Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Da liễu.
U mạch máu xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, chủ yếu là ở vùng đầu, mặt và cổ. Hiện nay, u mạch máu thường được phân loại dựa trên tổ chức khối u hoặc các đặc điểm lâm sàng.
1. Các giai đoạn tiến triển của u mạch máu
U mạch máu là một khối u lành tính thường gặp ở trẻ nhỏ, hình thành do sự tăng sinh của các mạch máu (gồm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch). 59% u mạch máu xuất hiện khi ở trẻ sơ sinh, 40% trong tháng đầy và 30% ở trẻ đẻ non có cân nặng dưới 1,8kg. Theo thống kê, có 60% u máu xuất hiện ở vùng đầu, mặt và cổ. Số ít xuất hiện trong nội tạng.
U máu tiến triển theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn tăng sinh: Thường diễn ra trong khoảng 3 – 6 tháng với u máu nông, 8 – 10 tháng với u máu sâu. Ở giai đoạn này, có 80% u máu tăng gấp đôi kích thước, trong đó có 5% phát triển nhanh, ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan, thẩm mỹ và thậm chí có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
- Giai đoạn ổn định: Sau giai đoạn tăng sinh, u mạch máu dần ổn định về kích thước và dấu hiệu lâm sàng, kéo dài khi trẻ được 18 – 20 tháng.
- Giai đoạn thoái triển: Diễn biến khá chậm, thời gian đầu màu da ở u máu nhạt dần, sau đó u mạch máu dưới da xẹp dần nhưng chậm hơn. Sự thoái triển này gặp ở 70 – 80% các trường hợp trẻ có u máu trên 6 tuổi. Sự thoái triển của u máu dưới da thường chậm hơn so với u máu trên da.
Tuy nhiên, qua theo dõi, nếu u máu không thoái triển mà vẫn tiếp tục phát triển, xâm lấn các cơ quan thì bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhi.
2. Phân loại u mạch máu
2.1 Theo tổ chức học
- U máu mao mạch
Là thể hay gặp nhất, chiếm khoảng 60% các ca mắc u mạch máu. Ở bệnh nhân u máu mao mạch, các mao mạch tăng sinh và giãn da nhưng không có sự tăng sinh của các tế bào nội mô. U máu mao mạch chứa các mao mạch ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, có mao mạch rỗng, có mao mạch đầy, rộng và không đều như các mao mạch bình thường.
- U máu hang
Dạng u máu này chiếm khoảng 30% các trường hợp mắc u máu. U máu hang có tổ chức giống như những cơ quan cương, gồm những hốc nhỏ, đầy máu, thông với nhau và thường có một vỏ xơ bọc, có thể đè ép lên các tổ chức cứng ở phía dưới. Đôi khi những hốc máu trong u máu hang được ngăn cách nhau bởi các vách collagen có nhiều mô võng và thiếu chất chun. Trong u máu hang, các mao mạch giãn rất rộng.
Thể u máu này có thể kết hợp với những tổn thương khác, nhất là với u bạch mạch, hình thành u máu – bạch mạch. Ngoài ra, nó cũng có thể kết hợp với những tổ chức khác như cơ, xương, sụn,... tạo thành u mạch máu trong cơ, u máu trong xương,...
2.2 Theo lâm sàng
Về mặt lâm sàng, có các thể u máu sau:
- U máu nông dưới da
Là loại u mạch máu ở phần sát dưới da, có hình thái là u chứa những mao mạch giãn rộng, tăng sinh, ứ máu đi kèm với tổ chức hang. U máu nông dưới da xuất hiện sau, tiến triển chậm, thường chỉ được phát hiện khi đã có kích thước khá lớn. Loại u máu này có thể đạt tới kích thước lớn như quả cam, xuất hiện đơn lẻ hoặc thành 3 – 4 u rải rác ở mặt, đặc biệt là ở vùng cổ. Da u máu nông có thể có màu bình thường hoặc tím nhạt, có tĩnh mạch nông chạy phía trên, u phình to ra khi làm việc nặng nhọc hoặc khi cúi xuống.
