Viêm loét niêm mạc miệng thường gây ra mụn nước đau đớn trong miệng hoặc trên môi của trẻ. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân khiến trẻ bị viêm niêm mạc miệng là không rõ. Hầu hết các trường hợp không cần điều trị đặc biệt và sẽ tự lành sau 1-3 tuần. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ bị viêm niêm mạc miệng, trong đó, điều quan trọng là hạn chế cơn đau để trẻ có thể ăn uống bình thường và ngăn ngừa mất nước.
1. Điều trị viêm niêm mạc miệng ở trẻ em như thế nào?
Viêm loét niêm mạc miệng ở trẻ em, hoặc loét miệng, là những đốm trắng được bao quanh bởi một vùng viêm đỏ xuất hiện trên môi và nướu. Chúng gây đau đớn và có thể khiến trẻ rất khó nói và nhai. Nếu miệng con bị lở loét, chắc chắn sẽ rất đau đớn. Điều này luôn khiến cha mẹ phải tích cực tìm kiếm một số biện pháp khắc phục để xoa dịu nỗi đau của trẻ.
Rất may là khi trẻ bị viêm niêm mạc miệng, vết loét không lây và có thể điều trị tại nhà. Thông thường, các vết loét miệng thường biến mất sau 7 đến 14 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cha mẹ có thể tham khảo các cách chăm sóc trẻ bị viêm niêm mạc miệng sau đây tại nhà để giảm bớt các triệu chứng của trẻ:
Cho con dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Ibuprofen hoặc Acetaminophen, để điều trị đau và sốt. Tuy nhiên, không dùng Ibuprofen cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở xuống. Không cho trẻ dưới 19 tuổi uống Aspirin trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Dùng aspirin có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Reye. Đây là 1 rối loạn hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến não và gan.
Dùng thuốc kháng axit dạng lỏng 4 lần một ngày có thể giúp giảm đau. Đối với trẻ em trên 6 tuổi, có thể cho một thìa cà phê (5 mL) làm nước súc miệng sau bữa ăn. Đối với trẻ nhỏ, dùng tăm bông chấm thuốc kháng axit vào vết lở miệng.
Lấy nước lạnh, nước đá hoặc thanh nước trái cây đông lạnh có thể giúp làm dịu cơn đau miệng cho trẻ.
Cho trẻ ăn một chế độ ăn mềm, cùng với nhiều nước để ngăn ngừa mất nước. Nếu trẻ không muốn ăn thức ăn đặc, cũng không sao trong vài ngày, miễn là trẻ uống nhiều chất lỏng.
Không cho trẻ ăn thức ăn cay hoặc có tính axit, như uống các loại nước có múi như nước cam, nước chanh. Những thứ này có thể gây đau miệng hơn.
Trẻ nên ở nhà cho đến khi hết sốt và ăn uống tốt trước khi quay lại trường học
Chỉ sử dụng các phương pháp điều trị sau nếu trẻ trên 4 tuổi:
- Nhỏ một ít gel làm tê tại chỗ lên vết loét miệng để giảm đau. Gel có thể gây cảm giác châm chích nhẹ khi sử dụng nhưng đem lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Hãy hỏi dược sĩ để được gợi ý về nhãn hiệu và độ mạnh của thuốc nào là tốt nhất cho trẻ. Cha mẹ có thể bôi thuốc này trực tiếp lên vết loét bằng tăm bông hoặc dùng chính ngón tay. Sử dụng thuốc làm tê ngay trước bữa ăn nếu trẻ bị viêm niêm mạc miệng gặp vấn đề ăn uống.
- Cho trẻ súc miệng bằng nước muối hoặc với baking soda và nước ấm, sau đó nhổ đi. Đảm bảo rằng trẻ đã nhổ nước súc miệng ra và không nuốt nó.
2. Các biện pháp khắc phục viêm niêm mạc miệng ở trẻ em tại nhà
Mặc dù nguyên nhân viêm niêm mạc miệng ở trẻ em chưa được biết rõ, một số giả thiết được đặt ra là do căng thẳng, chấn thương, thiếu hụt vitamin và khoáng chất, cơ thể nóng hoặc thậm chí là dị ứng thức ăn. May mắn là tình trạng viêm loét niêm mạc miệng ở trẻ em có thể được chữa khỏi dễ dàng với các biện pháp điều trị hiệu quả tại nhà như sau:
2.1 Mật ong
Nếu trẻ bị viêm niêm mạc miệng đã trên một tuổi, cha mẹ có thể sử dụng mật ong để điều trị loét miệng bằng cách bôi vào khu vực bị ảnh hưởng một vài lần trong ngày. Mật ong có đặc tính chống vi khuẩn tuyệt vời, sẽ làm lành vết loét nhanh chóng. Xin lưu ý: Không cho trẻ dung mật ong nếu trẻ dưới 1 tuổi.
2.2 Nghệ
Một thành phần quan trọng trong hầu hết các gia đình là nghệ với khả năng được sử dụng để điều trị loét miệng ở trẻ em. Đặc tính chống viêm, khử trùng và kháng khuẩn của nghệ chữa lành tất cả các loại vết thương và vết cắt da. Để làm tăng hiệu quả của nghệ tươi, hãy trộn nó với mật ong.
2.3 Dừa
Dừa là một sản phẩm thiết yếu khác trong tất cả các hộ gia đình và cũng rất hữu ích trong việc điều trị vết loét. Cha mẹ có thể cho trẻ bị viêm niêm mạc miệng uống nước dừa hoặc cho trẻ súc miệng bằng nước cốt dừa. Nếu không có những thứ này ở nhà, cha mẹ có thể chỉ cần thoa dầu dừa nguyên chất lên vết loét. Tuy nhiên, không dùng dầu dừa cho trẻ nếu trẻ dưới 1 tuổi.
2.4 Sữa đông
Sữa đông và sữa bơ là những phương thuốc tuyệt vời cho chứng viêm loét niêm mạc miệng ở trẻ em. Cho trẻ ngậm sữa đông hoặc sữa bơ trong miệng sẽ giúp làm dịu cơn đau do vết loét một cách nhanh chóng. Sữa đông là một phương thuốc tuyệt vời vì có chứa các vi khuẩn thân thiện giúp chống lại vi trùng có hại và ngăn ngừa nhiễm trùng nấm.
2.5 Cây húng quế
Nhai lá húng quế là một phương thuốc hữu ích khác để chữa loét miệng. Lá húng quế có chứa dược tính và có thể chữa khỏi vết loét trong nháy mắt. Nên nhai lá húng quế cùng với nước ấm hai lần một ngày để sớm cho kết quả. Tuy nhiên, cách này chỉ nên áp dụng cho trẻ lớn hay thiếu niên.
2.6 Bơ ghee
Một dẫn xuất khác của sữa, bơ ghee có thể đem lại tác dụng kỳ diệu trong việc chữa lành vết loét miệng. Cha mẹ có thể thoa bơ ghee lên vùng bị ảnh hưởng ít nhất 3 lần một ngày cho trẻ để có kết quả tốt nhất. Làm như vậy sẽ giúp vết loét mau lành hơn và giúp trẻ cảm thấy bữa ăn nhẹ nhàng hơn.
2.7 Nha đam
Một phương thuốc gia dụng nổi tiếng khác, nha đam, hay lô hội, cũng là một lựa chọn tuyệt vời để chữa lành vết loét miệng ở trẻ em. Lá cây giúp giảm đau và các đặc tính kháng khuẩn và chữa lành của cây góp phần vào sức khỏe của nướu. Cha mẹ có thể thoa gel lên khu vực bị ảnh hưởng hoặc trộn với nước và sử dụng nó như một loại nước súc miệng cho trẻ 3 lần một ngày để có kết quả tuyệt vời. Nếu chọn cách thứ hai, hãy nhớ sử dụng nước lạnh để trộn gel - điều này giúp giảm đau và trẻ em cũng sẽ thích hơn. Tuy nhiên, bài thuốc này chỉ nên dùng thử cho trẻ lớn.
2.8 Cam thảo
Một thìa rễ cam thảo ngâm trong hai cốc nước và cho trẻ súc miệng vài lần một ngày cũng là một cách làm lành vết loét miệng nhanh chóng. Nếu có rễ cam thảo ở dạng bột thì cách lựa chọn tốt nhất là trộn với một chút nghệ hoặc mật ong, sau đó thoa lên vùng niêm mạc bị ảnh hưởng. Cam thảo sẽ hoạt động như một chất khử mùi và nó cũng có đặc tính chống viêm giúp giảm đau và sưng tấy xung quanh vết loét. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục này chỉ nên thử cho trẻ lớn.
2.9 Kem
Thức ăn lạnh đầy hấp dẫn này có thể làm dịu cơn đau do loét miệng của trẻ một cách nhanh chóng mà an toàn. Trẻ mới biết đi có thể ăn kem để giảm đau tức thì. Kem là một loại thuốc mà trẻ sẽ không bao giờ nói không, vừa cung cấp được nước và năng lượng cần thiết cho trẻ.
2.10 Lá cà ri
Vì lá cà ri có khả năng kháng khuẩn và đặc tính của nấm, nhai một thìa những lá cà ri này có thể giúp chữa bệnh loét miệng cho trẻ lớn.
Tóm lại, trong hầu hết các trường hợp, viêm loét niêm mạc miệng ở trẻ em sẽ tự thuyên giảm và biến mất trong vài ngày mà không để lại bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ nên tham khảo và áp dụng các biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm niêm mạc miệng tại nhà trên đây để có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục của trẻ, giảm bớt sự khó chịu khi ăn uống và sẽ còn giảm nguy cơ bị loét miệng tái phát trong tương lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.