Cấp cứu chảy máu mũi: Những điều cần biết

Chảy máu mũi là một tai biến thường gặp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như do bệnh lý, chấn thương với các cấp độ nặng nhẹ khác nhau. Theo đó, nếu bệnh nhân không được cấp cứu chảy máu mũi kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng đời sống sau này.

1. Nguyên nhân gây chảy máu mũi

Niêm mạc mũi có mạng lưới mao mạch dày đặc, nổi rất nông để thực hiện nhiệm vụ làm ấm và làm ẩm không khí trước khi vào phổi. Vì thế, chỉ cần một chấn thương nhẹ như ngoáy mũi hoặc va quyệt cũng có thể gây chảy máu mũi. Một số nguyên nhân chính gây chảy máu mũi như:

  • Nguyên nhân ngoại khoa: Chảy máu mũi do chấn thương trong thời chiến và thời bình như vết dao đâm, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, do đạn...

Nguyên nhân nội khoa: Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh như: Cao huyết áp, các bệnh về máu, bệnh sốt xuất huyết, suy gan, suy thận mãn tính có thể gây chảy máu mũi.

2. Các cấp độ chảy máu mũi

Có 3 loại chảy máu mũi như sau:

  • Chảy máu điểm mạch Kisselbach;
  • Chảy máu do tổn thương động mạch;
  • Chảy máu lan tỏa do tổn thương mao mạch, máu rỉ khắp niêm mạc mũi, không có điểm nhất định thường xuất hiện trong các bệnh bạch cầu tủy cấp, bệnh ưa chảy máu, thương hàn, sốt xuất huyết.

Theo đó, dựa vào mức độ chảy máu mũi mà các chuyên gia y tế đánh giá tình trạng chảy máu mũi theo 3 mức độ: nhẹ, vừa và nặng.


Có 3 loại chảy máu mũi
Có 3 loại chảy máu mũi

2.1. Chảy máu mũi nhẹ

Triệu chứng chảy máu mũi nhẹ thường do chấn thương nhẹ như khi ngoáy mũi hoặc do người bệnh mắc các bệnh như cúm, thương hàn... Tuy nhiên ở một số người khoẻ mạnh có thể tự nhiên bị chảy máu mũi. Soi mũi thấy máu chảy ra từ điểm mạch hoặc động mạch nhưng không nhiều, chảy từng giọt với số lượng ít hơn 100ml và có xu hướng tự cầm. Loại chảy máu mũi này thường gọi là chảy máu cam và hay gặp ở trẻ em có tiên lượng nhẹ.

2.2. Chảy máu mũi vừa

Chảy máu mũi vừa là hiện tượng máu chảy thành dòng ra ngoài lỗ mũi hoặc chảy xuống họng, số lượng khoảng từ 100 - 200ml. Có thể do chảy máu mao mạch của toàn bộ niêm mạc mũi.

2.3.Chảy máu mũi nặng

Chảy máu mũi nặng thường do tổn thương động mạch mũi với các bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, xơ gan... máu chảy nhiều thành dòng kéo dài khiến bệnh nhân kích thích, hốt hoảng, môi mặt xanh nhợt, tụt huyết áp, số lượng máu mất nhiều hơn 200ml hay gặp ở bệnh nhân lớn tuổi có bệnh mạn tính hoặc do chấn thương gây tổn thương động mạch sàng và thường chảy máu khó cầm. Trong trường hợp này, soi mũi rất khó vì điểm chảy thường ở trên cao và ở phía sau, nhưng lượng máu chảy ra nhiều.


Mất nhiều máu khiến huyết áp bệnh nhân bị tụt mạnh
Mất nhiều máu khiến huyết áp bệnh nhân bị tụt mạnh

3. Cấp cứu chảy máu mũi

Khi gặp một bệnh nhân đang bị chảy máu mũi thì việc đầu tiên cần làm là cầm máu. Có thể hướng dẫn bệnh nhân ngồi cúi ra phía trước để tránh máu chảy vào trong họng. Theo đó, nếu trường hợp chảy máu mũi thể nặng cần phải chú ý tình trạng toàn thân của bệnh nhân bằng cách theo dõi sát mạch, đo huyết áp.

3.1 Cấp cứu chảy máu mũi nhẹ

Nếu chảy máu mũi nhẹ từ điểm mạch thì người cấp cứu dùng hai ngón tay bóp hai cánh mũi lại vừa chặt tay để cho điểm Kisselbach được ép lại cầm máu, tránh máu tiếp tục chảy ra. Tiếp đến dùng bông có tẩm dung dịch cầm máu như oxy già 12 thể tích, ephedrin 1-3% nhét vào lỗ mũi, ép đè lên chỗ chảy máu .

3.2. Cấp cứu chảy máu mũi nhiều

Nếu bệnh nhân bị chảy máu mũi nhiều cần phải sử dụng các biện pháp tích cực như sau:

Phương pháp đặt mechè mũi trước

  • Dụng cụ: đèn clar, nỉa khuỷu, mở mũi, đè lưỡi, bấc rộng 1,5cm dài 40cm, ngón tay găng.
  • Thuốc: Dầu paraphin, thuốc tê cocain 6%, túi cao su (capôt hoặc ngón tay găng).

Cách làm: Đầu tiên cần hướng dẫn bệnh nhân xì hết máu trong mũi, đồng thời đặt vào mũi một đoạn bấc thấm côcain dài 10cm, việc này có tác dụng giảm đau, co mạch trong quá trình tiến hành thủ thuật. Sau khoảng 3 phút thì các bác sĩ có thể rút bấc côcain, dùng dụng cụ mở mũi banh rộng lỗ mũi qua sát bên trong hốc mũi xem người bệnh có mào vách ngăn hoặc vẹo vách ngăn hay không nhằm mục đích tiến hành thủ thuật không chọc vào mũi, tránh tình trạng làm bệnh nhân bị chảy máu mũi thêm. Tiếp đếm, bơm mỡ kháng sinh hoặc dầu paraphin vào hốc mũi rồi luồn túi cao su bọc lấy mở mũi, tiếp tục đặt túi cao su vào mũi. Dùng nỉa khuỷu nhét bấc vào trong hốc mũi qua mở mũi sâu 6-8cm, tiếp tục nhét bấc vào hốc mũi, bắt đầu ở phía trên dưới sau rồi trong trước, ngoài sau ra tới tận cửa mũi. Bấc được xếp theo hình chữ chi. Trong khi nhét bấc mũi nên nhét chặt không để khoảng cách chết. Kiểm tra thành sau họng không thấy máu chảy xuống họng là đạt yêu cầu.


Phương pháp đặt mechè mũi trước
Phương pháp đặt mechè mũi trước

Không nên để bấc quá 48 giờ mà cần tiến hành rút bấc, tuy nhiên khi tháo bấc các cần rút từ từ với tư thế nằm nghiêng, Y hoặc bác sĩ kéo bấc ra từ từ, từng đoạn một, mỗi đoạn không quá 5 cm, sau mỗi đoạn dừng 5 phút, vừa rút vừa nhỏ thuốc oxy già vào mũi. Rút bấc trong khoảng thời gian từ 20 tới 30 phút.

Phương pháp đặt mèche mũi sau

Nếu trong trường hợp bệnh nhân bị chảy máu mũi do tổn thương phía sau và phía trên của hốc mũi hoặc đã đặt mèche mũi trước nhưng không hiệu quả thì cần phải áp dụng thủ thuật mèche mũi sau.

  • Dụng cụ: Ngoài các dụng cụ dùng cho đặt meche mũi trước thì khi thực hiện meche mũi sau cần thêm có thêm một ống Nelaton nhỏ bằng cao su, một cục gạc hình trụ đường kính chiều cao khoảng 3cm buộc vào một sợi chỉ chắc dài 25cm, một cục gạc thứ hai hình trụ nhưng nhỏ hơn đường kính 1cm.
  • Cách làm: Đặt ống Nelaton vào lỗ mũi bệnh nhân ở bên chảy máu đẩy ống xuống họng. Hướng dẫn bệnh nhân há miệng, đồng thời dùng kìm cặp đầu Nelaton ra khỏi miệng. Buộc một đầu chỉ của gạc vào đầu ống Nelaton. Kéo ống Nelaton ngược từ họng lên mũi. Cục gạc bị sợi chỉ lôi ngược từ họng lên vòm mũi họng nút vào cửa mũi sau. Khi cục gạc đi qua eo màn hầu thường bị vướng lại nên bác sĩ có thể dùng ngón tay trỏ tay phải đẩy cục gạc lên phía trên và phía sau để vượt qua eo hẹp. Tay trái tiếp tục cầm ống Nelaton sợi chỉ kéo về phía trước. Cuối cùng tháo sợi chỉ khỏi ống cao su và buộc vào cục gạc thứ hai, cục này đút kín lỗ mũi trước.

Nếu đặt mèche mũi sau và meche mũi trước nhưng vẫn còn chảy máu mũi thì cần phải buộc động mạch hàm trong ở hố chân bướm hàm hoặc thắt động mạch sàng trước và sàng sau ở bờ trong của hốc mắt.


Cần thắt các động mạch nếu máu vẫn còn chảy
Cần thắt các động mạch nếu máu vẫn còn chảy

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị chảy máu mũi cần được nghỉ ngơi, nằm đầu theo hướng cao để thở và nhổ máu ra. Thực hiện truyền dịch nếu bệnh nhân bị trụy mạch, tụt huyết áp. Có thể truyền máu nếu Hb dưới 50% nhưng tốt nhất là truyền máu tươi liều nhỏ theo nhiều lần. Dùng thuốc corticoid như depersolone tiêm tĩnh mạch trong chảy máu, nếu không có chống chỉ định. Ngoài ra, dùng kháng sinh đề phòng nhiễm khuẩn và dùng thuốc đông máu để làm tăng vững bền thành mạch, giảm thời gian chảy máu hoặc trực tiếp làm đông máu, ví dụ như vitamin K...

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe