Cao huyết áp là triệu chứng thường gặp của bệnh hẹp động mạch thận. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cao huyết áp do hẹp động mạch thận có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tai biến mạch máu não dẫn tới tử vong.
1. Cao huyết áp do hẹp động mạch thận là gì?
Hẹp động mạch thận là tình trạng thu hẹp của một hoặc nhiều động mạch vận chuyển máu tới thận (động mạch thận). Bình thường, thận cần được cung cấp đủ máu để lọc bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa. Khi các động mạch thận bị thu hẹp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng máu giàu oxy tới thận. Lưu lượng máu tới thận giảm làm tăng huyết áp trên toàn bộ cơ thể (huyết áp hệ thống) và gây tổn thương nhu mô thận. Đây chính là tình trạng cao huyết áp do hẹp động mạch thận.
Nguyên nhân tăng áp do hẹp động mạch thận thường do xơ vữa động mạch, xơ cứng động mạch, Fibromuscular dysplasia loạn sản xơ cơ, huyết khối gây tắc động mạch, phình bóc tách động mạch chủ/động mạch thận, viêm động mạch Takayasu, mắc bệnh tim mạch, hẹp động mạch thận sau ghép thận hoặc sau xạ trị,...
2. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh
Bệnh tăng huyết áp do hẹp động mạch thận có tính chất là: Huyết áp tăng cao, khó kiểm soát hoặc không kiểm soát được bằng điều trị nội khoa; khởi phát ở người dưới 30 tuổi; tăng huyết áp nặng và khó kiểm soát sau 55 tuổi; suy giảm chức năng thận; có triệu chứng của hẹp động mạch vành; suy tim tiến triển không rõ nguyên nhân.
Cao huyết áp do hẹp động mạch thận nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là tăng huyết áp ác tính, tăng huyết áp từng cơn, đột ngột và khó kiểm soát, dẫn tới tai biến mạch máu não. Ngoài ra, bệnh nhân hẹp động mạch thận còn có nguy cơ cao gặp biến chứng teo thận, suy thận tiến triển. Những bệnh nhân tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ có tỷ lệ tử vong lên tới 30% và thời gian sống trung bình chỉ 27 tháng.
3. Chẩn đoán cao huyết áp do hẹp động mạch thận
3.1 Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng
Biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân hẹp động mạch thận là tăng huyết áp và suy giảm chức năng thận. Các triệu chứng suy giảm chức năng thận gồm: Tăng hoặc giảm nước tiểu so với bình thường, buồn ngủ hoặc mệt mỏi, phù nề ở chân, ngứa hoặc tê bì, da khô, sụt cân, đau đầu, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn và nôn ói, khó ngủ, khó tập trung, hay bị chuột rút.
3.2 Siêu âm
Trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, siêu âm là phương pháp được ứng dụng rộng rãi để đánh giá hình thái thận và phối hợp với các kỹ thuật hình ảnh khác để đánh giá chức năng, xạ hình đồng vị. Siêu âm cung cấp thông tin về tình trạng động mạch thận có hẹp hay không (kích thước bình thường > 1,5cm).
Siêu âm Doppler màu phối hợp B-mode có khả năng đánh giá hình thái, đo vận tốc dòng chảy và phổ màu, giúp đánh giá mức độ hẹp của động mạch thận khá chính xác. Độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp này xấp xỉ 98%.
3.3 Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính được chỉ định ngay sau siêu âm để đánh giá hình thái, chức năng thận, cung cấp thông tin về tưới máu thận và giúp xác định động mạch thận có hẹp hay không.
Chụp mạch thận cắt lớp vi tính chỉ sử dụng thuốc cản quang tiêm đường tĩnh mạch. Thuốc có nồng độ i-ốt cao sẽ được thải qua động mạch thận, giúp dựng ảnh 3D mạch máu rõ ràng. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, có độ chính xác cao, không cần chụp mạch xâm nhập động mạch qua các catheter, từ đó tránh được các biến chứng do chọc, đồng thời chẩn đoán được thêm các bệnh lý phối hợp khác của thận.
Độ nhạy và độ đặc hiệu của chụp cắt lớp vi tính trong đánh giá hẹp động mạch thận là khoảng 98% và 94%.
3.4 Chụp cộng hưởng từ
Cộng hưởng từ là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm nhập, giúp đánh giá hình thái mạch thận và thông tin về sinh lý của chức năng thận. Phương pháp này có thể đo thể tích thận chính xác và có thể thấy trực tiếp tổn thương mạch, đo lưu lượng dòng chảy, đánh giá mức độ lọc cầu thận GFR và tỷ lệ tưới máu thận. Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) có thể đánh giá được tình trạng hẹp động mạch thận, phình mạch, dị dạng mạch thận.
Tuy nhiên, chụp mạch cộng hưởng từ chỉ đánh giá động mạch thận trong khoảng 3 - 3,5cm tính từ gốc, khó đánh giá ở khoảng cách xa hơn. Độ nhạy của chụp cộng hưởng từ khi chẩn đoán hẹp động mạch thận là 90 - 100% cho đoạn gần, 82% cho đoạn xa và chỉ còn 0% ở trong thận. Độ đặc hiệu của phương pháp chẩn đoán hình ảnh này là 90%.
3.5 Chụp mạch quy ước
Chụp mạch quy ước (conventional arteriography - CA) là phương pháp đánh giá xác định tưới máu thận, áp dụng để kiểm tra lại sau khi siêu âm, chụp CT, MRI động mạch thận.
4. Điều trị cao huyết áp do hẹp động mạch thận
Cao huyết áp là một triệu chứng của hẹp động mạch thận nên để điều trị tình trạng này thì cần phải điều trị triệt để hẹp động mạch thận. Mục tiêu của các phương pháp điều trị là cải thiện huyết áp và ngăn ngừa các biến chứng ở thận. Các phương pháp thường được sử dụng gồm:
- Thay đổi lối sống: Tập thể dục thể thao đều đặn, lựa chọn thực phẩm sạch, nên bỏ thuốc lá, rượu bia để bảo vệ thận và toàn bộ cơ thể;
- Điều trị nội khoa: Sử dụng các thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci,... theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Đặt stent can thiệp mạch: Là bước khởi đầu của can thiệp tối thiểu, nếu không hiệu quả sẽ chuyển sang phẫu thuật. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng lưới kim loại (stent) nong bên trong lòng mạch thận. Sau khi đặt stent xong, dòng máu tưới thận và tình trạng cao huyết áp sẽ được cải thiện;
- Phẫu thuật: Được chỉ định trong các trường hợp hẹp động mạch thận phối hợp với phình động mạch chủ bụng, phình động mạch thận, tắc hoặc vỡ động mạch thận, hẹp nhiều vị trí ở ngoại vi, hẹp thứ phát động mạch thận do thắt, nong mạch không thành công. Có 3 phương pháp phẫu thuật được sử dụng là: Phẫu thuật bypass bắc cầu nối động mạch thận bị hẹp, phẫu thuật tạo hình mạch thận và phẫu thuật cắt thận.
Cao huyết áp do hẹp động mạch thận có thể phòng tránh được nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh gây hẹp động mạch thận và có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ. Khi có triệu chứng cảnh báo bệnh, bệnh nhân nên đi thăm khám ngay để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM:
- Các yếu tố nguy cơ gây hẹp động mạch thận
- Có nên can thiệp điều trị hẹp động mạch thận?
- Can thiệp động mạch thận diễn ra thế nào?