Cao huyết áp thai kỳ thường xuất hiện ở tuần thai nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CK II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tăng huyết áp khi mang thai là bệnh mà sản phụ cần đặc biệt lưu ý vì có thể dẫn đến tiền sản giật, sản giật - một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do đó cần phát hiện sớm và can thiệp phù hợp.

1. Các rối loạn tăng huyết áp khi mang thai

Khi mang thai, phụ nữ có các thay đổi sinh lý về tim mạch. Một số cơ quan như vú và tử cung phát triển lớn hơn, tăng sinh mạch máu nên cần nhiều máu để cung cấp cho bào thai. Thông thường, huyết áp có khuynh hướng giảm khoảng 10-15% nhưng cũng có trường hợp cao huyết áp khi mang thai do các bệnh lý nội khoa hoặc không rõ nguyên nhân.

Chính vì vậy, theo dõi tốt diễn tiến huyết áp trong quá trình mang thai là việc làm cần thiết. Thai phụ nên biết được huyết áp của bản thân trước khi mang thai, và cần thường xuyên đo huyết áp từ giai đoạn sớm của thai kỳ cho đến khi sinh con.

Các rối loạn tăng huyết áp được phân thành 4 nhóm, phản ánh sự khác nhau về căn nguyên cũng như các biến chứng thai kỳ:

  • Tăng huyết áp mãn tính: Có tiền sử bệnh huyết áp cao trước khi mang thai;
  • Tăng huyết áp thai kỳ: Chỉ có tăng huyết áp đơn thuần, xảy ra sau tuần thai thứ 20, huyết áp thường trở về bình thường sau 6 – 8 tuần, chậm nhất là 10 - 12 tuần sau sinh.
  • Tiền sản giật – sản giật: Cũng xuất hiện sau tuần 20, tăng huyết áp kết hợp với phù và có đạm trong nước tiểu, nếu nặng sẽ lên cơn co giật, thậm chí có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và bé.
  • Tăng huyết áp mãn tính ghép thêm với tiền sản giật;

Bà bầu huyết áp bao nhiêu là cao? Áp lực máu được gọi là tăng khi ở mức huyết áp tâm trương >140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm thu > 90mmHg, đây cũng là ngưỡng chung cần điều trị.

2. Tăng huyết áp mãn tính


Phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính nên chủ động theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ
Phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính nên chủ động theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ

Tăng huyết áp mạn được xác định khi tình trạng cao huyết áp:

  • Có mặt trước khi mang thai;
  • Xuất hiện sớm hơn tuần lễ thứ 20 của thai kỳ;
  • Mức huyết áp ở mức 140/90 mmHg trở lên;

Phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính nên chủ động theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ vì có nguy cơ gia tăng các biến chứng liên quan đến tiền sản giật ghép, nhau bong non, thai chậm lớn, sinh non hoặc thai lưu.

Do một số thuốc điều trị tăng huyết áp thường chống chỉ định hoặc hạn chế sử dụng khi mang thai, việc khám tầm soát kết hợp tư vấn tiền sản và xử trí tăng huyết áp mạn dành riêng cho thai phụ là rất cần thiết.

3. Tăng huyết áp thai kỳ

Cao huyết áp thai kỳ được chẩn đoán khi:

  • Tăng huyết áp khởi phát sau tuần thứ 20 của thai kỳ;
  • Không có dấu hiệu gợi ý tiền sản giật;
  • Huyết áp trở lại bình thường trong vòng 3 tháng sau sinh;
  • Nếu tiến triển năng sẽ lên đến mức ≥ 170/110 mmHg;

Trường hợp tăng huyết áp xảy ra sớm vào đầu thai kỳ thường hay nghiêm trọng. Tích cực điều trị tăng huyết áp nhẹ và trung bình sẽ có lợi ích trong việc dự phòng tăng huyết áp nặng, cũng như hiếm gây ảnh hưởng đến biến chứng thai kỳ. Sản phụ bị cao huyết áp khi mang thai cũng nên:

  • Theo dõi đều đặn chỉ số huyết áp;
  • Để ý các dấu hiệu khác của tiền sản giật 1-2 lần mỗi tuần;
  • Làm một số xét nghiệm nếu cần, ví dụ như protein niệu;
  • Chú ý nguy cơ bị tái phát ở lần mang thai tới;

4. Tiền sản giật - sản giật


Có khoảng 25% số phụ nữ bị tăng huyết áp trong thai kỳ sẽ được chẩn đoán là tiền sản giật
Có khoảng 25% số phụ nữ bị tăng huyết áp trong thai kỳ sẽ được chẩn đoán là tiền sản giật

Có khoảng 25% số phụ nữ bị tăng huyết áp trong thai kỳ sẽ được chẩn đoán là tiền sản giật, mặc dù không có các dấu hiệu ban đầu. Tình trạng này xảy ra sau tuần thai thứ 20 và chấm dứt trong vài ngày hoặc vài tuần sau sinh, với các triệu chứng như:

  • Huyết áp tăng cao;
  • Phù nhiều ở chân, tay và mặt;
  • Có đạm trong nước tiểu;

Phù trong tiền sản giật khác với phù sinh lý khi mang thai, sẽ không hết sau một đêm nằm nghỉ ngơi. Tiền sản giật có thể đưa đến biến chứng cấp tính rất nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và thai nhi là sản giật, với các biểu hiện như sau:

  • Lên cơn co giật một hay nhiều lần liên tục;
  • Hôn mê;
  • Nhức đầu, mờ mắt, đau và tri giác thay đổi;

Cơn co giật có thể xảy ra trước sinh, trong khi chuyển dạ hoặc sau sinh 48-72 giờ. Chấm dứt thai kỳ là cách điều trị triệt để đối với tiền sản giật khi sức khoẻ người mẹ quá nguy kịch. Việc xử trí tiền sản giật trước 32 tuần thai kỳ nên được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa bởi đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm.

Tóm lại, tăng huyết áp thai kỳ báo động nhiều nguy cơ rủi ro cho cả mẹ lẫn thai nhi. Theo dõi thường xuyên huyết áp trước và trong khi mang thai là cách phòng ngừa tốt nhất. Nếu không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp khi mang thai thì có thể dẫn đến các tai biến cho mẹ, cũng như suy dinh dưỡng ở con hay nguy hiểm hơn là bé phải ra đời sớm. Gia đình và bản thân thai phụ nên phối hợp tốt với bác sĩ nhằm được can thiệp, điều trị ổn định để đảm bảo sức khỏe an toàn trong suốt thai kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe