Chăm sóc trẻ khi bị bệnh sởi

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Khương - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do vi rút sởi gây nên. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm kết mạc mắt, viêm long đường hô hấp và tiêu hoá, có phát ban dát đỏ mọc tuần tự từ mặt đến thân mình. Bệnh sởi ở trẻ em nếu không phát hiện kịp thời có thể thành dịch.

1. Bệnh sởi lây truyền như thế nào?

Virus sởi rất dễ lây qua ho và hắt hơi, tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Virus vẫn hoạt động và dễ lây trong không khí hoặc trên các bề mặt bị nhiễm trong gần 2h. Nó có thể lây truyền từ người mắc bệnh trong vòng 4 ngày trước khi bắt đầu phát ban cho tới 4 ngày sau khi phát ban.

Thông thường bệnh sởi diễn ra 4 thời kì:

  • Thời kì ủ/nung bệnh: 8 - 11 ngày: Thường không có biểu hiện lâm sàng.
  • Thời kì khởi phát (giai đoạn viêm long): Kéo dài 3 - 4 ngày với sốt nhẹ hoặc vừa, rồi sốt cao. Sau viêm kết mạc mắt đỏ có gỉ kèm nhèm & sưng nề mi mắt, viêm xuất tiết mũi, họng: Chảy nước mắt nước mũi, ho. Còn có thể có hạch ngoại biên to.
  • Thời kì toàn phát (giai đoạn mọc ban): Kéo dài 4 - 6 ngày. Ban mọc trong 3 ngày: Tuần tự mọc ở sau tai, lan ra mặt rồi lan xuống đến cổ, ngực, lưng,tay, ngày 3 lan đến chân. Dạng ban là ban hồng, dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ các ban có khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 - 6 mm.
  • Thời kì lui bệnh (giai đoạn ban bay): Ban bay theo thứ tự như nó đã mọc. Sau khi ban bay có để lại vết thâm trên da. Thông thường khi ban bay thì hết sốt, trừ khi có biến chứng thì trẻ vẫn sốt sau khi ban bay.

Giai đoạn mọc ban kéo dài 4 - 6 ngày
Giai đoạn mọc ban kéo dài 4 - 6 ngày

2. Các biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sởi ở trẻ em có thể để lại các biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm tai giữa - đây là biến chứng luôn phải nghĩ tới trước tiên.
  • Viêm loét giác mạc.
  • Viêm não cấp tính chiếm (khoảng 0,1% số ca mắc sởi): Trẻ nhỏ sau khi phát ban (1 - 15 ngày) xuất hiện các triệu chứng lơ mơ, hôn mê, co giật, đau đầu, nôn, cứng gáy.
  • Tiêu chảy.
  • Viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn tụ cầu Influenzae tuýp B, Hemophilus.
  • Thể lao tiềm ẩn tái bùng phát do cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch.

3. Phân biệt sởi khác sốt phát ban như thế nào?

Phân biệt các dấu hiệu của bệnh sốt phát ban và bệnh sởi như sau:

  • Bệnh Rubella (hay bệnh sởi Đức): Thường sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp nhẹ, ban dát sẩn dạng sởi nhưng thường ban nhỏ hơn, mọc thưa hơn và mọc sớm ngay trong 1-2 ngày đầu, ban mọc cùng lúc, khi bay không để lại vết thâm, hay có hạch sau tai, chẩm to, đau.
  • Bệnh do virut có phát ban khác (Vi rút Adeno, ECHO, Coxsackie,...): Ban dát sần dạng sởi thường mọc toàn thân không theo thứ tự.
  • Ban dị ứng: Ban sẩn cục (ban mề đay) toàn thân không theo thứ tự, thường ngứa, có nguyên nhân dùng thuốc, thời tiết, thức ăn,...

4. Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ bị sởi tại nhà


Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.

Bước đầu, nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, không đến chỗ tập trung quá đông bệnh nhân để tránh lây bệnh khác. Nếu trẻ bị sởi thể thông thường và đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, thì nên chăm sóc tại nhà sau khi có ý kiến đầy đủ về cách chăm sóc cháu tại nhà, theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ. Bao gồm:

  • Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ.
  • Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
  • Giữ vệ sinh da, mắt, mũi họng: Thay quần áo, vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh,nhỏ mắt , nhỏ mũi bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần.
  • Vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
  • Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ trên 6 tháng), trẻ lớn nhớ cho uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tránh gió lùa, ăn thức ăn chứa protein dị ứng, các loại gia vị kích thích, không uống các loại nước có ga, đồ uống kích thích.
  • Không dùng kháng sinh nếu không có các biến chứng.

Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu cho virus sởi. Có thể tránh được biến chứng nặng của bệnh sởi ở trẻ em bằng điều trị hỗ trợ: Đảm bảo dinh dưỡng tốt, uống đủ nước và bù nước và điện giải bằng các dung dịch đường uống thay thế cho dịch và các yếu tố cần thiết đã bị mất qua tiêu chảy và nôn. Cho trẻ ăn thức ăn mềm dễ tiêu, ăn đủ chất, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa theo khẩu vị của trẻ để trẻ dễ ăn. Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu.

Trong trường hợp trẻ bị biến chứng của bệnh sởi như tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống. Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A.

5. Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức?


Nếu trẻ sốt cao khó hạ trên 48 giờ cần đưa trẻ đi khám ngay.
Nếu trẻ sốt cao khó hạ trên 48 giờ cần đưa trẻ đi khám ngay.

Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, ví dụ đã hết sốt tự nhiên xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, trẻ có biểu hiện chói mắt hoặc đi ngoài, sốt cao khó hạ kéo dài trên 48 giờ, co giật, li bì, trẻ mệt hơn, thở nhanh nông, khàn tiếng hoặc mất tiếng hoặc có các biểu hiện bất thường khác, cha mẹ cần đưa đi khám lại ngay, để bác sĩ xem xét và quyết định trẻ có cần nhập viện điều trị.

6. Trẻ có bị bệnh sởi lần 2 không?

Cho đến nay theo ghi nhận của y văn thế giới, người sau khi mắc sởi sẽ có miễn dịch bền vững suốt đời, nếu người đó không bị mắc các bệnh suy giảm miễn dịch hay không bị các bệnh phải dùng các thuốc corticoid gây suy giảm miễn dịch.

Bệnh sởi ở trẻ em có thể điều trị tại nhà nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Để tránh những biến chứng nguy hiểm với sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bệnh sởi để có phương án điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe