Cây ba gạc được sử dụng trong điều trị nhiều loại bệnh lý, nổi bật là cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, làm thuốc an thần. Ngoài ra, cây thuốc này còn giúp điều trị chứng đau đầu, mất ngủ, choáng váng, động kinh, rắn cắn, ghẻ lở, vv.
1. Cây ba gạc là cây gì?
Cây ba gạc có tên khoa học là rauvolfia verticillata (Lour) baill, thuộc họ trúc đào (apocynaceae), còn có nhiều tên gọi khác như ba gạc lá to, lạc tọc, san to, ba gạc lá to, hơ rác, ka day (Ba Na), phu mộc.
Cây ba gạc cao từ 1 - 1.5m, thân nhẵn, có nốt sần, toàn cây có nhựa mủ, lá cây ba gạc mọc thành 3 vòng đến 5 vòng lá một, có hình mác, hoa có hình ống, hoa gạc màu trắng (bản địa), ba gạc hoa đỏ (du nhập), phình ở họng, mọc thành kim, tán ở kẽ lá, quả đôi, hình trứng, khi chín màu đỏ tươi đến tím đen. Ba gạc hoa trắng nở từ tháng 4 đến tháng 6, quả từ tháng 7 đến tháng 10. Ba gạc hoa đỏ nở từ tháng 6 đến tháng 8, ra quả từ tháng 9 đến tháng 11.
Cây ba gạc thường mọc ở vùng rừng núi, vào mùa thu-đông đào rễ cây về rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, không làm tổn hại lớp vỏ vì đây là bộ phận có chứa nhiều hoạt chất nhất. Rễ và vỏ rễ cây ba gạc được dùng làm thuốc, có thể dùng tươi, khô hoặc nấu thành cao.
Cây ba gạc ưa điều kiện khí hậu ôn hòa, nơi có ánh sáng yếu, nhưng trồng ở nơi có nắng cây vẫn sống được. Cây có thể trồng được bằng cách gieo hạt hoặc giâm thân cành, trồng được 2 năm là có thể thu hoạch.
Tác dụng của cây ba gạc là thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp, giảm nhịp tim, đồng thời có tác dụng an thần và gây ngủ.
2. Cây ba gạc chữa bệnh gì?
Chiết xuất các dạng alcaloid có trong cây ba gạc bao gồm reserpin, ajmalin, alcaloid toàn phần, được bào chế dưới dạng viên nén để chữa cao huyết áp. Riêng ajmalin được bào chế dưới dạng thuốc viên hoặc thuốc tiêm dùng để điều trị rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, đau đầu, mất ngủ, choáng váng, động kinh, rắn cắn, ghẻ lở, vv.
Ngoài ra, cây ba gạc còn được bào chế dưới dạng cao lỏng chứa 1,5% alcaloid toàn phần, 1g cao bằng 1g vỏ rễ để chữa cao huyết áp và làm thuốc an thần. Lưu ý, các chế phẩm từ cây ba gạc được chống chỉ định với các trường hợp loét dạ dày tá tràng, nhồi máu cơ tim, hen suyễn, vv.
Reserpin dạng viên nén có hàm lượng 0,0001g, 0,00025g và 0,0005g, thuốc tiêm hàm lượng 5mg/2ml. Rauviloid (2mg alcaloid toàn phần), liều dùng cho điều trị bệnh huyết áp cao là 2-4mg/ngày.
3. Tương tác thuốc với sản phẩm từ cây ba gạc
Tương tác thuốc có thể gây giảm tác dụng của thuốc hoặc cũng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Chính vì vậy, khi sử dụng một loại thuốc bất kỳ, bạn cần đọc kỹ phần tương tác thuốc để tránh sử dụng chúng cùng nhau. Thuốc được bào chế từ cây ba gạc có tương tác với các thành phần sau:
- Rượu và các thức uống có cồn vì có thể gây buồn ngủ quá mức
- Thuốc Digoxin (Lanoxin®) vì có thể làm giảm hiệu quả của digoxin
- Thuốc Levodopa vì có thể làm giảm hiệu quả của levodopa
- Thuốc chống trầm cảm (MAOIs) vì có thể làm tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm
- Thuốc trị bệnh thần kinh vì có thể làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ về thần kinh
- Propranolol (Inderal®) vì có thể hạ huyết áp ở mức thấp quá mức
- Thuốc an thần vì có thể gây buồn ngủ quá mức
- Thuốc kích thích vì có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng bao gồm tăng nhịp tim và huyết áp cao
Bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc: “Cây ba gạc chữa bệnh gì?”. Từ đó sẽ giúp bạn áp dụng đúng cách và hiệu quả bài thuốc cây ba gạc để điều trị bệnh lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.