Cây sinh địa là vị thuốc có tính mát, được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc bổ thận, bổ huyết. Dược thảo này có tác dụng chữa sốt cao, ho lâu ngày, chảy máu, táo bón và giúp an thai,...
1.Cây thuốc sinh địa là gì?
Cây sinh địa còn được gọi là địa hoàng, sinh địa hoàng. Cây có tên khoa học là Rehmannia glutinosa, thuộc họ hoa mõm chó (Scrophulariaceae). Sinh địa là cây thân thảo, cây trưởng thành cao từ 40 - 50cm, các đốt trên thân rất ngắn, mỗi đốt có 1 lá. Cây không có cành, các đốt thân dài ra nhanh ở thời kỳ cây ra hoa. Trên thân sinh địa có lông tơ mềm màu tro trắng. Bộ rễ sinh địa gồm 4 loại là rễ tơ, rễ hom, rễ bất định và rễ củ (bộ phận thu hoạch - phình ra thành củ sinh địa). Củ sinh địa có chiều dài khoảng 15 - 20cm, đường kính từ 0,5 - 3,4cm, ruột màu vàng nhạt, vỏ màu hồng nhạt.
Lá cây sinh địa mọc quanh các gốc theo các đốt, đầu lá hơi tròn, rộng 2 - 6cm, dài 3 - 15cm. Mép lá có răng cưa, lá có nhiều gân, phiến lá mềm, trên mặt lá có 1 lớp lông mềm màu tro trắng. Hoa sinh địa mọc theo chùm, đài và cánh hoa hình chuông, hoa 5 cánh, dài 3 - 4cm, mặt ngoài màu tím sẫm còn mặt trong hơi vàng. Mùa hoa nở rộ vào tháng 3 - tháng 4 hằng năm. Ở nước ta, ít thấy sinh địa kết quả. Ở Trung Quốc, mùa quả vào khoảng tháng 5 - tháng 6 hằng năm, mỗi quả có 200 - 300 hạt, hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng.
Cây sinh địa có nguồn gốc từ các tỉnh ôn đới ẩm của Trung Quốc. Ở Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam cũng trồng sinh địa với quy mô nhỏ. Ở nước ta, dược liệu này được trồng nhiều tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,... Các tỉnh núi cao, hơi lạnh nhiều trồng vào tháng 3 - tháng 4, thu hoạch vào tháng 8 - tháng 9 hằng năm. Các tỉnh trung du, đồng bằng trồng 2 vụ vào tháng 1 - tháng 2 rồi thu hoạch vào tháng 7 - tháng 8; trồng vào tháng 7 - tháng 8 và thu hoạch vào tháng 2 - tháng 3 sang năm.
2. Thu hái và bào chế cây sinh địa
Bộ phận dùng làm thuốc của cây sinh địa là phần rễ củ. Chọn lấy những củ to, mập, vỏ màu vàng mỏng, mềm, cắt ngàn có màu đen nhánh, nhiều nhựa. Khi thu hoạch, người ta sẽ bỏ củ sinh địa vào nước để kiểm tra. Củ chìm dưới mặt nước là địa hoàng, nửa nổi nửa chìm là nhân hoàng, nổi trên mặt nước là thiên hoàng. Địa hoàng là loại củ dùng làm thuốc.
Bào chế cây sinh địa theo Trung y: Lấy 10kg sinh địa tươi, chọn riêng 6kg củ to mập, rửa sạch và phơi nắng cho tới khi lớp vỏ se lại. Còn 4kg củ bé vụn thì rửa sạch, cho vào cối giã nát rồi đổ vào 300ml rượu trắng. Sau đó, tiếp tục giã, vắt lấy nước rồi tẩm vào 6kg củ to mập ở trên, đem phơi hoặc sấy khô. Khi dùng sinh địa thì đem ủ 1 ngày rồi dùng dao đồng thái lát mỏng, phơi khô là được.
Bào chế cây sinh địa theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam: Gồm 3 giai đoạn:
- Sấy lần 1: Lấy rễ củ đào về, không rửa, chia thành các loại to, nhỏ riêng rẽ, trải từng loại cho vào lò sấy trong khoảng 6 - 7 ngày cho tới khi các củ mềm;
- Ủ: Khi các củ đã mềm thì phơi nơi khô ráo, thoáng gió trong khoảng 5 - 6 ngày rồi xếp vào bao bố, ủ 2 - 3 ngày;
- Sấy lần 2: Sấy lại lần nữa tới khi vỏ ngoài củ sinh địa khô khoảng 80% là được.
Nên bảo quản sinh địa ở nơi kín đáo, khô ráo và thoáng mát, tránh ẩm mốc.
3. Cây sinh địa chữa bệnh gì?
3.1 Tác dụng của cây sinh địa theo Y Học Hiện Đại
Trong sinh địa, người ta chiết xuất được một số hoạt chất như manit C6H8(OH)6, glucozit, glucoza và carotene. Theo nghiên cứu, sinh địa có một số tác dụng như:
- Dùng sinh địa với liều lượng nhỏ giúp co mạch máu, liều lượng lớn làm giãn mạch máu, có tác dụng lên tĩnh mạch và gây mê động vật thí nghiệm;
- Khi dùng nước sắc sinh địa tiêm cho thỏ thì đường huyết giảm xuống;
- Tác dụng cầm máu, ức chế vi khuẩn;
- Tác dụng cường tim, hạ áp, lợi tiểu, bảo vệ gan, chống nấm, chống phóng xạ;
- Tác dụng ức chế miễn dịch kiểu corticoid nhưng không gây ức chế hoặc teo tuyến thượng thận.
3.2 Công dụng của cây thuốc sinh địa theo Y Học Cổ Truyền
Sinh địa có vị ngọt đắng, tính hàn với những công dụng như:
- Bổ thận, bổ máu, chữa hư lao, làm mát máu, thông huyết mạch;
- Trị ho lâu ngày và rối loạn thực vật do lao;
- Trị sốt cao kéo dài và mất nước;
- Thải độc cơ thể, trị mụn nhọt, viêm họng;
- Trị chảy máu do sốt nhiễm trùng (ho ra máu, chảy máu cam, lỵ ra máu);
- Trị táo bón do tạng nhiệt hoặc do sốt cao mất nước;
- An thai nếu sốt nhiễm trùng gây động thai.
Cách sử dụng sinh địa chủ yếu là sắc lấy nước uống, tán bột, làm viên uống hoặc đắp ngoài da. Liều dùng sinh địa là khoảng 8 - 16g/ngày tùy từng bài thuốc theo chỉ định của bác sĩ đông y.
4. Các bài thuốc từ cây sinh địa
Vị thuốc sinh địa được sử dụng trong một số bài thuốc sau:
- Trị sốt cao, lưỡi đỏ, khát nước: 16g sinh địa, 12g huyền sâm, 12g mạch môn, 2 quả trám đập vụn, đem sắc uống;
- Bổ máu, ích thận, bổ tiêu hóa: 10kg sinh địa, giã vắt lấy nước cốt rồi nấu cho sôi kỹ. Sau đó, dùng 4 bát rượu nghiền 4g hạt tử tô chín, giã lấy nước cốt, cho vào đun sôi. Tới khi sôi 20 - 30 lần thì cho 1,5kg cao ban long vào. Đợi cao chảy hết nước thì cho nước gừng (500g gừng sống đem giã vắt lấy nước cốt) và 2 bát mật ong vào. Sau đó, chắt nước ra, đựng vào bình, uống lúc lỏng;
- Bổ máu, bổ thận: Dùng bài thuốc cháo sinh địa gồm 2 bát sinh địa cát lát mỏng, nửa bát gạo tẻ, nấu trong nồi đất thật nhừ. Sau đó, thêm vào 2 bát sữa, 1 bát mật ong, nấu thật kỹ rồi ăn;
- Điều trị đau đầu, chóng mặt, khô họng, lở miệng, ù tai, mộng tinh, di tinh, kinh nguyệt không đều, đau lưng mỏi gối, trẻ em gầy yếu: 320g sinh địa, 160g hoài sơn, 160g sơn thù du, 120g trạch tả, 120g mẫu đơn bì, 120g bạch phục linh. Đem giã sinh địa cho mềm, các vị thuốc còn lại sấy khô và tán bột. Sau đó, trộn các dược liệu với nhau, thêm mật ong, vo thành viên kích cỡ như hạt ngô. Ngày uống khoảng 20 - 30 viên (tương đương 8 - 12g), uống 2 lần/ngày trước bữa chính khoảng 15 phút;
- Trị viêm họng, khô khát miệng, sốt nóng: 12g sinh địa, 10g huyền sâm, 10g mạch môn, 8g cam thảo. Đem thái nhỏ các vị thuốc trên, phơi khô rồi cho vào ấm sắc với 200ml nước trên lửa nhỏ tới khi còn 50ml thì ngừng. Nên uống trong ngày khi thuốc còn ấm, uống liên tục khoảng 3 - 5 ngày;
- Bổ huyết, điều kinh: 16g sinh địa, 10g đương quy, 10g bạch thược, 5g xuyên khung. Cho các vị thuốc vào ấm, sắc lấy nước uống 1 thang/ngày;
- Trị ho khan, bệnh lao: 2400g sinh địa, 1200g mật ong trắng, 480g bạch phục linh, 240g nhân sâm. Bạn đem sinh địa giã nát, vắt lấy nước, thêm mật ong vào nấu sôi lên. Sau đó, thêm bạch phục linh, nhân sâm tán nhỏ vào, cho vào bình đậy kín, bắc lên nồi đun cách thủy 3 ngày 3 đêm rồi lấy ra để nguội. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần uống 1 - 2 thìa;
- Trị gầy yếu, hỗ trợ điều trị tiểu đường: 800g sinh địa, 600g hoàng liên. Trước tiên, bạn giã sinh địa, vắt lấy nước, tẩm với hoàng liên rồi mang hoàng liên đi phơi khô. Sau đó, lặp lại quá trình tẩm và phơi tới khi hết nước sinh địa. Cuối cùng, tán nhỏ hoàng liên, thêm mật vào, vo thành viên có kích cỡ bằng hạt ngô. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần uống 20 viên;
- Bồi bổ cho phụ nữ sau sinh: 16g sinh địa, 20g hà thủ ô đỏ, 16g ích mẫu,12g sâm nam. Đem các vị thuốc trên cho vào ấm, sắc với 1 lít nước tới khi còn 500ml nước thuốc thì dừng. Uống thuốc ngay khi còn ấm, liều dùng 1 thang/ngày;
- Trị sốt cao kèm co giật: 20g sinh địa, 10g lá hẹ. Các vị thuốc trên đem rửa sạch, giã nát, thêm vào một chút nước, gạn bỏ bã, uống 1 lần/ngày;
- Bồi bổ toàn thân: 20g sinh địa, 20 thiên môn, 10g đảng sâm. Đem thái nhỏ sinh địa với đảng sâm, ngâm với 100ml rượu trắng 35° trong 10 - 15 ngày. Đem thái mỏng thiên môn, phơi khô, sắc với nước tới khi cô thành cao lỏng. Sau đó, cho thêm 150g đường kính, tiếp tục cô tới khi còn 400ml cao. Để nguội, hòa chung với rượu ngâm sinh địa và đảng sâm. Mỗi lần dùng uống 20ml trước bữa ăn 30 phút, dùng 2 lần/ngày;
- Trị tiểu đường: 40g sinh địa, 40g sơn dược, 20g hoàng kỳ, 20g sơn thù, 12g tụy heo. Đem các vị thuốc trên cho vào ấm, sắc lấy nước uống 1 thang/ngày;
- Trị suy nhược cơ thể, táo bón, kém ăn, sốt nhẹ: 12g sinh địa, 12g sa sâm, 12g mạch môn, 12g ngọc trúc, sắc tới khi chắt lấy nước thuốc thì pha thêm 12g đường phèn, uống sau bữa ăn, dùng 1 thang/ngày;
- Trị tiểu đường tuýp 2: 30g sinh địa, 9g sinh hoàng kỳ, 9g thạch hộc, 9g mạch môn, 15g huyền sâm, 6g sinh cam thảo, sắc uống 1 thang/ngày trước bữa ăn;
- Chữa ho gà, ho khan, sốt âm ỉ, đau nhức chân tay: 30g sinh địa, 30g thục địa, sắc với nước, bỏ bã. Sau đó, thêm 60ml mật ong vào nước thuốc, khuấy đều và sắc tới khi đặc lại thành siro. Uống 2 lần/ngày, 1 - 2 thìa/lần;
- Trị sốt rét: 12g sinh địa, 12g miết giáp, 16g thạch cao, 8g tri mẫu, 8g đan bì, đem sắc uống 1 thang/ngày;
- Trị rò hậu môn, trực tràng do lao: 12g sinh địa, 12g thục địa, 16g thanh cao, 16g miết giáp, 12g mạch môn, 12g tri mẫu, 12g địa cốt bì, 12g hoàng bá, 12g hoàng cầm. Đem thuốc sắc uống 1 thang/ngày, dùng trước bữa ăn;
- Trị khát nước, kinh nguyệt không đều, đau đầu: 40g sinh địa, 12g địa cốt bì, 12g mạch môn, 16g bạch thược, 16g a giao, 20g huyền sâm, sắc uống 1 thang/ngày, chia 3 lần uống trước bữa ăn;
- Trị rong kinh, rong huyết: 12g sinh địa, 20g bồ hoàng, 12g địa du (sao đen), 12g a giao (sao đen), 12g huyết dư, 12g tông lư, 12g kinh giới tuệ, 12g mẫu đơn bì (thán sao), 12g bạch thược. Các vị thuốc đem tán mịn, uống 2 lần/ngày vào trước bữa ăn, mỗi lần 10 - 12g;
- Trị động thai ra máu: 12g sinh địa, 12g thục địa, 12g hoài sơn, 12g tục đoạn, 8g bạch thược, 8g hoàng cầm, 8g hoàng bá, 6g cam thảo. Đem thuốc sắc uống 1 thang/ngày, uống trước bữa ăn;
- Trị đau lưng, mỏi gối, ra mồ hôi trộm: Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:
- 20g sinh địa, 16g sơn dược, 12g sơn thù, 12g câu kỷ tử, 12g thỏ ty tử, 12g cao ban long, 12g ngưu tất. Đem các dược liệu trên tán thành bột mịn, thêm mật vào, vo thành viên. Mỗi lần dùng 12g, dùng 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ;
- 20g sinh địa, 20g quy bản, 12g hoàng bá, 12g tri mẫu. Đem các dược liệu trên tán thành bột mịn rồi trộn với tủy xương sống lợn, vo thành viên. Mỗi lần dùng 12g, tần suất 2 lần/ngày, uống với nước muối nhạt hoặc nước gừng khi bụng đói.
Lưu ý:
- Những người ăn uống kém hoặc khó tiêu, bụng đầy trướng, viêm đại tràng, đi ngoài lỏng,... cần thận trọng khi dùng dược liệu sinh địa vì tính hàn của vị thuốc có thể gây sôi bụng, tiêu chảy hoặc trướng bụng, đầy hơi, nôn mửa, đau bụng,...;
- Sinh địa có tính hàn, không thích hợp với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú;
- Không dùng sinh địa với lai phục tử để tránh gặp phải các tác dụng phụ;
- Ngừng thuốc ngay lập tức nếu có triệu chứng dị ứng hoặc quá mẫn.
Cây sinh địa là một vị thuốc quý được sử dụng trong nhiều bài thuốc đông y. Tuy vậy, người bệnh vẫn cần tham khảo ý kiến từ thầy thuốc đông y trước khi sử dụng các bài thuốc có thành phần là sinh địa để đảm bảo dùng thuốc đúng liều lượng, thời gian được khuyến nghị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.