Cây hương bài có tác dụng gì?

Cây hương bài có phải là cây được dùng để làm hương, nhang? Ngoài làm hương, cây hương bài có tác dụng gì, có được dùng làm dược liệu không?

1. Tổng quan về cây hương bài

Cây hương bài hay còn được gọi là hương lâu hoặc huệ rừng, dẻ quạt hoặc rẻ quạt hoặc xưởng quạt, lưỡi đòng, cát cánh lan, san gian lan. Trong đó, nguồn gốc của tên gọi hương bài là do đây là loại cây được dùng làm nhang, hương để thắp và dáng cây nhìn giống cỗ bài.

Tên khoa học của cây hương bài là Dianella ensifolia, thuộc họ lúa. Đây là một loài cỏ cao khoảng 0,5 - 1m, với những đặc điểm thực vật như sau:

  • Rễ: Rễ nằm ngang.
  • Lá: Mọc so le, từ bên thân tỏa ra như chiếc quạt. Lá có hình mác và dài khoảng 40 - 70cm, rộng khoảng 1,5 - 5cm, không có cuống và ôm lấy thân.
  • Hoa: Từng cụm hoa mọc thành thùy xim ngắn, dài khoảng 10 - 20cm. Hoa cây hương bài có màu tím hoặc vàng nhạt. Khi còn là nụ hoa, nhìn giống quả trứng.
  • Quả: Quả mọng, có màu xanh đen hoặc đỏ tía, trong có từ 1 - 3 hạt hình quả trứng.

Ở nước ta, cây hương bài thường mọc hoang ở các tỉnh phía Bắc như Thái Bình hoặc được trồng thành khóm ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Cây như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Cây sống trong đất vườn hoặc đất mùn, ở cả ngoài nắng hoặc trong bóng râm. Cây nở hoa vào mùa hè, khoảng tháng 6 hoặc tháng 7, đến cuối mùa thu có thể đào lên để lấy thân, rễ rồi mang rửa sạch, phơi khô làm hương.

Lưu ý, cần phân biệt giữa cây hương bài và cây xạ can vì cây xạ can cũng được gọi là rẻ quạt và hai cây nhìn rất giống nhau. Tuy nhiên, xạ can là loại dược liệu có tác dụng tiêu đờm, trị ho.


Cây hương bài hay còn được gọi là hương lâu hoặc huệ rừng
Cây hương bài hay còn được gọi là hương lâu hoặc huệ rừng

2. Cây hương bài có tác dụng gì?

Ở nước ta, cây hương bài được biết đến với những tác dụng sau:

  • Làm hương, nhang thắp: Rễ của cây hương bài có mùi thơm đặc trưng, được lấy làm nguyên liệu để làm hương, nhang thắp.
  • Nước tắm gội làm mượt tóc và trị ghẻ lở, ngứa: Rễ cây hương bài sau khi được rửa sạch có thể cho vào nước nấu để lấy nước gội đầu, sẽ giúp tóc mượt và thơm, dùng để tắm sẽ chữa được ghẻ lở, ngứa. Ngoài ra, có thể giã nát lá cây hương bài để đắp lên chỗ bị mụn nhọt.
  • Thuốc diệt chuột, đuổi sâu bọ: Rễ cây hương bài có độc tính mạnh, sau khi rửa sạch vắt lấy nước rồi tẩm với gạo và phơi khô, lặp lại 3 lần tẩm với gạo và phơi khô, cuối cùng mang đi rang đến khi có mùi thì cho chuột ăn để diệt chuột, súc vật nếu ăn phải cũng có thể chết. Ngoài ra, mùi của cây hương bài cũng có thể đuổi được sâu bọ gián trong tủ quần áo hoặc tủ sách.

Ở những nước khác, cây hương bài được sử dụng như sau:

  • Chiết xuất lấy tinh dầu: Rễ cây hương bài được chưng cất để lấy tinh dầu và dùng làm hương liệu trong sản xuất xà phòng vì giúp cố định những loại tinh dầu dễ bay hơi.
  • Chữa cảm, sốt, bệnh tiêu hóa, gan: Người Ấn Độ hãm rễ cây hương bài lấy nước uống chữa các bệnh về đường tiêu hóa, gan, sốt, cảm. Ngoài ra, rễ cây cũng được tán bột để đắp hạ nhiệt khi sốt. Tinh dầu chiết xuất từ cây hương bài có tác dụng làm tăng trương lực.

3. Cách làm hương, nhang từ rễ cây hương bài

Hiện nay, ở nước ta, việc dùng cây hương bài để sản xuất làm hương, nhang không còn phổ biến bởi chi phí cao và khó cạnh tranh với những doanh nghiệp sản xuất lớn sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, hương được làm từ cây hương bài là loại hương có nguồn gốc thiên nhiên, không độc hại và rất thân thiện với môi trường. Dưới đây là cách sử dụng cây hương bài để làm hương, nhang:

  • Thành phần: Rễ cây hương bài khô, vỏ cây bưởi khô, gỗ trầm hương (mỗi loại 1kg), đại hồi, quế chi, lá hoặc vỏ cây bạch đàn (mỗi loại 300g), bã mía khô (500g).
  • Cách làm: Phơi khô tất cả nguyên liệu, sau đó cho vào máy nghiền thành bột rồi cho nước và bột keo kết dính vào trộn đều. Dùng tre hoặc nứa làm chân nhang, cuộn hỗn hợp vừa trộn vào que rồi mang đi phơi thật khô là dùng được.

Rễ cây hương bài là nguyên liệu chính để làm hương, nhang thắp. Ngoài ra, còn được dùng làm thuốc diệt chuột và xua đuổi sâu bọ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe