Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Thuý Hằng - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản.
1. Hen phế quản là gì?
Hen phế quản trên lâm sàng biểu hiện các triệu chứng khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Các triệu chứng này sẽ thay đổi về tần số và cường độ mỗi khi xuất hiện. Những triệu chứng này liên quan sự biến đổi của dòng khí thở ra do sự co thắt phế quản, sự dày thành đường thở và sự tăng tiết đàm nhớt.
1.1 Định nghĩa đợt cấp hen phế quản
- Đợt cấp hen phế quản là sự xuất hiện nặng lên của các triệu chứng khó thở, ho, khò khè, nặng ngực và giảm chức năng thông khí phổi. Đợt cấp có thể xảy ra ở bệnh nhân đã được chẩn đoán hen hoặc đôi khi, như là biểu hiện đầu tiên của hen.
- Đợt cấp thường xảy ra khi phản ứng với phơi nhiễm các yếu tố bên ngoài (ví dụ nhiễm virus đường hô hấp trên, phấn hoa hoặc chất ô nhiễm) và/hoặc tuân thủ thuốc kiểm soát kém.
- Đợt cấp có thể xảy ra ngay khi bệnh nhân đang được điều trị hen phế quản. Khi hen phế quản chưa được kiểm soát, đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ cao, tần suất khởi phát cơn hen sẽ cao và mức độ nặng cũng tăng, có thể dẫn tới tử vong.
1.2 Những yếu tố gây khởi phát cơn hen phế quản và làm nặng thêm các triệu chứng hen phế quản
- Nhiễm siêu vi, nhiễm trùng
- Các dị nguyên trong sinh hoạt và nghề nghiệp: mạt nhà, bụi nhà, phấn hoa, gián, khói thuốc lá, mỹ phẩm, thay đổi thời tiết, stress, vận động gắng sức.
- Một vài loại thuốc có thể kích hoạt, khởi phát cơn hen phế quản: beta-blocker; aspirin và một vài loại thuốc giảm đau NSAIDs khác
- Các sự nặng lên các bệnh lý đi kèm: suy tim, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, . . . .
1.3 Tiêu chuẩn chẩn đoán: Hai đặc điểm cơ bản của hen phế quản
(1) Bệnh sử của các triệu chứng hô hấp như thở khò khè, khó thở, tức ngực và ho. Các biểu hiện bệnh biến đổi theo thời gian, mức độ nặng, VÀ
(2) Giới hạn luồng khí thở ra biến đổi, được khẳng định ít nhất một lần.
Lưu đồ chẩn đoán hen phế quản trên lâm sàng theo GINA (2019)
1. Bệnh sử: có các triệu chứng hô hấp thay đổi: |
Các triệu chứng điển hình là thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. - Người bị hen thường có nhiều hơn một trong các triệu chứng nêu trên - Các triệu chứng biến đổi theo thời gian và cường độ - Các triệu chứng thường xảy ra hoặc nặng hơn vào ban đêm hay lúc thức giấc - Các triệu chứng thường khởi phát khi gắng sức, cười lớn, tiếp xúc các dị nguyên hay không khí lạnh - Các triệu chứng thường xảy ra hoặc trở nên xấu đi khi nhiễm vi rút |
2. Bằng chứng về sự biến đổi giới hạn dòng khí thở ra: thể hiện bằng hô hấp ký |
- Ít nhất một lần trong quá trình chẩn đoán có FEV1 thấp, ghi nhận tỉ lệ - FEV1/FVC thấp hơn giá trị bình thường thấp. Tỉ lệ FEV1/FVC bình thường lớn hơn 0,75-0,80 đối với người lớn và hơn 0,85 đối với trẻ em. - Ghi nhận biến đổi chức năng hô hấp cao hơn ở người khỏe mạnh. Ví dụ: + FEV1 tăng hơn 12% và 200mL so với giá trị ban đầu (ở trẻ em, >12% giá trị dự đoán) sau khi hít thuốc giãn phế quản. Được gọi là “giãn phế quản hồi phục”. + Trung bình hằng ngày LLĐ thay đổi >10% (ở trẻ em, >13%) + FEV1 tăng hơn 12% và 200mL so với giá trị ban đầu (ở trẻ em, >12% giá trị dự đoán) sau 4 tuần điều trị bằng thuốc kháng viêm (ngoài các đợt nhiễm trùng hô hấp) - Sự thay đổi vượt mức càng lớn trong nhiều lần đánh giá thì việc chẩn đoán HPQ càng chắc chắn hơn. - Việc thăm dò nên được lặp lại trong khi có các triệu chứng, vào sáng sớm hay sau khi sử dụng các thuốc giãn phế quản. - Hồi phục phế quản có thể không thấy trong đợt cấp nặng hay nhiễm vi rút. Nếu hồi phục phế quản không thấy trong thăm dò chức năng hô hấp lần đầu, thì bước tiếp theo phụ thuộc vào tính cấp bách của lâm sàng và sự sẵn có của các thăm dò khác. - Làm thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán, bao gồm cả thử nghiệm gây co thắt phế quản. |
1.4 Đánh giá kiểm soát hen phế quản
2. Điều trị hen phế quản
- Điều trị đợt cấp hen phế quản
- Quản lý hen phế quản: điều trị kiểm soát triệu chứng, dự phòng yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn hen, mất chức năng phổi, tác dụng phụ thuốc điều trị.
2.1 Thuốc điều trị hen dài hạn được chia thành 3 loại chính
- Thuốc kiểm soát hen: là các thuốc dùng duy trì để điều trị bệnh hen giúp làm giảm nguy cơ đợt cấp và sụt giảm chức năng hô hấp nhờ tác dụng giảm tình trạng viêm đường thở.
- Thuốc cắt cơn hen: là các thuốc chỉ dùng để cắt cơn hen và giảm triệu chứng, khi bệnh nhân có cơn khó thở hoặc đợt cấp hen. Giảm nhu cầu hoặc không cần dùng thuốc cắt cơn hen là mục tiêu quan trọng của điều trị hen.
- Thuốc điều trị phối hợp đối với hen nặng: đây là các thuốc được xem xét khi bệnh nhân có triệu chứng hen dai dẳng và/hoặc vẫn còn đợt cấp dù đã tối ưu hóa điều trị bằng liều cao ICS (corticoid dạng hít) /LABA (đồng vận β2 tác dụng kéo dài) và đã phòng tránh các yếu tố nguy cơ.
2.2 Điều trị Cấp Cứu đợt cấp hen phế quản
- Đánh giá mức độ nặng của đợt cấp: mức độ khó thở (không thể nói, hoặc nói từng từ), tần số thở, mạch, SpO2, và chức năng thông khí phổi (hoặc LLĐ).
- Đánh giá nguyên nhân khác của khó thở cấp: suy tim, bệnh đường hô hấp trên, hít phải dị vật, nghẽn mạch phổi ...
Bắt đầu điều trị:
- Thở oxy: nên dùng bình định liều. Duy trì SpO2 93-95% (94-98% với trẻ 6-11 tuổi).
- Thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, ngắn: ưu tiên dùng. Tăng liều, và số lần dùng SABA (thường dùng với buồng đệm hoặc khí dung);
- Corticoid toàn thân: liều 1mg prednisolone (hoặc tương đương) /kg/ngày với người lớn, đến tối đa 50 mg/ngày, và 1-2 mg/kg/ngày đối với trẻ 6-11 tuổi đến tối đa 40 mg/ngày. Corticoid đường toàn thân nên dùng trong 5-7 ngày.
- Corticoid phun hít, khí dung (budesonide hoặc fluticasone): liều 2mg- 4mg/ngày khí dung đối với người lớn và liều 1mg-2mg/ngày đối với trẻ em.
- Thuốc kiểm soát: nên tăng liều trong 2-4 tuần. Trường hợp hiện chưa sử dụng thuốc kiểm soát: nên bắt đầu theo liệu pháp có ICS liều ổn định.
- Kháng sinh: chỉ dùng nếu căn nguyên đợt cấp là do nhiễm khuẩn.
- Đánh giá đáp ứng thường xuyên: giảm liều oxy và duy trì SpO2 93-95%.
2.3 Đánh giá đáp ứng điều trị
Đánh giá thường xuyên đáp ứng lâm sàng, SpO2. Có thể đo chức năng thông khí phổi khi bệnh nhân đã tương đối ổn định.
Trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng: Chuyên khoa điều trị tích cực.
2.4 Tìm kiếm các yếu tố góp phần gây ra triệu chứng và đợt cấp
Tìm kiếm các yếu tố có thể thay đổi góp phần gây ra triệu chứng hoặc đợt cấp:
- Kỹ thuật hít không đúng.
- Tuân thủ không tốt.
- Bệnh đồng mắc: lo lắng và trầm cảm, béo phì, giảm hoạt động thể lực, viêm mũi họng mạn tính, tắc nghẽn thanh quản cảm ứng, GERD, COPD, ngưng thở khi ngủ, giãn phế quản, bệnh tim và gù vẹo do loãng xương.
- Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi và yếu tố kích phát như hút thuốc lá, phơi nhiễm với khói thuốc, và dị nguyên mẫn cảm, ô nhiễm không khí, nấm mốc, hóa chất độc hại ...
- Sử dụng SABA thường xuyên hoặc quá mức gây giảm đáp ứng và tăng thêm nhu cầu sử dụng.
- Các vấn đề khó khăn về kinh tế, xã hội: có thể góp phần gây ra tuân thủ điều trị kém.
- Tác dụng phụ của thuốc: có thể góp phần làm giảm sự tuân thủ điều trị.
Để chủ động phòng bệnh, khách hàng có thể tham khảo Gói tầm soát Hen phế quản của bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp:
- Tầm soát phát hiện bệnh sớm để kịp thời kiểm soát và điều trị bệnh
- Thực hiện khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh, đo chức năng hô hấp, khám tai mũi họng và sàng lọc hen phế quản.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Các từ viết tắt: ICS: corticosteroid dạng khí dung, dạng hít xịt; ICU: Intensive Care Unit (Đơn vị chăm sóc tích cực) ; IV: tiêm tĩnh mạch; O2: oxy; LLĐ: lưu lượng thở ra đỉnh; FEV1: thể tích thở ra gắng sức 1 giây đầu; SABA: Short-acting beta-2 Agonist (thuốc đồng vận beta giao cảm tác dụng ngắn); LABA: Long-acting beta-2 Agonist (thuốc đồng vận beta giao cảm tác dụng kéo dài), SAMA: Short acting muscarinic antagonists (thuốc kháng muscarinic tác dụng ngắn).
Tài liệu tham khảo: Quyết định số 1851/QD-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 24/04/2020 về tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản người lớn và trẻ em trên 12 tuổi”; GINA 2019.