Cây vòi voi là một cây cỏ mọc hoang khắp mọi miền tại nước ta. Y học dân gian của nhiều nước trên thế giới đã sử dụng vòi voi để chữa bệnh. Tuy nhiên, đây là một cây có độc tính, có thể dẫn đến những tác hại cho sức khỏe con người nếu không được sử dụng đúng cách. Vậy nhiều người thắc mắc tác dụng của cây vòi voi là gì?
1. Giới thiệu đặc điểm cây vòi voi
Vòi voi còn có nhiều tên gọi khác như dền voi, cẩu vĩ trùng, đại vĩ đao, nam độc hoạt... tên khoa học là Heliotropium indicum L., thuộc họ Vòi voi (Boraginaceae).
Trước khi tìm hiểu cây vòi voi chữa được bệnh gì, chúng ta cần tìm hiểu một số đặc điểm nhận dạng dược liệu này:
- Vòi voi thuộc loại cây cỏ, chiều cao trung bình từ 25 đến 40cm;
- Thân cây cứng, khô, bao gồm nhiều cành nhỏ. Trên thân có nhiều lông cứng khỏe và hơi nhám;
- Lá cây vòi voi hình trứng dài, bề mặt hơi sần sùi, nhăn nheo, 2 mặt lá đều có lông, mép có dạng răng cưa không đều;
- Hoa màu trắng hoặc tím, sắp xếp liền nhau thành 2 hàng dài. Cái tên vòi voi xuất phát từ cách sắp xếp của hoa vì nó không có cuống và mọc thành cụm có hình dạng giống vòi của con voi;
- Quả cây vòi voi bao gồm 4 hạch nhỏ, trên đỉnh dính vào nhau, khi chín thì tách ra.
2. Phân bố và thu hái cây vòi voi
Vòi voi là loài cây cỏ có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới thuộc châu Mỹ. Đến nay cây vòi voi đã xuất hiện tại nhiều nước nhiệt đới, mọc hoang dã phổ biến ở Đông Nam Á như Việt Nam, Philipin, Indonesia...
Ở nước ta, cây vòi voi mọc phổ biến ở đa số các tỉnh thành, ngoài trừ một số khu vực vùng núi cao. Vòi voi có đặc điểm ưa ánh sáng, mọc phổ biến tại những khu vực đất đất ẩm ướt ven đường đi, trên nương rẫy, vườn cây hoặc vùng đất bỏ hoang...
Về chu kỳ phát triển, cây phát triển từ hạt vào khoảng thời gian tháng 4 - 5, sau đó sinh trưởng mạnh vào mùa hè rồi ra hoa, kết quả nhiều và tàn lụi vào giữa mùa thu.
Cây vòi voi có thể thu hái suốt năm, nhưng việc thu hoạch vào mùa hè và mùa thu sẽ thu được dược liệu có chứa nhiều dưỡng chất nhất, từ đó cho ra những sản phẩm chất lượng. Về bộ phần dùng, cây vòi voi có thể sử dụng toàn bộ cây, có thể dùng tươi hoặc phơi/sấy khô.
3. Tác dụng của cây vòi voi
Thực hư việc cây vòi voi trị bệnh là gì? Trước hết chúng ta cần xác định được bên trong cây có chứa những chất hóa học hay chất độc nào hay không. Thành phần hóa học của cây vòi voi bao gồm một số chất hóa học như indicin, acetyl indicine, indicinine... Riêng phần lá và cụm hoa còn chứa spermine, putrescin, homospermidine...
Tuy nhiên, về mặt độc tính, các alkaloid pyrolizidin trong cây vòi vòi được xác định có thể gây độc cho động vật và cả cho con người. Một số chất có thể gây độc cho gan rõ rệt, bên cạnh đó còn có thể ảnh hưởng đến phổi và một số cơ quan khác. Đặc biệt, một số thành phần hóa học khác trong cây vòi voi có khả năng gây ung thư.
Tuy nhiên, khi bôi lên các vết thương hở, cao vòi voi lại mang lại hiệu quả tốt trong giai đoạn tái tạo mô, tăng khả năng làm lành vết thương và chống lại hiện tượng viêm.
Về tính vị theo Y Học Cổ Truyền, cây vòi voi vị đắng nhạt, hơi cay, mùi hăng, tính mát và mang lại một số tác dụng như thông huyết, trừ phong thấp, thanh nhiệt, tiêu viêm. Do những tác dụng này mà nhiều người sử dụng cây vòi voi chữa xương khớp và có hiệu quả rất tốt.