U máu nông dưới da sờ mềm, không đau, có thể bóp xẹp và lại phồng lên sau vài giây. Loại u máu này không gây rối loạn chức năng, chỉ gây vướng, khó khăn khi lao động và ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
- U máu sâu dưới da
Là loại u máu sâu ở phần mềm, sâu hơn lớp mỡ, có thể thâm nhiễm cơ và các cơ quan nằm sâu như tuyến nước bọt, thần kinh. Biểu hiện u máu sâu khá giống với u máu nông dưới da nhưng da thường bị thâm nhiễm nhiều hơn, có tĩnh mạch chạy ở trên khối u, da hơi nhăn, màu hồng hoặc tím. U ít khi gồ lên khỏi da, chủ yếu lan sâu. U máu sâu dưới da cũng phồng to hơn khi cúi đầu hoặc lao động nặng, bóp xẹp một phần.
Loại u mạch máu này tiến triển chậm, ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ và gây rối loạn chức năng các cơ quan tùy vị trí phân bố. Cụ thể, u máu sâu dưới da có thể đè lên xương bên dưới, gây biến dạng, mài mòn, làm tiêu vôi, dẫn tới loãng xương,... Đặc biệt, u có thể xâm lấn vào xương và gây u máu trong xương.
- U máu phẳng (port-wine stain hay vết rượu vang)
U mạch máu phẳng là một bệnh bẩm sinh với tổn thương dị dạng ở các mao mạch của da. Trong đó, các mao mạch bị giãn ra và không có sự tăng sinh của các tế bào nội mô. Biểu hiện của u máu phẳng là xuất hiện những vết sẫm màu trên da, có màu hồng nhạt, đỏ nhạt hoặc đỏ thẫm, không dày hơn bề mặt da, co giãn mềm mại (có tính chất giống như da thường, chỉ khác màu).
U máu phẳng có kích thước đa dạng, từ nhỏ như đồng xu tới lớn lan hết cả nửa mặt. Đây là dạng u máu bẩm sinh, có khuynh hướng phát triển, lan rộng theo tuổi và chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ, không gây rối loạn chức năng các cơ quan. Tuy nhiên, u mạch máu phẳng cũng có thể tiến triển vào chiều sâu, thâm nhiễm các lớp da hoặc vào tổ chức mỡ, cơ, niêm mạc,... làm biến dạng mặt và phát triển lớn, ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan. Đồng thời, bề mặt vết bớt có thể gồ, sùi hơn, trở thành các cục nhỏ, da phủ ở trên nhăn nhúm và biến thành u máu gồ (u máu củ).
- U máu gồ (u máu củ)
U máu gồ có thể do u máu phẳng tiến triển hoặc bẩm sinh. U gồ khỏi da từ vài mm đến 1cm hoặc hơn, có màu hồng đậm, đỏ tía, da phủ lên hơi nhăn, khi va chạm dễ chảy máu dẫn tới nhiễm khuẩn. Đôi khi u máu gồ hình thành một đám rộng ở mặt hoặc dọc cổ. Loại u máu này có thể phát triển và lan rộng theo tuổi hoặc tự ngừng phát triển, thu nhỏ và hết hẳn.
U máu gồ tiến triển từ u máu phẳng thường gặp ở người trung niên hoặc cao tuổi. U biểu lộ dưới hình thái trên một u máu phẳng từ trước, nổi gồ thành cục, có màu đỏ thẫm và nhăn nheo.
U máu gồ tiến triển tới một mức độ sẽ tự ngừng lại, không lan rộng thêm, chỉ tăng khối lượng tại chỗ, có thể che kín mắt, mũi, môi,... gây ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan, tính thẩm mỹ cũng như tâm lý của bệnh nhân. Bên cạnh đó, u dễ bị nhiễm khuẩn và chảy máu, da dưới u có thể bị thâm nhiễm ít nhưng không lan tới lớp cơ ở dưới.
