Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở 1 vị trí ngoài buồng tử cung với hơn 95% liên quan đến ống dẫn trứng. Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm có thể khiến người phụ nữ bị sốc mất máu dẫn tới tử vong. Do đó việc chẩn đoán và điều trị sớm thai ngoài tử cung là hết sức cần thiết với sự hỗ trợ của hình ảnh siêu âm thai ngoài tử cung.
1. Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là bệnh lý mà việc làm tổ của thai xảy ra ở một vị trí khác ngoài lớp nội mạc tử cung buồng tử cung. Đó có thể là ống dẫn trứng, sừng tử cung, cổ tử cung, buồng trứng hoặc khoang bụng, vùng chậu. Bệnh nhân bị thai ngoài tử cung không thể mang thai đến đủ tháng và cuối cùng thai bị vỡ hoặc thoái triển.
Các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu gồm trễ kinh đau vùng chậu, ra máu âm đạo và căng đau cổ tử cung khi di động, ngất xỉu hoặc sốc mất máu có thể xảy ra khi vỡ. Để chẩn đoán thai ngoài tử cung thì ngoài thăm khám lâm sàng còn cần sự trợ giúp bằng cách đo nồng độ beta HCG và siêu âm thai ngoài tử cung.
2. Đối tượng nào có nguy cơ mắc thai ngoài tử cung?
Thai ngoài tử cung làm tổ ở vòi là thể bệnh thường gặp nhất với nguyên nhân chính là do tình trạng viêm nhiễm của hai vòi tử cung. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng hóc-môn và sự phát triển bất thường của trứng đã thụ tinh cũng đóng vai trò quan trọng. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc thai ngoài tử cung gồm:
- Có tiền sử thai ngoài tử cung
- Viêm hoặc nhiễm trùng vòi tử cung do bệnh lây qua đường tình dục như lậu hoặc chlamydia làm tăng nguy cơ xuất hiện thai ngoài tử cung
- Người tham gia điều trị hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hoặc các phương pháp điều trị vô sinh khác có khả năng mắc thai ngoài tử cung cao hơn thụ thai tự nhiên. Bản thân tình trạng vô sinh cũng đã làm tăng tỷ lệ thai ngoài tử cung
- Các phẫu thuật ở vòi tử cung: phẫu thuật sửa chữa bất thường của vòi tử cung trước đây sẽ làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung
- Các phương pháp tránh thai như đặt dụng cụ tránh thai trong buồng tử cung có xác suất thấp dẫn tới thai ngoài tử cung nhưng nêu tránh thai thất bại thì vẫn có thể xảy ra tình trạng này
- Hút thuốc lá tỷ lệ thuận với khả năng xuất hiện thai ngoài tử cung.
3. Siêu âm có phát hiện thai ngoài tử cung không?
Hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì siêu âm đã giúp chẩn đoán sớm thai trong tử cung và thai ngoài tử cung. Siêu âm đầu dò âm đạo có thể nhìn thấy túi thai khi thai được 4-5 tuần tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối. Khi thai phát triển sẽ thấy yolk sac ở tuần thứ 5 và phôi thai có tim thai thấy được khoảng từ 5-6 tuần.
Để phân biệt với túi thai giả thì túi thai thật có vòng tăng âm quanh túi thai. Siêu âm và định lượng βHCG sẽ giúp chẩn đoán chính xác tình trạng thai ngoài tử cung. Bình thường siêu âm bụng sẽ thấy thai sống trong tử cung và βHCG trên 6500 mUI/ml. Nếu siêu âm đầu dò âm đạo không thấy thai trong tử cung và βHCG thấp hơn 1500 mUI/ml thì có thể do các nguyên nhân như:
- Thai trong tử cung bình thường nhưng quá sớm
- Thai trong tử cung bất thường
- Mới sảy thai
- Thai ngoài tử cung
- Thai không xác định vị trí
Bên cạnh đó, soi ổ bụng chính là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thai ngoài tử cung, qua soi ổ bụng giúp quan sát ống dẫn trứng dễ dàng. Tuy nhiên nếu thai quá nhỏ có thể bỏ sót tình trạng này với tỷ lệ từ 2-5%.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.