Sau phẫu thuật cắt gan, bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt, ngoài ra chế độ dinh dưỡng sau mổ cắt gan cũng đóng vai trò quan trọng do ảnh hưởng khả năng tái tạo của gan.
1. Phẫu thuật cắt gan là gì?
Phẫu thuật cắt gan là phẫu thuật cắt bỏ một phần của gan (gan trái hoặc gan phải). Phẫu thuật cắt gan thường được thực hiện để loại bỏ các khối u ác tính trong gan và mô gần đó, nhằm mục tiêu điều trị ung thư gan.
2. Các biến chứng sau mổ cắt gan
Mổ cắt gan có nguy cơ gây ra những rủi ro nhất định cho bệnh nhân, bao gồm:
- Xuất huyết: Đây là nguy cơ chính thường xảy ra sau phẫu thuật.
- Hình thành cục máu đông.
- Tổn thương gan: Có thể làm cho xuất huyết tại gan nghiêm trọng hơn.
- Nhiễm trùng.
- Viêm phổi.
- Tác dụng phụ do gây mê.
- Nguy cơ tái phát ung thư gan từ bệnh tiềm ẩn thuộc phần còn lại của gan.
Để hạn chế những biến chứng này, người bệnh cần được chăm sóc sau mổ cắt gan một cách kỹ lưỡng, theo dõi sau điều trị để cải thiện sớm tình hình sức khỏe và hồi phục nhanh chóng.
3. Chăm sóc sau mổ cắt gan
Theo dõi và chăm sóc sau mổ cắt gan là bước vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người bệnh ung thư. Phẫu thuật cắt gan có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi, gan, thận và rối loạn chuyển hoá.
- Trong 48 giờ đầu sau mổ, điều dưỡng viên cần theo dõi dấu hiệu hạ đường huyết. Thông thường, bệnh nhân cần được duy trì truyền Dextrose 10% theo y lệnh và thử đường huyết nhanh.
- Theo dõi tri giác và dấu chứng sinh tồn nhằm phát hiện sớm tình trạng xuất huyết, như mạch nhanh, huyết áp giảm. Trong 24 giờ đầu sau mổ, người bệnh không được cử động nhiều để hạn chế nguy cơ chảy máu.
- Theo dõi lượng nước tiểu: Để kiểm soát tình trạng suy thận.
- Đánh giá đau thường xuyên: Vì phẫu thuật cắt gan được thực hiện theo thủ thuật Kocher nên cần cắt nhiều cơ, đồng thời phẫu thuật này cắt tạng nên sau mổ bệnh nhân thường rất đau... Do đó, quy trình chăm sóc sau mổ cắt gan cần có thuốc giảm đau hay duy trì giảm đau cho người bệnh. Ngoài ra, động tác xoay trở người cần được thực hiện nhẹ nhàng để tránh gây đau.
- Đặt ống thông dạ dày (ống Levine): Thực hiện hút liên tục hay ngắt quãng theo y lệnh. Ngoài ra, cần chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân để tránh tình trạng miệng bị hôi và khô niêm mạc môi miệng, dẫn đến nhiễm trùng miệng và ảnh hưởng đến tổng trạng của người bệnh. Tiến hành theo dõi số lượng, màu sắc, tính chất của dịch hút qua ống Levine.
- Dẫn lưu: Chăm sóc sau mổ cắt gan thường có dẫn lưu dưới gan, nhằm theo dõi bất thường trong dịch chảy ra như có máu, dịch mật, nhất là nếu máu trên 100ml/giờ thì cần xử trí ngay. Dẫn lưu sau phẫu thuật cắt gan mang ý nghĩa phòng ngừa nên bác sĩ thường cho rút sớm.
- Theo dõi nước và điện giải, duy trì truyền dịch cho bệnh nhân: Điều dưỡng viên cần đánh giá chính xác nước xuất nhập giúp bác sĩ cân bằng nước, hạn chế nguy cơ suy thận, vì đây là biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong. Người bệnh sau cắt gan thường được truyền máu. Do đó, việc chăm sóc sau mổ cắt gan cần phối hợp theo dõi tình trạng chảy máu qua dẫn lưu, qua vết cắt gan do chất kháng đông tích tụ trong quá trình truyền máu.
- Dinh dưỡng: Bệnh nhân cần giảm đạm và lipid, đồng thời cần cung cấp đạm qua đường truyền.
- Khuyến khích chế độ ăn uống đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
4. Dinh dưỡng sau mổ cắt gan
Ăn gì sau cắt gan chủ yếu phụ thuộc vào phần gan bị cắt đi có nhiều hay không và tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật. Nếu phần gan cắt bỏ đi không nhiều, bác sĩ có thể dặn dò người bệnh ăn uống bình thường sau cắt gan.
Chế độ dinh dưỡng sau mổ cắt gan đóng vai trò quan trọng do ảnh hưởng khả năng tái tạo của gan. Bệnh nhân thường bị suy dinh dưỡng tại thời điểm sau phẫu thuật, tình trạng này ngày càng nặng hơn do xuất hiện các triệu chứng liên tục của bệnh gan và do hạn chế trong việc ăn uống.
4.1. Nguyên tắc dinh dưỡng
- Tránh những chất độc hại liên quan đến quy trình sản xuất thực phẩm (do thuốc trừ sâu, hóa chất nông nghiệp hoặc thuốc diệt cỏ)
- Tránh phụ gia thực phẩm (phẩm màu, chất bảo quản, hương liệu)
- Hạn chế một số phương pháp nấu ăn nhất định như chiên, quay, nướng.
4.2. Dinh dưỡng trong giai đoạn 1-2 ngày sau mổ
Đặc điểm của bệnh nhân trong giai đoạn này:
- Bệnh nhân thường chậm đi ngoài
- Chịu tác dụng phụ của nhiều thuốc giảm đau sau mổ.
- Giảm khả năng tiêu hóa do chức năng chuyển hoá của gan giảm đi đáng kể
- Nguy cơ hạ đường huyết
Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân:
- Có thể bắt đầu chế độ ăn sớm ngay sau quá trình phẫu thuật
- Nên chia làm nhiều bữa nhỏ.
- Bữa ăn cần đảm bảo chất dinh dưỡng đầy đủ và đều đặn.
- Nên dùng các loại cháo loãng với một số lượng thịt, cá xay vừa đủ cùng rau xay nhuyễn
4.3. Giai đoạn tiếp theo
Đặc điểm của bệnh nhân trong giai đoạn này:
- Rối loạn vị giác và có vị đắng trong miệng
- Khả năng tiêu hóa kém, chướng bụng, rối loạn khi đi ngoài
- Giảm cảm giác thèm ăn và thường mau no khi ăn
Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân:
- Phối hợp các loại thảo dược và gia vị vào món ăn (chẳng hạn như húng tây, rau mùi tây, húng quế, gừng, nghệ, nước chanh, rượu và giấm táo).
- Chế biến món ăn bằng những phương pháp nấu ăn khác nhau.
4.4. Một số lưu ý trong dinh dưỡng sau mổ cắt gan
- Lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin K để ổn định quá trình đông máu, có thể bị hao hụt do tổn thương gan.
- Cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột bằng cách sử dụng các loại men vi sinh phù hợp (dạng uống hoặc trong sữa chua).
- Mỗi bữa ăn nên chế biến với khoảng 100g thịt, cá nhiều nạc, có thể thay thế bằng các loại đậu đỗ, hải sản tôm cua nhằm đa dạng nguồn cung cấp đạm cho bệnh nhân.
- Hạn chế những thực phẩm có chứa fructose như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm đóng gói. Vì nếu sử dụng nhiều fructose, axit uric sẽ được tạo ra với số lượng lớn, dẫn đến kích hoạt phản ứng viêm của tế bào gan.
- Ưu tiên sử dụng các loại dầu thực vật, đặc biệt là dầu oliu, giúp giảm thiểu nguy cơ gây viêm và duy trì mức đường huyết ổn định.
Ngoài ra, việc chăm sóc sau mổ cắt gan cần chú ý duy trì lối sống lành mạnh: Không rượu, bia, thuốc lá, không thức đêm hay làm việc gắng sức vì nguy cơ ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.