Chăm sóc sức khỏe sinh sản ở bệnh nhân nữ điều trị ung thư

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Thị Phương Chi - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Những phương pháp chính để điều trị ung thư hiện nay là hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp nội tiết và liệu pháp nhắm trúng đích,... Vậy quá trình điều trị ung thư có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

1. Khả năng sinh sản của người phụ nữ

Khi một bé gái vừa được sinh ra, hai buồng trứng đã chứa một số lượng lớn trứng và sẽ giảm dần theo độ tuổi. Đến thời điểm mãn kinh, số lượng trứng còn lại rất ít. Trong mỗi tháng kể từ tuổi dậy thì đến khi mãn kinh, buồng trứng sẽ phóng thích ra một trứng. Để có thể mang thai, trứng đó phải được thụ tinh với một tinh trùng. Nếu trứng không được thụ tinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ xảy ra.

Trứng rụng từ buồng trứng sẽ di chuyển dọc theo vòi trứng và được thụ tinh với tinh trùng. Sau khi thụ tinh, tinh trùng và trứng sẽ kết hợp để tạo thành phôi và di chuyển dần ra tử cung để làm tổ tại đó. Cuối cùng, phôi dần phát triển để tạo thành thai nhi.

Ở độ tuổi giữa 40 đến giữa 50, phụ nữ có sự thay đổi nồng độ hormone làm ngưng phóng thích trứng và không còn kinh nguyệt nữa. Đây gọi là giai đoạn mãn kinh.

Một vài phương pháp điều trị ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng và gây ra tình trạng mãn kinh sớm.


Một vài phương pháp điều trị ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng và gây ra tình trạng mãn kinh sớm.
Một vài phương pháp điều trị ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng và gây ra tình trạng mãn kinh sớm.

2. Liệu điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?

Trước khi bắt đầu điều trị ung thư, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi liên quan đến ảnh hưởng của phương pháp điều trị lên khả năng sinh sản, hãy nhờ bác sĩ tư vấn những vấn đề trên. Bác sĩ thường không thể tiên đoán được chuyện gì có thể sẽ xảy ra với bạn nhưng sẽ có thể giải đáp những mối bận tâm của bạn. Bác sĩ có thể giúp bạn bằng cách đưa ra những lựa chọn khác có thể giúp ích cho bạn. Nếu được, bạn nên đưa chồng hoặc bạn trai theo cùng trong những tình huống này.

Những phương pháp chính để điều trị ung thư hiện nay là hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp nội tiết và liệu pháp nhắm trúng đích. Những phương pháp này được sử dụng phối hợp với nhau để điều trị các loại ung thư khác nhau và cũng có thể ảnh hưởng lên khả năng sinh sản do:

  • Ảnh hưởng lên trứng và buồng trứng.
  • Ảnh hưởng lên sự sản xuất hormone.
  • Làm thay đổi hoặc cắt bỏ tử cung.

Trong vài trường hợp, bạn nên gặp bác sĩ chuyên về sản phụ khoa trước khi điều trị ung thư để bàn luận về khả năng có thai trong tương lai (bảo tồn chức năng sinh sản). Tuy nhiên, trong vài trường hợp, việc bảo tồn khả năng sinh sản hầu như không thể. Một trong những tình huống đó là khi bạn cần phải điều trị ung thư ngay lập tức (hóa trị cấp cứu, phẫu thuật cấp cứu,...) hoặc do bản thân bệnh ung thư ảnh hưởng lên khả năng sinh sản.

Sau khi điều trị ung thư, nếu có ý định có con nhưng 6 tháng vẫn chưa có thai được, bạn nên kiểm tra khả năng sinh sản.

3. Điều trị ung thư có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tình dục không?


Hóa trị ung thư có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tình dục và khả năng sinh sản của bạn.
Hóa trị ung thư có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tình dục và khả năng sinh sản của bạn.

Hóa trị ung thư có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tình dục và khả năng sinh sản của bạn. Những tác dụng phụ như cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, lo lắng bất an hoặc buồn nôn và nôn cũng là nguyên nhân gây cản trở khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, hóa trị thường không gây những ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tình dục và những tác dụng phụ thường sẽ dần dần biến mất sau khi bạn hết điều trị ung thư.

Thông thường, bạn không cần phải ngưng quan hệ tình dục trong khi hóa trị. Tuy nhiên, nếu bạn có tình trạng giảm tiểu cầu hoặc giảm bạch cầu, tạm thời bạn không nên quan hệ tình dục cho đến khi kết quả xét nghiệm máu được cải thiện.

Hóa chất có thể gây ra những bất thường trên sự phát triển của thai nhi; do đó, bạn cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị cho đến sau khi hóa trị một vài tháng. Bạn cũng không nên nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian này.

Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục trong những ngày hóa trị cũng như đến sau khi kết thúc hóa trị vài ngày để bảo vệ chồng hoặc bạn trai của bạn vì hóa chất có thể xuất hiện trong dịch âm đạo của bạn.

4. Hóa trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?

Hóa trị có thể ảnh hưởng đến buồng trứng bằng cách làm giảm phóng thích trứng và gây ra những ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn lên khả năng sinh sản. Trong khi hóa trị, chu kỳ kinh nguyệt của bạn cũng có thể trở nên bất thường hoặc ngưng trong một thời gian và kéo dài đến 2 năm trong một vài trường hợp. Thỉnh thoảng, hóa trị cũng có thể gây ra mãn kinh sớm.

Nguy cơ vô sinh thường phụ thuộc vào:

  • Tuổi: Khả năng mang thai ở những phụ nữ sau 35 tuổi sẽ thấp hơn những phụ nữ trẻ do bắt đầu giảm số lượng, chất lượng trứng và dễ mãn kinh hơn. Ở những phụ nữ trẻ, sau khi hóa trị, nếu kinh nguyệt được phục hồi, tình trạng mãn kinh cũng sẽ xảy ra sớm hơn 5 đến 10 năm so với bình thường.
  • Loại thuốc hóa trị: Một vài loại thuốc hóa trị, ví dụ như cyclophosphamide và chlorambucil, sẽ có nguy cơ gây ra vô sinh cao hơn các loại thuốc khác như doxorubicin và cisplatin (nguy cơ trung bình) hoặc vincristine và methotrexate (nguy cơ thấp hoặc không có nguy cơ vô sinh).
  • Liều lượng thuốc: Liều thuốc hóa trị càng cao thì càng ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản.

5. Xạ trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?


Xạ trị vào các vùng khác trừ xạ trị vùng chậu, não bộ hoặc xạ trị toàn bộ cơ thể thường sẽ không gây ra vô sinh
Xạ trị vào các vùng khác trừ xạ trị vùng chậu, não bộ hoặc xạ trị toàn bộ cơ thể thường sẽ không gây ra vô sinh

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng những tia xạ có nguồn năng lượng cao để hủy diệt tế bào ung thư.

  • Xạ trị vào vùng chậu:

Xạ trị trực tiếp vào tử cung hoặc buồng trứng sẽ gây ra vô sinh vĩnh viễn. Xạ trị vào vùng chậu cũng có thể gây nên những tổn hại gián tiếp lên tử cung hoặc buồng trứng và làm tăng nguy cơ vô sinh, sẩy thai hoặc sinh non nếu niêm mạc tử cung bị tổn hại.

Nguy cơ vô sinh cũng phụ thuộc vào liều xạ và tuổi của bạn. Bạn càng lớn tuổi, nguy cơ vô sinh càng cao. Nguy cơ vô sinh sẽ cao hơn nếu bạn vừa được điều trị kết hợp xạ trị và hóa trị.

  • Xạ trị toàn bộ cơ thể:

Xạ trị toàn bộ cơ thể thường được sử dụng trước khi ghép tế bào gốc hoặc ghép tủy. Phương pháp này thường gây ra vô sinh vĩnh viễn.

  • Xạ trị vào não:

Xạ trị vào tuyến yên của não có thể gây ra ảnh hưởng lên khả năng sinh sản do tuyến yên tiết ra hormone gonadotrophin để khiến buồng trứng sản xuất estrogen và progesterone. Nếu tuyến yên bị ảnh hưởng, buồng trứng sẽ không được kích thích tiết ra hormone sinh dục và gây ra vô sinh. Trong trường hợp này, bạn có thể được tiêm gonadotropin để giúp bạn có khả năng mang thai.

Xạ trị vào các vùng khác của cơ thể thường sẽ không gây ra vô sinh.

6. Phẫu thuật có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

Phẫu thuật cắt tử cung, buồng trứng hoặc tuyến yên cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

7. Liệu pháp nội tiết hoặc thuốc nhắm trúng đích có gây ra vô sinh hay không?

Liệu pháp nội tiết (hay còn gọi là liệu pháp hormone) làm giảm lượng hormone trong cơ thể và có thể gây ra những ảnh hưởng lên khả năng sinh sản. Những loại thuốc nội tiết phổ biến là tamoxifen và goserelin (Zoladex®). Zoladex sẽ gây vô kinh nhưng thường sẽ hồi phục sau khi ngưng thuốc 6 tháng. Tamoxifen cũng có thể gây ra những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc vô kinh nhưng thường sẽ có thể phục hồi lại sau vài tháng ngưng thuốc. Tuy nhiên, tamoxifen cũng có thể gây tăng khả năng có thai vì thế nên sử dụng các biện pháp tránh thai thích hợp trong quá trình sử dụng tamoxifen để tránh nguy cơ mang thai bất thường. Tamoxifen thường được sử dụng 5 năm; do đó, nếu bạn có ý định mang thai sớm, bạn cần cân nhắc có nên sử dụng tamoxifen hay không sau khi tham vấn ý kiến của bác sĩ.

Liệu pháp nhắm trúng đích cũng có thể có những ảnh hưởng lên khả năng sinh sản nhưng hiện cơ chế chưa được rõ. Trong đó, hiện người ta mới chỉ biết một loại thuốc là bevacizumab (Avastin®) làm tăng khả năng vô sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe