Chăm sóc đường tiểu ở bệnh nhân tổn thương tủy sống

Bài viết bởi Bác sĩ Lê Thu Hương - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Rối loạn tiểu tiện là một phần ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình. Vì vậy, kiểm soát tiểu tiện và chăm sóc đường tiểu là một phần quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân chấn thương tủy sống.

1. Chấn thương tủy sống do đâu?

Tủy sống nằm trong ống sống là 1 phần của hệ thần kinh trung ương. Bình thường tủy sống được bảo vệ rất tốt trong hệ thống cột sống. Tuy nhiên, tủy có thể bị tổn thương do các nguyên nhân sau: Chấn thương, viêm tủy, tai biến mạch tủy, các bệnh lý bẩm sinh (thoát vị màng não tủy, tủy bám thấp), các bệnh lý nhiễm trùng, u, ung thư, bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm... Tùy vào vị trí tổn thương tủy có các biểu hiện khác nhau, đặc điểm chung là khiếm khuyết vận động dưới mức tổn thương, rối loạn đại tiểu tiện và các thương tật thứ cấp khác (teo cơ, cứng khớp, tắc mạch, loét do tì đè, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu...).

Trong số các vấn đề trên, rối loạn tiểu tiện là một phần ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình. Rối loạn tiểu tiện còn dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận, và có thể làm xuất hiện các cơn rối loạn giao cảm phản xạ (cơn AD) làm tăng huyết áp kịch phát, giảm nhịp tim, đau đầu, có thể dẫn đến tai biến mạch máu não ở những người tổn thương từ D6 trở lên. Vì vậy, kiểm soát tiểu tiện và chăm sóc đường tiểu là một phần quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân chấn thương tủy sống.

2. Các rối loạn tiểu tiện thường gặp


Tiểu đêm, tiểu nhiều lần là 2 trong số nhiều rối loạn tiểu tiện thường gặp
Tiểu đêm, tiểu nhiều lần là 2 trong số nhiều rối loạn tiểu tiện thường gặp

Trong giai đoạn sốc tủy ngay sau chấn thương, bàng quang bị giảm hoạt (mất phản xạ), sau khi thoát shock, tùy vào vị trí tổn thương, mức độ tổn thương, bàng quang sẽ có các biểu hiện rối loạn khác nhau:

1.1. Các triệu chứng liên quan đến lưu trữ nước tiểu (giai đoạn đổ đầy)

  • Tiểu gấp
  • Rỉ tiểu
  • Tiểu đêm
  • Tiểu nhiều lần
  • Rối loạn cảm giác: Giảm cảm giác, mất cảm giác, tăng cảm giác, buồn tiểu gấp, đau bàng quang

1.2. Triệu chứng khi đi tiểu (giai đoạn tống xuất)

  • Tiểu ngập ngừng
  • Dòng tiểu yếu
  • Tiểu ngắt quãng
  • Rặn tiểu
  • Tiểu khó, bí tiểu
  • Tiểu lâu

1.3. Triệu chứng sau khi đi tiểu

  • Cảm giác tiểu không hết bãi
  • Tiểu nhỏ giọt sau khi đi tiểu

Trong các biểu hiện này, bí tiểu và rỉ tiểu, tiểu không hết bãi là các triệu chứng hay gặp nhất

3. Nguyên nhân rối loạn tiểu tiện

Bình thường, nước tiểu được sản xuất từ thận, qua niệu 2 niệu quản để xuống, lưu trữ ở bàng quang. 1 người bình thường có dung tích bàng quang từ 400-600ml. Khi bàng quang đầy sẽ kích thích các tận cùng cảm giác dẫn truyền thông tin cảm giác theo dây S3 về tủy sống và cơ thắt trong cổ bàng quang được mở ra. Đồng thời, từ tủy sống phát tín hiệu lên cầu não, tiếp đến đến vỏ não. Nếu môi trường phù hợp (theo ý muốn chủ quan của cá nhân), cầu não sẽ gửi tín hiệu cho phép cơ thắt ngoài niệu đạo mở và việc đi tiểu sẽ được diễn ra một cách thuận lợi.

Với bệnh nhân chấn thương tủy sống, do mất dẫn truyền tín hiệu thần kinh giữa tủy sống và não, hoặc ở một số trường hợp tổn thương dưới nón tủy (phần đuôi ngựa), tín hiệu giữa bàng quang và tủy sống cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến 8 hình thái rối loạn bàng quang và cơ thắt bàng quang sau:


Hình ảnh rối loạn bàng quang và cơ thắt
Hình ảnh rối loạn bàng quang và cơ thắt

3. Chăm sóc đường tiểu ở bệnh nhân tổn thương tủy sống

3.1. Đặt thông tiểu

Sau khi tổn thương tủy sống, đa số các bệnh nhân không thể tự đi tiểu được một cách hoàn toàn, đa số bị bí tiểu, rỉ tiểu, tiểu không hết bãi. Và các bệnh nhân này thường có chỉ định đặt thông tiểu.

Các loại thông tiểu thường dùng và ưu, nhược điểm:

  • Thông tiểu lưu

Thông tiểu này được chỉ định trong giai đoạn cấp sau chấn thương và cần được rút ra càng sớm càng tốt ngay sau khi bệnh nhân ổn định. Ngoài ra, thông tiểu lưu còn sử dụng trong đợt cấp của nhiễm khuẩn tiết niệu để dẫn lưu nước tiểu liên tục trong thời gian này. Thông tiểu lưu không thể đặt lâu do các nguy cơ gây nhiễm khuẩn tiết niệu, gây đau, chảy máu bàng quang khi di chuyển, sỏi bàng quang, và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày

  • Thông tiểu ngắt quãng sạch (CIC)

Là kiểu đặt thông tiểu theo giờ để lấy nước tiểu bằng 1 ống thông tiểu sạch (thường là thông Nelaton).

Ưu điểm: So với thông tiểu lưu, thông tiểu ngắt quãng cho thấy sự ưu việt vượt trội trong việc độc lập trong sinh hoạt hàng ngày. Thay vì đeo thường xuyên ống thông tiểu và túi chứa nước tiểu như các loại thông tiểu lưu, bệnh nhân sẽ sử dụng thông tiểu ngắt quãng theo giờ nhất định, giống như một người bình thường đi vệ sinh theo giờ. Thông tiểu ngắt quãng giúp lấy được toàn bộ nước tiểu trong bàng quang một cách sinh lý nhất giống như người bình thường, hạn chế rỉ tiểu, chủ động trong sinh hoạt hàng ngày, không làm bàng quang bị co nhỏ như thông tiểu lưu, hạn chế sỏi bàng quang, hạn chế khả năng nhiễm khuẩn tiết niệu. Tùy vào khả năng đi tiểu của người bệnh, thể tích nước tiểu tồn dư, bệnh nhân có chỉ định đặt thông tiểu ngắt quãng với số lần khác nhau

  • Người bình thường: V tiểu tồn dư <50ml
  • Nếu <70ml – Không đặt thông tiểu
  • 70-100ml: cân nhắc đặt thông tiểu 1 lần/ngày
  • 100-200ml: 1 lần/ngày: Ưu tiên đặt vào buổi tối trước khi đi ngủ để có được giấc ngủ đêm tốt hơn.
  • 200-300ml: 2 lần/ngày vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ
  • 300-400ml: 3 lần/ngày
  • >400: 4-6 lần/ngày

Nhược điểm: Giống như các loại thông tiểu khác, thông tiểu ngắt quãng có thể gây nhiễm khuẩn tiết niệu, tổn thương niệu đạo, rất hiếm khả năng thủng bàng quang. Để tránh các nhược điểm này, người bệnh cần tuân thủ quy định đặt thông tiểu, bôi gel (gel tan trong nước – KY)

  • Thông tiểu trên xương mu

Là một lựa chọn cho các bệnh nhân rối loạn tiểu tiện chấn thương cột sống mà không thể đặt được thông tiểu ngắt quãng, ví dụ các bệnh nhân tổn thương niệu đạo, 2 tay vận động khó khăn (các bệnh nhân chấn thương CS cổ). Ưu điểm: thời gian lưu thông được lâu hơn thông tiểu lưu, ít gây chảy máu hơn khi di chuyển, có thể tự thay thông

Nhược điểm: Có nguy cơ gây nhiễm khuẩn tiết niệu, bàng quang co nhỏ, sỏi bàng quang


Sau khi tổn thương tủy sống, đa số các bệnh nhân không thể tự đi tiểu và thường sẽ có chỉ định đặt thông tiểu
Sau khi tổn thương tủy sống, đa số các bệnh nhân không thể tự đi tiểu và thường sẽ có chỉ định đặt thông tiểu

3.2. Phục hồi chức năng

Đối với rối loạn tiểu tiện do nguyên nhân thần kinh, đặt thông tiểu là biện pháp tối ưu nhất để bảo vệ đường tiểu. Bên cạnh đó, tại trung tâm phục hồi chức năng, bệnh nhân có thể tham gia một số biện pháp điều trị, can thiệp để cải thiện vấn đề rối loạn tiểu tiện. Các biện pháp này làm cải thiện chức năng của bàng quang và cơ thắt niệu đạo, cải thiện khả năng tiểu tiện, giảm bớt các rối loạn, ví dụ như rối loạn cảm giác bàng quang, đau bàng quang, bí tiểu, rỉ tiểu, từ đó có thể cải thiện chất lượng cuộc sống:

  • Các bài tập mạnh cơ đáy chậu đối với bệnh nhân rỉ tiểu do cơ thắt niệu đạo yếu, cơ sàn chậu yếu
  • Các bài tập Bio-feedback cải thiện chức năng vận động của cơ thắt và cơ đáy chậu
  • Bài tập kích thích điện thần kinh cải thiện hoạt động của cơ thành bàng quang, cơ thắt niệu đạo và điều hoà hoạt động bàng quang - cơ thắt, cải thiện rối loạn cảm giác, giảm đau bàng quang

3.3. Chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc khác

  • Uống nhiều nước: Nên uống khoảng 2l nước/ngày, không sử dụng nước có gas, nên sử dụng thêm nước cam, chanh
  • Tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu Vitamin C
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc, dừng đặt thông tiểu nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
  • Ghi nhật ký đi tiểu, kiểm tra nước tiểu và hệ tiết niệu thường xuyên theo chỉ định, đo niệu động học định kỳ với các bệnh nhân có chỉ định

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe