Cây hoàng tinh có tác dụng gì?

Cây hoàng tinh thường mọc ở vùng rừng ẩm ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Thân củ hoàng tinh có công dụng bổ phổi, hỗ trợ tiêu hóa và điều trị các bệnh do lao lực,...

1. Đặc điểm cây hoàng tinh

Cây hoàng tinh còn được gọi là hoàng tinh hoa đỏ, cây cơm nếp, hoàng tinh lá mọc vòng, mễ phủ, cứu hoang thảo,... Tên khoa học của hoàng tinh là Polygonatum sibiricum, Polygonatum cyrtonemua, Polygonatum kingianum, thuộc họ hành tỏi (Liliaceae).

Cây hoàng tinh mọc hoang ở vùng rừng ẩm, đất có nhiều mùn trên các vùng núi có đá xanh ở các tỉnh miền Bắc nước ta (mọc nhiều ở Sa Pa - Lào Cai). Đây là loại cây cỏ sống lâu năm, chiều cao khoảng 50 - 80cm. Lá cây không cuống, mọc vòng 4 - 5 lá, phiến lá hình mác, đầu lá nhọn và quăn, hoa mọc ở kẽ lá, cuống hoa dài khoảng 1,5 - 2cm, mùa hoa ở Sa Pa vào khoảng tháng 3 - 4. Quả hoàng tinh mọng, hình cầu, chuyển màu tím đen khi chín. Thân rễ hoàng tinh mọc ngang, mập lên thành củ màu vàng trắng, hơi dẹt, dài khoảng 30 - 35cm, rộng tới 6 - 7cm và dày khoảng 2 - 3cm.

Dược liệu sử dụng là thân rễ cây hoàng tinh. Thân rễ được thu hái vào mùa xuân hoặc mùa thu, tốt nhất là vào mùa thu vì thân rễ có ít nước. Có những nơi thu hái cây hoàng tinh gần như quanh năm, vào khoảng tháng 4 - tháng 10 hằng năm. Mặt ngoài thân rễ hoàng tinh màu vàng hoặc nâu vàng tới nâu đen, nhiều nếp nhăn, sần sùi, chất dẻo dai, hơi khó bẻ gãy, mặt bẻ màu vàng hoặc nâu nhạt, hơi lổn nhổn các chấm nhỏ, mùi đường và vị ngọt nhẹ, nếm hơi ngứa lưỡi.

Có nhiều cách bào chế cây hoàng tinh như:

  • Phơi hoàng tinh: Thu hái cây sạch, ủ mềm, thái thành từng phiến dày rồi đem phơi hoặc sấy khô;
  • Tửu hoàng tinh (chế rượu): Thu hái cây sạch, ngâm với rượu rồi cho vào bình đậy nắp kín, đun cách thủy để dược liệu hút hết rượu. Sau đó, lấy cây hoàng tinh ra, cắt lát dày và phơi khô. Tỷ lệ dùng là: 100kg hoàng tinh tương ứng với 20 lít rượu.

Giải đáp cây hoàng tinh có tác dụng gì?
Giải đáp cây hoàng tinh có tác dụng gì?

2. Cây hoàng tinh có tác dụng gì theo Y Học Hiện Đại?

Theo Y Học Hiện Đại, cây hoàng tinh có các tác dụng gồm:

  • Chống tiểu đường: Theo nghiên cứu trên chuột mắc bệnh tiểu đường, hoạt chất saponin từ hoàng tinh có thể làm giảm tình trạng tăng đường huyết và tăng lipid máu. Như vậy, saponin có thể được sử dụng như 1 liệu pháp bổ trợ để kiểm soát lượng đường huyết và tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2;
  • Điều hòa rối loạn lipid máu: Cây hoàng tinh có thể ức chế sự gia tăng cholesterol toàn phần và triglycerid trong gan, máu do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra. Cơ chế tác dụng của nó là nhờ điều chỉnh các chất chuyển hóa nội sinh trong mẫu máu, nước tiểu và gan. Vì vậy, đây là loại dược liệu có thể trở thành một chất điều hòa lipid để điều trị rối loạn lipid máu và các bệnh liên quan.

Cây hoàng tinh có tác dụng giảm mệt mỏi
Cây hoàng tinh có tác dụng giảm mệt mỏi

3. Cây hoàng tinh có tác dụng gì theo Y Học Cổ Truyền?

Y Học Cổ Truyền gọi củ hoàng tinh là thục hoàng, có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí, dưỡng âm, nhuận phế, kiện tỳ, ích thận, trị các chứng ho do cơ thể mất nước, nóng nhiệt, tỳ vị hư nhược, suy kiệt, mệt mỏi, kém ăn, miệng khô, háo khát, nội nhiệt, tinh huyết bất túc,... Hoàng tinh chuyên bổ huyết, bổ âm và nuôi tỳ vị. Ngày dùng hoàng tinh với liều lượng 12 - 20g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các dược liệu khác.

Một số bài thuốc sử dụng cây hoàng tinh trị bệnh gồm:

  • Dùng cho người yếu sức, lao lực, ho nhiều: 15g hoàng tinh, 10g ý dĩ, cho vào niêu với 600ml nước, sắc còn 200ml nước thuốc thì ngưng, chia uống 3 lần/ngày;
  • Trị suy nhược cơ thể sau khi mắc bệnh: Dùng bài thuốc “hoàng tinh thang” gồm các vị: 24g hoàng tinh, 12g kỷ tử, 20g sinh địa, 12g hoàng kỳ, 12 đảng sâm, đem sắc nước uống;
  • Giảm mệt mỏi, sinh tân dịch: 25g củ hoàng tinh, 20g ba kích, 10g đảng sâm, 10g thục địa. Tất cả các vị thuốc đem thái mỏng, ngâm với 1 lít rượu 35°, thỉnh thoảng lắc đều. Khi dùng, pha với 100ml siro đơn, ngày uống 3 lần trước bữa ăn và khi đi ngủ, mỗi lần chỉ cần dùng 1 chén nhỏ;
  • Giảm mệt mỏi: 10g củ hoàng tinh, 10g ý dĩ, 8g sa sâm, cho vào niêu sắc với 200ml nước thuốc tới khi còn 50ml nước thuốc thì ngưng, dùng uống 1 lần/ngày;
  • Trị thiếu máu: 20g củ hoàng tinh, 10g hà thủ ô, 10g thục địa, 10g rễ đinh lăng, 8g tam thất, đem các vị thuốc tán bột, mỗi ngày dùng 10g sắc uống;
  • Trị đau thắt ngực, bệnh mạch vành: 15g củ hoàng tinh, 15g côn bố, 10g bá tử nhân, 10g thạch xương bồ, 10g uất kim, 6g diên hồ sách, 24g sơn tra, sắc uống ngày 1 thang, 3 lần/ngày, điều trị 4 tuần/đợt;
  • Trị tiểu đường: 20g củ hoàng tinh, 20g hoàng kỳ, 20g sinh địa, 10g trạch tả, 10g nhân sâm, 10g hoàng liên, 10g địa cốt bì, đem các vị thuốc tán bột, rây mịn, dùng 3 lần/ngày, mỗi lần 5g;
  • Trị huyết áp thấp: 30g củ hoàng tinh, 30g đảng sâm, 10g cam thảo, sắc uống 1 thang/ngày;
  • Trị rối loạn thần kinh thực vật: 160g củ hoàng tinh, 90g câu kỷ, 90g sinh địa, 90g bạch thược, 90g hà thủ ô, 60g đương quy, 60g hoàng kỳ, 60g đảng sâm, 60g táo nhân (sao), 30g mạch môn, 30g cúc hoa, 30g hồng hoa, 30g bội lan, 30g xương bồ, 30g viễn chí. Đem các dược liệu trên ngâm với 6 lít rượu trắng trong 2 - 4 tuần, khi đủ thời gian thì uống ngày 3 lần, dùng khoảng 5 - 10ml/lần;
  • Trị yếu sinh lý: 20g củ hoàng tinh, 12g hà thủ ô, 12g ý dĩ, 12g rễ đinh lăng, 12g hoài sơn, 12g kỷ tử, 12g long nhãn, 12g cám nếp, 8g trâu cổ, 8g cao ban long, 6g sa nhân, sắc uống 1 thang/ngày;
  • Trị lao phổi: Hoàng tinh đem chế thành cao lỏng, đảm bảo tỷ lệ 1ml có 5g thuốc, mỗi lần uống 10ml, ngày dùng 4 lần;
  • Trị nấm chân tay: Xắt nhỏ 100g hoàng tinh, cho vào lọ thêm 250ml cồn 75%, bịt kín, ngâm trong 15 ngày. Sau đó, lọc qua gạc 4 lớp, vắt hết nước, bỏ bã, thêm 150ml giấm, trộn đều. Khi dùng, rửa sạch vùng da bị nấm, lau khô rồi bôi thuốc 3 lần/ngày;
  • Trị ho ra máu: 50g củ hoàng tinh, 25g bách bộ, 25g bạch cập, đem các vị thuốc tán bột, rây mịn rồi luyện với mật, vo thành viên, uống 3 lần/ngày, dùng 6g/lần;
  • Trị lipid máu cao: Dùng viên hạ mỡ gồm các thành phần là hoàng tinh, hà thủ ô, tang ký sinh, uống liên tục trong vòng 2 tháng.

*Lưu ý khi dùng cây hoàng tinh trị bệnh:

  • Không dùng vị thuốc này cho người bị đờm thấp, yếu dạ;
  • Chú ý phân biệt với cây hoàng tinh ở miền bắc gọi là cây dong, ở miền nam gọi là cây bình tinh (tên khoa học là Arundinacea Linn, thuộc họ Marantaceae), thân có thể cao tới 2m, lá mọc so le và có lông, phiến lá hình bầu dục, thân rễ hình thoi dài màu trắng, có nhiều vòng lá khô hình vảy. Đất là cây lương thực dùng để luộc ăn, mài lấy bột làm bánh hoặc nấu chè, không dùng làm thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe