Bệnh agglutinin lạnh là một loại thiếu máu hiếm gặp, một tình trạng xảy ra khi cơ thể bạn không có đủ hồng cầu. Hiện tượng này thường được ghi nhận khi nhiệt độ cơ thể của bạn giảm xuống dưới mức bình thường.
1. Xét nghiệm agglutinin lạnh là gì?
Đây là xét nghiệm máu giúp đo lượng mức độ agglutinin lạnh trong máu của bạn. Xét nghiệm cũng được thực hiện bằng cách cho mẫu máu tiếp xúc với những nhiệt độ khác nhau nhằm giúp bác sĩ tìm ra ở nhiệt độ nào các tế bào hồng cầu của bạn bắt đầu kết tụ lại.
Đầu tiên bạn sẽ được y tá lấy máu bằng kim. Sau đó máu sẽ được pha loãng và chia sang các ống nghiệm khác nhau. Mẫu máu của bạn sau đó sẽ được làm lạnh ở nhiều nhiệt độ thấp khác nhau để xác định xem có xảy ra sự đóng cục của các tế bào hồng cầu hay không.
Tại sao tôi cần làm test này?
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện test nếu nghi ngờ bạn mắc agglutinin lạnh dựa trên các triệu chứng của bạn. Nếu agglutinin lạnh ở mức độ cao có thể dẫn tới thiếu máu tán huyết. Cùng với các triệu chứng khác của bệnh agglutinin lạnh, thiếu máu tán huyết có thể dẫn đến các vấn đề như nhịp tim không đều hoặc tim to.
Agglutinin lạnh được tìm thấy trong máu của hầu hết mọi người, nhưng với mức độ cao chúng có thể dẫn đến bệnh agglutinin lạnh. Đây có thể hậu quả của nhiễm trùng, bệnh tự miễn hoặc ung thư.
2. Agglutinin lạnh được chẩn đoán như thế nào?
Nếu bạn có các triệu chứng phổ biến với bệnh agglutinin lạnh ( yếu và mệt mỏi, da nhợt nhạt, nhức đầu, chóng mặt, ngón tay, ngón chân chuyển sang màu tím hoặc xanh, đi tiểu tối, các vấn đề về dạ dày hoặc tiêu hoá), lời khuyên đầu tiên của bác sĩ là bạn nên thực hiện xét nghiệm máu để xem bạn có bị thiếu máu hay không.
Sau đó, họ sẽ đề xuất các thử nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Bác sĩ có thể thực hiện các bước sau trong quy trình chẩn đoán Agglutinin lạnh.
2.1. Khám sức khỏe
Bác sĩ sẽ kiểm tra kích thước lá lách của bạn, nơi bắt giữ và tái chế các tế bào hồng cầu đã chết. Nếu lá lách lớn hơn bình thường là dấu hiệu cho thấy các tế bào hồng cầu đang chết quá nhanh.
2.2. Xét nghiệm Bilirubin
Bilirubin là chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Xét nghiệm máu có thể cho thấy nếu bạn có mức độ Bilirubin cao hơn bình thường. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy có quá nhiều tế bào hồng cầu đang bị phá hủy.
2.3. Xét nghiệm Haptoglobin
Hemoglobin hay còn gọi là huyết sắc tố là một protein có chức năng đưa oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể. Haptoglobin là một loại protein khác tự gắn vào huyết sắc tố (hemoglobin) được tạo ra khi tế bào hồng cầu chết. Một khi chúng liên kết với nhau, gan sẽ đẩy chúng ra khỏi cơ thể bạn. Nếu quá nhiều tế bào hồng cầu chết có thể dẫn đến nồng độ haptoglobin trong máu thấp.
2.4. Công thức máu toàn bộ
Với bệnh agglutinin lạnh, kháng thể liên kết với các tế bào hồng cầu, khiến chúng kết tụ lại với nhau. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ này nhằm phát hiện các trường hợp các tế bào hồng cầu được kết lại với nhau một cách bất thường, còn được gọi là ngưng kết. Các bác sĩ cũng sẽ xem xét nếu bạn có quá ít tế bào hồng cầu hoặc quá nhiều tế bào hồng cầu mới.
2.5. Phết máu
Trong thử nghiệm này, các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm xem xét một mẫu máu của bạn để tìm dấu hiệu cho thấy các tế bào hồng cầu đã bị phá hủy quá nhanh.
2.6. Xét nghiệm Coombs
Xét nghiệm này nhằm tìm hiểu xem liệu có các kháng thể phá hủy các tế bào hồng cầu trong máu của bạn hay không. Có hai loại xét nghiệm Coombs, xét nghiệm trực tiếp và xét nghiệm gián tiếp.
Với xét nghiệm trực tiếp, các tế bào hồng cầu được tách ra khỏi một mẫu máu và đưa vào quy trình gọi là “quy trình rửa”. Các tế bào hồng cầu sau đó được trộn với một chất gọi là thuốc thử Coombs. Nếu các tế bào hồng cầu bắt đầu kết tụ lại với nhau thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh agglutinin lạnh.
Xét nghiệm Coombs gián tiếp chỉ được sử dụng với phụ nữ mang thai và những người sắp được truyền máu.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.