Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Xuân Thiên - Bác sĩ cấp cứu - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City
Cấp cứu ban đầu khi bị bỏng đóng vai trò rất quan trọng trong hiệu quả điều trị. Có một số trường hợp bỏng nặng cần phải điều trị chuyên khoa và chăm sóc y tế thời gian dài, thậm chí có những trường hợp đe dọa đến tính mạng do sốc bỏng.
1. Tổng quan
Bỏng là tổn thương mô gây ra bởi tiếp xúc với nhiệt, hóa chất hoặc điện. Bỏng có thể ở mức độ nhẹ nhưng cũng có thể là một cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng.
Cấp cứu và điều trị bỏng phụ thuộc vào vị trí và mức độ của tổn thương. Bỏng do nắng hoặc bỏng nhiệt khác mà tổn thương nhỏ có thể tự xử trí tại nhà. Tuy nhiên, có một số trường hợp bỏng nặng cần phải điều trị chuyên khoa và chăm sóc y tế thời gian dài, thậm chí có những trường hợp đe dọa đến tính mạng do sốc bỏng.
Khi bị bỏng sơ cứu tại nhà đúng cách làm giảm thiểu tổn thương do bỏng, cũng như một phần dự phòng các biến chứng do bỏng.
2. Triệu chứng khi bị bỏng
Triệu chứng của bỏng rất đa dạng tùy thuộc vào độ sâu của tổn thương. Có thể phải mất đến 1 đến 2 ngày để dấu hiệu và triệu chứng của bỏng mới biểu hiện đầy đủ:
- Bỏng độ 1: Tổn thương chỉ ảnh hưởng lớp ngoài cùng của da (thượng bị). Có thể gây đỏ da và đau rát.
- Bỏng độ 2: Tổn thương ảnh hưởng đến cả lớp thượng bị và lớp trung bì. Có thể gây ra phồng và đỏ, trắng hoặc da có đốm đỏ. Có thể tiến triển đến phỏng nước và đau nhiều. Bỏng sâu độ hai có thể gây ra sẹo.
- Bỏng độ 3: Tổn thương đến lớp mỡ dưới da. Vùng bỏng có thể màu đen, nâu hoặc trắng. vùng da nhìn dày lên. Bỏng độ 3 có thể gây tổn thương dây thần kinh gây ra tê bì.
3. Khi nào người bị bỏng cần phải đến khám bác sĩ chuyên khoa?
Bỏng là tai nạn khá thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên bạn cần phải đến khám cơ sở y tế chuyên khoa trong những trường hợp sau:
- Đối với những trường hợp bỏng ở vùng bàn tay, bàn chân, mặt, bẹn, mông, và những khớp lớn hoặc vùng lớn trên cơ thể
- Bỏng sâu, ảnh hưởng đến tất cả các lớp của da hoặc thậm chí mô ở sâu (mỡ, cân mạc, cơ,...)
- Bỏng làm da nhìn như dầy lên
- Bỏng cháy hoặc có mảng đen, nâu hoặc trắng
- Bỏng gây ra bởi hóa chất hoặc điện
- Khó thở hoặc bỏng đường thở
4. Nguyên nhân gây bỏng
Tùy lứa tuổi và môi trường làm việc các nguyên nhân gây bỏng sẽ khác nhau, và được xếp vào các nhóm sau:
- Bỏng nhiệt: Lửa, hơi, chất lỏng nóng; kim loại, thủy tinh hoặc các vật nóng khác
- Bỏng điện
- Bức xạ
- Nhiệt từ mặt trời (tia cực tím)
- Hóa chất như: Chất tẩy rửa, dịch pha sơn hoặc các acid mạnh.
- Do bị bạo hành (gia đình, xã hội, trường học)
5. Biến chứng của bỏng
Những bỏng sâu và rộng có thể gây ra những biến chứng nhất định
- Nhiễm khuẩn, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn
- Mất dịch, bao gồm tất cả thể tích tuần hoàn
- Hạ thân nhiệt
- Ảnh hưởng đến đường thở do hít phải khí hoặc khói nóng
- Tổn thương để lại sẹo
- Các vấn đề về xương khớp, như mô sẹo gây ra co cứng, da cơ và gân cơ.
6. Sơ cứu ban đầu người bị bỏng
- Làm mát vùng tổn thương: Giữ vùng bị bỏng dưới vòi nước mát (không phải nước lạnh) hoặc đắp khăn ướt, mát cho đến khi giảm hoặc mất cảm giác đau rát, tuy nhiên khuyến cáo để dưới vòi nước mát sẽ tốt hơn và có sự trao đổi nhiệt tốt hơn. Không sử dụng đá. Chườm đá trực tiếp vào vùng tổn thương có thể làm tăng thêm các tổn thương khác.
- Bỏ nhẫn hoặc các vòng đeo nhanh, và nhẹ nhàng nhất có thể trước khi vùng bị tổn thương bắt đầu sưng phù lên.
- Không làm vỡ các phỏng nước. Các phỏng nước có vai trò chống nhiễm trùng. Nếu tổn thương phỏng bị vỡ, làm sạch với nước (có thể với ít xà bông). Bôi mỡ kháng sinh, dừng lại nếu xuất hiện các biểu hiện kích ứng hoặc dị ứng thuốc (ban đỏ, ngứa,...)
- Bôi kem dưỡng ẩm: Ngay khi vùng bỏng được làm mát, bôi kem dưỡng ẩm, như các loại kem có chứa nha đam hoặc chất làm ẩm. Điều này làm dưỡng ẩm và giảm khô da.
- Băng vùng bỏng: Che phủ vùng bỏng bằng băng vô trùng, buộc lỏng để tránh tạo áp lực lên vùng da tổn thương. Băng giữ khí kín vùng bỏng, giảm đau và bảo vệ nốt phỏng da.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Trong trường hợp đau nhiều bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như: Paracetamol, Ibuprofen.
7. Phòng ngừa bị bỏng
- Giảm thiểu các nguy cơ có thể gây bỏng ở nhà, nơi làm việc
- Không để những vật nóng trên những vùng ít được chú ý tới
- Lưu ý trẻ nhỏ khi lại gần các khu vực có nguy cơ cao như bếp
- Nên để trẻ nhỏ tránh xa khu vực có nước nóng
- Để các dụng cụ điện tránh xa nước, hoặc phải có vỏ bảo vệ
- Phải kiểm tra nhiệt độ đồ ăn trước khi cho trẻ ăn.
- Không mặc những đồ rộng, lòe xòe khi nấu ăn (dễ bắt lửa)
- Tắt nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng (như bàn là, máy sưởi,...) để tránh xa tầm tay trẻ nhỏ.
- Cần phải che đậy các ổ cắm không sử dụng. Giữ các dây điện ở nơi an toàn để trẻ nhỏ không thể nghịch và đưa lên miệng để nhai.
- Nếu hút thuốc không bao giờ hút thuốc ở những nơi dễ bắt lửa
- Nên có thiết bị phát hiện khói ở sàn ở nhà hoặc nơi làm việc. Kiểm tra khả năng hoạt động thường xuyên.
- Nên có thiết bị chữa cháy trong nhà
- Khi sử dụng hóa chất phải có đồ bảo hộ, và tuân theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Giữ hóa chất, máy lửa, diêm tránh xa tầm tay trẻ nhỏ, sử dụng an toàn, không sử dụng máy lửa như đồ chơi
- Nên lưu ý đề phòng những nguy cơ bỏng bên ngoài, đặc biệt nếu bạn ở nơi có thể tiếp xúc với hóa chất, những chất cực nóng. Cũng như nguy cơ bỏng da khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM