U mạch máu và u bạch huyết đều là khối u lành tính không gây ung thư. Các khối u thường xuất hiện trên da ở các vị trí phổ biến như mặt, đầu, cổ... Chúng sẽ được đề nghị phẫu thuật cắt bỏ để tránh làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cơ thể cũng như những ảnh hưởng không cần thiết liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
1. U máu là gì
U mạch máu là một khối u lành tính (không ung thư) được tạo thành từ các mạch máu nhỏ nhân lên với tốc độ bất thường. Có nhiều loại u máu và chúng xảy ra trên khắp cơ thể bao gồm da, cơ, xương và cơ quan nội tạng. Hầu hết các u mạch máu xảy ra trên bề mặt da. Còn khi phát triển trên mặt và cổ những khối u này có nhiều màu sắc, hình dạng và kích thước khác nhau. U máu rất hiếm khi trở thành ung thư, nhưng một số u máu có thể làm cho cơ thể bị biến dạng và cần sự can thiệp của bác sĩ. Các trường hợp u máu cần được phẫu thuật bao gồm các khối u nằm sâu trong cơ, xương hoặc các khối u trên da gây các vấn đề về thị lực, hô hấp hoặc ăn uống.
U mạch máu khác nhau có liên quan đến các nguyên nhân khác nhau. Ví dụ: U máu ở trẻ sơ sinh là do hoạt động bị lỗi của hệ thống mạch máu trong quá trình phát triển của thai nhi. Hoặc một số u máu gây ra do chất thương, hoặc một số u máu có liên quan đến di truyền (bệnh Hippel-Lindau)...
U máu thường không đau, tổn thương có màu từ đỏ đến xanh trên da, môi hoặc trong miệng. Chúng thường mềm khi chạm vào. Các tổn thương bề ngoài có thể chảy máu hoặc biến thành vết loét đặc biệt nếu bị va đập hoặc bị thương. Còn u máu sâu trong cơ có thể gây đau, sưng.
2. U bạch huyết
U bạch huyết là sự biến dạng của hệ bạch huyết được đặc trưng bởi các tổn thương u nang vách mỏng. Hệ thống bạch huyết là mạng lưới các mạch chịu trách nhiệm luân chuyển chất lỏng dư thừa của hệ thống tĩnh mạch từ các mô cũng như các hạch bạch huyết lọc chất lỏng này để tìm dấu hiệu của mầm bệnh.
U bạch huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và liên quan đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng 90% xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi và thường ở vị trí đầu, cổ. U bạch huyết xảy ra có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải. U bạch huyết bẩm sinh thường liên quan đến nhiễm sắc thể như hội chứng Turner. U bẩm sinh thường chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm thai nhi. Còn u bạch huyết mắc phải có thể là do chấn thương, viêm hoặc tắc nghẽn bạch huyết.
Hầu hết các u bạch huyết là tổn thương lành tính và khu trú ở một hoặc nhiều khu vực trên cơ thể. Các triệu chứng của bệnh dựa vào kích thước và vị trí của khối u. Các u bạch huyết có thể xuất hiện dưới dạng chấm nhỏ màu đỏ hoặc xanh. Khi bạch huyết tích tụ nhiều chúng có thể sưng và gây biến dạng. Tuỳ thuộc vào vị trí sưng, mô hoặc cơ quan bị ảnh hưởng và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ví dụ: lưỡi sưng có thể gây ra khó khăn khi nói và ăn uống. Hoặc u bạch huyết ở hốc mắt có thể gây ra tầm nhìn đôi...
3. Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ được chỉ định cho u máu, u bạch huyết có đường kính từ 5-10cm. Đây là những khối u gây vướng cộm, ảnh hưởng đến chức năng sống hoặc thẩm mỹ.
3.1. Phẫu thuật cắt bỏ u máu
Tuỳ thuộc vào kích thước khối u và vị trí có thể có nhiều phương pháp điều trị. Phẫu thuật được khuyến nghị cho những loại u máu có cấu trúc phức tạp và đang tổn thương có nguy cơ phá huỷ các mô khoẻ mạnh xung quanh. Những trường hợp này thường gây ra các triệu chứng đau nghiêm trọng cần xem xét để điều trị phẫu thuật.
Thủ tục tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính sẽ sử dụng phương pháp gây mê toàn thân để đưa bệnh nhân đi vào giấc ngủ. Sau đó bác sĩ sẽ rạch da và cắt bỏ khối u ra ngoài.
Bệnh nhân có thể sẽ có vết mũi khâu sau khi bác sĩ loại bỏ khối u. Bác sĩ sẽ tiến hành quấn kín vùng này bằng băng nén và hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân chăm sóc vết thương nhanh được phục hồi.
Biến chứng phổ biến nhất của phẫu thuật cắt bỏ u máu là xuất huyết. Ngoài ra, u máu còn có xu hướng tái phát cao sau khi phẫu thuật. Và tình trạng này sẽ phù thuộc vào loại và vị trí của khối u.
3.2. Phẫu thuật u bạch huyết
Điều trị phổ biến nhất cho bệnh nhân bị u bạch huyết là cắt bỏ hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật. Bởi vì các hốc chứa ở dưới da phải được loại bỏ để ngăn ngừa tổn thương xuất hiện trở lại. Tái phát cục bộ là tình trạng phổ biến của u bạch huyết. Do vậy, cắt bỏ toàn bộ u này có thể khó khăn và đôi khi không khả thi. Các khối u được giới hạn ở lớp hạ bì có thể dễ dàng cắt bỏ khi phẫu thuật và tỷ lệ thành công của cuộc phẫu thuật là rất cao.
U bạch huyết không gây ra bất kỳ vấn đề gì nhưng vì tình trạng lồi lên của chúng ở trên mặt và cổ nên chúng có thể gây ảnh hưởng đến ngoại hình của người bệnh. Ngoài ra, nó còn có thể có những biến chứng nghiêm trọng như: đau đớn, nhiễm trùng, khó thở, khó nuốt, viêm mô tế bào, chảy máu, đau ngực,...
U máu và u bạch huyết đều có thể tác động không tốt đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các tác động này bao gồm biến dạng trên cơ thể đặc biệt ở vùng mặt, cổ. Vì vậy, người bệnh cần phải được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để có thể tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả với từng trường hợp bệnh cụ thể.
video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM