Tinh dầu cây mộc hương được sử dụng làm chất định hình, tạo mùi thơm trong mỹ phẩm, hoặc trong thực phẩm và đồ uống như chất tạo hương vị. Ngoài những công dụng trên, cây mộc hương còn thường được sử dụng làm thuốc điều trị trong các bệnh lý về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng,...
1. Tổng quan về cây mộc hương
Cây mộc hương là một loài thực vật có hoa trong họ Cúc (họ Asteraceae) được dùng làm vị thuốc trong đông y.
Có nhiều loại mộc hương trên thị trường như:
- Vân Mộc Hương hay Quảng Mộc Hương: tên khoa học là Saussurea lappa Clarke: Cây sống lâu năm, rễ to mẫm, đường kính có thể đạt tới 5cm, vỏ ngoài màu nâu nhạt. Phái gốc lá có hình 3 cạnh tròn, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng, 2 mặt lá đều có lông, mặt dưới nhiều hơn. Lá phía thân cũng hình 3 cạnh, càng lên cao lá càng nhỏ, mép có răng cưa. Cụm hoa hình đầu, màu lam tím. Quả bế, hơi dẹt và cong queo, màu nâu nhạt, có đốm màu tím, mùa hoa vào tháng 7 đến tháng 9, mùa quả từ tháng 8 tháng 10.
- Thổ Mộc Hương hoặc Hoàng Hoa Thái có tên khoa học là Inula helenium L: cây lâu năm, lá mọc so le, lá ở phía gốc to, lên trên nhỏ hơn. Mép lá hình răng cưa không đều. Cụm hoa hình đầu, màu vàng. Quả bế.
- Xuyên Mộc Hương còn gọi Thiết Bản Mộc Hương, có tên khoa học Jurinea aff souliei Franch: mép lá chia thùy, mặt trên có lông thưa, mặt dưới có lông nhung trắng. Cụm hoa hình đầu. Quả dẹt.
Cây mộc hương phân bố ở Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Quảng Đông, Vân Nam và một số nơi khác.
Bộ phận cây mộc hương làm thuốc trong y học cổ truyền là rễ cây, vị thuốc cũng gọi là mộc hương. Rễ cây mộc hương được thu hoạch vào mùa đông, đào lên rửa sạch đất, bỏ phần rễ tơ, cắt thành những khúc ngắn, phơi khô, bỏ vỏ ngoài là được. Rễ cây mộc hương làm thuốc khi bảo quản dễ mốc mọt. Cần giữ thuốc ở nơi khô ráo, kín, kỵ nóng. Không nên phơi nhiều để tránh làm mất mùi thơm.
2. Tác dụng cây mộc hương là gì?
2.1 Tác dụng cây mộc hương trong chống viêm giảm đau
Rễ cây mộc hương chứa nhiều hoạt chất có tác dụng giảm sưng và tấy đỏ bên trong. Một số thành phần được tìm thấy trong rễ mộc hương có thể giúp giảm bớt phần nào các triệu chứng viêm khớp.
Ngoài ra, kết hợp rễ mộc hương với các các loại thuốc khác nhau giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của cơn đau do kỳ kinh nguyệt.
2.2 Tác dụng cây mộc hương - hỗ trợ tiêu hóa
Tinh dầu cây mộc hương có công dụng làm sạch đường tiêu hóa, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn.
Hoạt chất costunolide trong dịch chiết của cây mộc hương có tác dụng chống loét mạnh. Theo một nghiên cứu sử dụng cây mộc hương cho người bệnh bị viêm dạ dày mạn tính bằng đường uống cho thấy rằng nước sắc cây mộc hương có tác dụng rút ngắn thời gian làm trống dạ dày, thay đổi sản lượng axit dạ dày, gastrin huyết thanh và nồng độ somatostatin trong huyết tương - các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tiến triển bệnh lý viêm dạ dày.
2.3 Tác dụng cây mộc hương - hỗ trợ miễn dịch
Cây mộc hương giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch bằng cách loại bỏ virus, vi khuẩn và các tác nhân nhiễm trùng khác. Nó cũng hữu ích đối với các bệnh lý như hen suyễn, ho mãn tính, viêm phế quản.
2.4 Cây mộc hương làm thuốc điều trị giun
Nhiễm trùng đường ruột do ký sinh trùng. Nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng rễ mộc hương có thể hoạt động tốt như một loại thuốc gọi là Pyrantel pamoate để giảm số lượng trứng giun trong phân của trẻ em. Giảm trứng là thước đo hiệu quả của việc điều trị.
2.5 Cây mộc hương và tác động với hệ tim mạch
Một nghiên cứu mộc hương trên thỏ cho thấy chiết xuất từ cây mộc hương giúp cải thiện lưu lượng máu ở mạch vành và giảm nhịp tim. Tác dụng này tương tự như ở những con thỏ được điều trị bằng Digoxin và Diltiazem.
2.6 Tác dụng cây mộc hương với gan
Trong nhiều nghiên cứu cho thấy cây mộc hương có lợi cho việc điều trị bệnh gan. Chẳng hạn như:
- Thổ mộc hương với hoạt chất helenin có tác dụng kích thích tiết dịch mật trực tiếp và rất mạnh, được dùng trong những trường hợp kém gan, sung huyết gan, vàng da.
- Nghiên cứu trên chuột bị viêm gan do hóa chất cho thấy có ít bị tổn thương gan hơn ở những con chuột được điều trị bằng chiết xuất cây mộc hương.
- Các thí nghiệm dược lý in vitro và in vivo khác nhau đã chứng minh rằng mộc hương có công dụng chống viêm loét, ngăn ngừa ung thư và bảo vệ gan.
3. Cây mộc hương làm thuốc trong y học cổ truyền
Mộc hương có tính ấm, vị cay, đắng; có tác dụng hành khí chỉ thống, bình can giảm áp, kiện tỳ tiêu tích; nói chung tác dụng của cây mộc hương là làm tan ứ trệ, điều hòa tỳ vị, trừ phong tà, tả khí hỏa, phát hãn, giải biểu, hành khí giảm đau, kiện tỳ chỉ tả. Ngoài ra, mộc hương nướng còn có tác dụng hòa hoãn hành khí, giúp sức cho đại tràng, cầm tả lỵ.
Mộc hương thường dùng điều trị mọi chứng đau, trúng khí độc ngất xỉu, tiểu tiện bế tắc không thông, đầy bụng, đau bụng, khó tiêu, nôn mửa, tiết tả đi lỵ.
Một số bài thuốc với mộc hương đã được ứng dụng:
- Lỵ mạn tính dùng mộc hương, hoàng liều lượng bằng nhau, tán bột làm viên, uống mỗi lần 0,2 đến 0,5g, ngày 2 đến 3 lần.
- Tiêu chảy ở trẻ em do thức ăn tích trệ: Mộc hương, mạch nha, bạch truật, hoàng liên, chỉ thực, trần bì, sơn tra, thần khúc, mỗi vị thuốc 12g; sa nhân, liên kiều, la bạc tử mỗi vị 8g. Tán bột làm viên. Ngày uống 4 đến 8g.
- Viêm đại tràng mạn tính thể co thắt, rối loạn tiêu hóa lâu ngày: Mộc hương 6g, hoài sơn, ý dĩ, bạch truật, đẳng sâm mỗi vị 12g, phụ tử chế 8g, can khương, thương truật, chỉ thực, mỗi vị 6g, nhục quế, xuyên tiêu, mỗi vị 4g. Cho vào ấm sắc uống ngày 1 thang, uống 5 thang khám lại.
- Viêm loét dạ dày - tá tràng: Mộc hương 6g, bạch thược, phục linh, kỷ tử, đương quy, đại táo mỗi vị 12g; xuyên khung 10g; táo nhân, a giao mỗi vị 8g; trần bì, ngũ vị tử mỗi vị 6g, gừng 2g. Bỏ vào ấm sắc uống ngày 1 tháng, uống từ 5 đến 10 thang.
Sử dụng mộc hương với liều lượng thích hợp và dựa theo tình trạng của từng người. Khi cần điều trị với các bài thuốc uống chứa mộc hương, tốt nhất bạn nên được thăm khám, chẩn đoán và kê đơn bởi người có chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.