Ngoài ra theo kinh nghiệm dân gian, người dân thường sử dụng cây vòi voi để chữa chứng phong thấp, viêm sưng khớp, đau lưng, mỏi gối, viêm xoang, nổi mụn nhọt, sưng tấy... Liều lượng mỗi ngày là khoảng 15 – 30g thuốc sắc.
4. Kinh nghiệm sử dụng cây vòi voi ở các nước
Ở Indonesia, nước sắc từ lá cây vòi voi được sử dụng để trị bệnh nhiễm nấm Candida.
Tại các nước Đông Dương như Lào và Campuchia, người dân dùng cây vòi voi sắc lấy nước uống hoặc đắp ngoài trị các chứng viêm sưng tấy, bong gân, thâm tím, đụng giập ngoài da, cây vòi voi trị viêm xoang, áp xe hoặc thấp khớp.
Ở Thái Lan, nước sắc từ những bộ phận trên mặt đất của cây vòi voi mang lại tác dụng như một thuốc hạ sốt, kháng viêm, còn phần rễ có thể trị các bệnh lý về mắt.
Tại các nước Tây Phi, kinh nghiệm người dân sẽ dùng loài cây này để để trị chàm, viêm da, chốc lở.
Ở Ấn Độ, cây vòi voi được sử dụng với mục đích làm mềm da, lợi tiểu, chữa các vết thương hay nhọt lở ở lợi răng. Nước sắc từ các chồi non dùng để chữa ho, trị ghẻ, nước sắc từ phần rễ có thể hạ sốt sốt còn phần lá chữa bệnh nổi mày đay.
5. Một số bài thuốc từ cây vòi voi
- Cây vòi voi chữa xương khớp bị trật, bong gân sau khi đã nắn chỉnh: Chuẩn bị khoảng 30g lá và hoa cây vòi voi, 1 củ tỏi và 10g muối ăn. Đem tất cả nguyên liệu giã nát, sau đó đắp vào vị trí khớp bị tổn thương rồi băng bó thật chặt;
- Chữa vết thương phần mềm: Chuẩn bị cây vòi voi 50g, sài đất 200g, tô mộc 20g. Sau đó đem đi sắc lấy nước rồi ngâm rửa vết thương bên ngoài;
- Trị viêm phổi, tràn mủ màng phổi: Đem 60g cây vòi voi tươi đi đun sôi trong nước và uống kèm với mật ong. Hoặc cách khác có thể giã 60g – 120g cây tươi, lấy dịch và uống với mật ong;
- Giảm sưng amidan: Dùng lá cây vòi voi tươi, nghiền ra và lấy phần dịch súc miệng;
- Chữa phong thấp, nhức mỏi, tê bại, đau xương khớp từ cây còi voi: Chuẩn bị cây vòi voi khô với lượng là 300g, rễ nhàu rừng 200g, củ bồ bồ chuẩn bị 150g, cỏ mực 100g. Đem tất cả các dược liệu hiệp chung với nhau, sau đó tán nhuyễn và vò thành từng viên bằng hạt tiêu, mỗi lần uống từ 20 - 30 viên, mỗi ngày uống 2 - 3 lần.
6. Lưu ý khi dùng cây vòi voi để chữa bệnh
- Vòi voi có chứa chất alkaloid có nhân pyrolizidin rất độc đối với gan, có thể hủy hoại tổ chức mô gan và gây triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết lan tỏa và thậm chí có thể gây ung thư. Độc tính của cây khó phát hiện vì không xuất hiện ngay sau khi dùng mà diễn ra một cách âm ỉ, kéo dài;
- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không nên dùng cây vòi voi làm thuốc. Bộ Y tế Việt Nam năm 1985 cũng đã khuyến cáo cần thận trọng khi dùng cây vòi voi chữa bệnh, chỉ nên dùng đắp ngoài da theo kinh nghiệm trong một số trường hợp. Nếu không có hiệu quả thì nên ngừng sử dụng ngay;
- Tốt nhất người bệnh không nên tự ý sử dụng các bài thuốc có cây vòi voi tại nhà khi chưa có chỉ định bác sĩ Y Học Cổ Truyền.
- Do có độc tính trên gan nên hạn chế dùng cây vòi voi để chữa bệnh bằng đường uống;
- Phụ nữ có thai không nên dùng vì có thể gây sảy thai;
- Khi sử dụng đắp ngoài da, người dân sẽ giã nhỏ cành, lá hay hoa cây vòi voi tươi, sau đó chưng với giấm và đắp ở những vùng da bị mụn nhọt, viêm hạch, bong gân, tụ máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.