- Phình mạch rối
Dạng u máu này thường hình thành từ u máu gồ tự phát hoặc dưới ảnh hưởng của sang chấn hay thay đổi nội tiết tố (do mang thai). Đôi khi, phình mạch rối là một thể trung gian giữa u máu và tình trạng phồng động – tĩnh mạch. Phình mạch rối gồm những mao mạch giãn rộng, không đồng đều, gồ to, có nhịp đập và không bóp xẹp được.
Hình thái lâm sàng của phình mạch rối là một u gồ, lớn như quả quýt, da trên khối u có màu hồng đậm, nhăn nheo, mỏng, đôi khi có tĩnh mạch nổi rõ, nhìn thấy rõ nhịp đập, dễ chảy máu và khó cầm máu. Phình mạch rối làm biến dạng mặt, có thể ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan tùy vị trí chúng hình thành là ở gần mũi, môi hay tai. Ngoài ra, loại u máu này cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động của tim mạch.
- U máu niêm mạc miệng
Có thể là u máu phẳng hoặc u gồ thể củ. U máu niêm mạc miệng thường gặp ở môi, má, lưỡi, sàn miệng, hàm ếch, vòm miệng mềm, có thể lan vào amidan tạo với lưỡi gà thành u gồ thể củ rất nguy hiểm. Niêm mạc phủ lên khối u có màu đỏ đậm hoặc tím đậm, gồ nhẹ hoặc nhiều, làm vướng, dễ gây chảy máu, ảnh hưởng tới chức năng ăn uống, giao tiếp. U máu niêm mạc miệng thường phát triển theo chiều rộng trong hốc miệng, có thể xâm nhiễm tổ chức dưới niêm mạc, cơ, tổ chức mỡ dưới da, lan sâu ra ngoài da.
- U máu trong xương hàm
Là loại u máu nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến tử vong. Thường u máu trong xương hàm là u niêm mạc miệng hoặc lợi xâm lấn, phá hủy dần xương hàm. Hiếm gặp hơn, u máu có thể phát triển từ trung tâm xương hàm, phá hủy dần lợi và răng,...
Một số thể u máu đặc biệt khác:
- U máu kết hợp: Trong các thể bệnh trên, có nhiều loại u máu có thể phát triển, kết hợp với nhau như u máu phẳng xen kẽ u máu gồ, u máu niêm mạc xen kẽ với u máu sâu dưới da,...
- U máu rải rác Rendu và Osler: Có tính chất di truyền, đặc trưng bởi những u máu rải rác trên da và niêm mạc, màu sẫm, có chấm đen, xanh thẫm, chảy máu hoặc giãn mạch. Loại u máu này khu trú ở phổi có thể gây rò động – tĩnh mạch. Ở mặt nó hay khu trú ở má, cổ, niêm mạc miệng, môi, lưỡi, sàn miệng, hàm ếch, niêm mạc mũi,... dễ gây chảy máu;
- Hội chứng Sturge-Weber-Krabbe: Còn gọi là u máu lan toả thần kinh, là một bệnh bẩm sinh. Biểu hiện là một u máu phẳng ở một bên mặt, kèm theo u máu ở não cùng bên. Bệnh nhân có thể bị rối loạn thị giác, võng mạc sẫm màu, tăng nhãn áp và động kinh, nhức đầu, liệt nửa người,...
- Hội chứng Klippel-Trenaunay và Parkes Weber: Thuộc loại u máu não – mặt, có phì đại ở nửa mặt và sọ hoặc teo nửa mặt và sọ, người bệnh bị rối loạn vận động, rối loạn tâm thần, tăng nhãn áp,...
U mạch máu có thể thoái triển hoặc phát triển mạnh, gây nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, khi phát hiện có u máu, người bệnh nên kịp thời đến các bệnh viện lớn để được chẩn đoán chính xác, theo dõi và có lựa chọn điều trị hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.