhuộm di chuyển dọc theo các động mạch trong phổi của bạn.
Ở một số người, thủ thuật này có thể gây ra sự thay đổi tạm thời về nhịp tim. Ngoài ra, thuốc nhuộm có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận ở những người bị suy giảm chức năng thận.
3.7 Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường và sóng vô tuyến do máy tính tạo ra để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và mô trong cơ thể người bệnh. Chụp cộng hưởng từ thường được dành riêng cho phụ nữ mang thai để tránh bức xạ cho thai nhi và người có bệnh lý về thận để tránh nguy cơ bị tổn thương thận nặng hơn do thuốc nhuộm được sử dụng trong các kỹ thuật chẩn đoán kể trên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.