Cây thuốc chữa rối loạn tiêu hóa

Bài viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Cây thuốc đã được sử dụng bởi tất cả các nền văn hóa trong suốt lịch sử và vẫn tiếp tục là 1 phần không thể thiếu của nền văn minh hiện đại. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, các nhóm dân tộc trên khắp thế giới đã sử dụng nhiều loại thực vật để điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa khác nhau.

1. Cây thuốc chữa rối loạn tiêu hóa

Các loại cây thuốc khác nhau như: Cúc La mã, hoa hồi, bạc hà, cam thảo...thường có sẵn dưới dạng trà hoặc viên nang đã được sử dụng từ lâu để điều trị chứng khó tiêu.

Một nghiên cứu đã so sánh hiệu quả của việc bổ sung gừng và atiso so ​​với giả dược để điều trị chứng khó tiêu. Thiết kế bao gồm định dạng nhóm song song, mù đôi, ngẫu nhiên, đối chứng với giả dược, đa trung tâm tiền cứu trong 4 tuần để so sánh sự kết hợp thảo dược với giả dược. Một liều 2 viên mỗi ngày được đưa ra trước bữa ăn (trưa và tối) cho 126 người bị chứng khó tiêu. Nghiên cứu cho thấy sau 2 tuần, chỉ có nhóm điều trị bằng thảo dược giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu ở dạ dày bao gồm buồn nôn, đầy bụng, đau vùng thượng vị và chướng bụng. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, sự kết hợp thảo dược của gừng và chiết xuất từ ​​lá atiso có vẻ an toàn và hiệu quả để điều trị chứng khó tiêu.

Bởi vì cây thuốc thường chứa hàng trăm thành phần hoạt tính nên chúng có thể được áp dụng cho các bệnh khác nhau. Ví dụ như quế (Cinnamomum verum) có thể sử dụng để vừa chống đầy hơi, vừa hạ đường huyết.

2. Cây thuốc trị buồn nôn và ói mửa

Một số loại cây thuốc có thể giúp giảm buồn nôn và nôn do các tình trạng khác nhau như: Say tàu xe, ốm nghén.... Một trong những loại cây được sử dụng nhiều nhất trong Y Học Cổ Truyền để chống buồn nôn và nôn mửa là gừng (Zingiber officinalis- Zingiberaceae).

Tác dụng chống nôn của gừng vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, có vẻ như các thành phần hoạt tính sinh học chính của loại cây này đã tác động trực tiếp lên ruột thông qua hệ thần kinh ngoại vi chứ không thông qua hệ thần kinh trung ương (CNS). Các chất phytochemical có trong gừng có thể vừa mang lại tác dụng chống viêm, vừa ức chế kết tập tiểu cầu.

Gừng có thể được dùng dưới dạng trà hoặc trong viên nang. Ở châu Âu, loại cây này được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng buồn nôn và nôn trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Chất chiết xuất từ ​​gừng có chứa gingerols và shogaols, phát huy hoạt tính trên các thụ thể cholinergic và serotonergic. Một đánh giá có hệ thống đã nhấn mạnh hiệu quả của gừng trong việc ngăn ngừa và điều trị chứng buồn nôn/ nôn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bài đánh giá tập trung vào buồn nôn và nôn do thai nghén hoặc hóa trị. Các tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng chất chiết xuất từ ​​gừng có vai trò quan trọng trong việc điều trị chứng buồn nôn và nôn do nhiều nguyên nhân khác nhau, với ít tác dụng phụ nhất. Vì lý do này, các tác giả kết luận, các chế phẩm từ gừng có thể là một giải pháp thay thế tiềm năng cho các nhiều loại sản phẩm hỗ trợ động năng truyền thống như domperidone, levosulpiride, metoclopramide hoặc các sản phẩm chống nôn thông thường như phenotiazines và thuốc đối kháng 5HT3.


Gừng là cây thuốc có thể trị buồn nôn và ói mửa
Gừng là cây thuốc có thể trị buồn nôn và ói mửa

3. Cây thuốc trị bệnh tiêu chảy

Theo truyền thống, thực vật giàu tannin luôn được sử dụng để điều trị tiêu chảy do đặc tính làm se của chúng. Đặc biệt, nhiều cây thuốc cũng có thể chứa các chất phytochemical bổ sung, có thể hữu ích trong việc giảm các triệu chứng.

Lá ổi được sử dụng trên khắp các vùng nhiệt đới Hoa Kỳ để điều trị tiêu chảy ở trẻ em và người lớn. Loại cây này có chứa tannin, quercetin và là một nguồn cung cấp Vitamin C dồi dào. 1 đánh giá về các thí nghiệm dược lý với ổi đã cho thấy rằng, hoạt tính sinh học đa dạng của ổi bao gồm các hợp chất phenolic, flavonoid, carotenoid, terpenoid và triterpene. Đặc biệt, các chất chiết xuất từ ​​lá và quả ổi cũng có đặc tính chống co thắt và kháng khuẩn, rất hữu ích để điều trị tiêu chảy (bao gồm cả viêm ruột do rotavirus ở trẻ sơ sinh) và bệnh kiết lỵ.

4. Cây thuốc trị đầy hơi

Trong y học thảo dược, thuật ngữ carminative dùng để chỉ một loại thực vật có các thành phần hoạt tính giúp giảm đầy hơi và đau bụng. Đặc tính này thường là do các loại dầu dễ bay hơi, cũng như các chất phytochemical khác do cây tạo ra.

Một trong số các sản phẩm thảo dược thường được sử dụng để điều trị chứng đầy hơi chính là cây hồi. Tuy nhiên, việc sử dụng hồi trị đầy hơi ở trẻ em dưới 6 tuổi chỉ nên được thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia, do nó có khả năng xảy ra tác dụng phụ gây độc hại hệ thần kinh.

Tóm lại, nhiều dân tộc trên thế giới đã sử dụng thực vật để điều trị bệnh. Theo quan điểm của người bản địa về đặc tính chữa bệnh của các loại thảo dược, một số loại cây nhất định được sử dụng để điều trị các bệnh khác nhau, do mùi vị hoặc mùi thơm đặc trưng của loại cây đó. Ví dụ như các loại thảo mộc chữa bệnh có đặc tính làm se được sử dụng đặc biệt để điều trị tiêu chảy và kiết lỵ, trong khi các loại thảo mộc có vị đắng và thơm được sử dụng để điều trị đau và co thắt đường tiêu hóa.

Ngày nay, Y Học Hiện Đại đã vô cùng phát triển, mọi người nên trực tiếp đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, từ đó xác định nguyên nhân và có phác đồ điều trị bệnh cụ thể. Thăm khám sức khỏe định kỳ cũng là việc làm hết sức thiết thực để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

  • Armando Enrique González-Stuart và cộng sự. Medicinal Plants for Digestive Disorders What Gastroenterologist Needs to Know. Gastrointestinal motility and functional bowel disorders, series #11. September 2015 • Volume XXXIX, Issue 9
  • Bone K, Mills S. Phytotherapy 2nd ed. London: Elsevier; 2012.
  • Wynn S, Bougere, B. Veterinary Herbal Medicine: New York; Elsevier; 2007.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe