Viêm túi mật đúng như tên gọi là bệnh lý viêm tại túi mật và đa số có liên quan đến sỏi. Người bệnh mắc viêm túi mật do sỏi cần phải nhập viện điều trị với các loại thuốc như giảm đau, kháng sinh hoặc bù dịch đường tĩnh mạch... và hầu hết người bệnh đều đáp ứng với phác đồ điều trị. Tuy nhiên, người bị sỏi mật dễ khiến túi mật bị viêm nhiễm tái phát, khi cần phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật để dự phòng về sau.
1. Giải phẫu, sinh lý túi mật
Mật bản chất là một loại dịch tiêu hóa, được sản xuất ở gan. Dịch mật chứa nhiều thành phần khác nhau, trong đó nổi bật là sắc tố mật, muối mật và cholesterol... Dịch mật sau khi được gan bài tiết sẽ đi theo những ống nhỏ, gọi là ống mật hay đường dẫn mật, sau đó dự trữ tại túi mật hoặc bài tiết trực tiếp xuống ruột non để tiêu hóa thức ăn. Các ống mật nhỏ trong và ngoài gan sẽ hợp lại với nhau để hình thành nên ống mật chính (hay còn gọi là ống mật chủ).
Túi mật là một cấu trúc nhỏ, nằm bên dưới gan, vị trí ở phái bên phải của nửa bụng trên. Vai trò của túi mật là dự trữ dịch mật, sau đó khi chúng ta tiêu thụ thức ăn, túi mật sẽ co bóp để đổ dịch mật vào trong ống mật chủ rồi đổ xuống tá tràng (phần đầu tiên của ruột non tiếp sau với dạ dày). Dịch mật giúp tiêu hóa các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, đặc biệt là chất béo.
2. Viêm túi mật do sỏi là gì?
Rất nhiều người bị sỏi mật với một loại sỏi hình thành do dịch mật lắng đọng, thành phần của sỏi đa số là chất béo (tương tự cholesterol) cô đặc lại và cứng lên. Một số loại sỏi mật khác hình thành do sự lắng đọng của sắc tố mật hoặc canxi.
Chúng ta có thể bị sỏi mật với số lượng khác nhau, có thể từ vài viên đến rất nhiều viên sỏi hoặc đôi khi chỉ hình thành 1 viên sỏi với kích thước lớn. Theo thống kê, có khoảng 1⁄3 số lượng nữ giới và 1⁄6 số lượng nam giới bị sỏi mật với các mức độ khác nhau trong suốt quá trình sống. Tuy nhiên, sự hình thành sỏi mật chủ yếu diễn ra ở những người lớn tuổi.
Thật may khi đa số trường hợp bị sỏi mật không gây bất kỳ triệu chứng nào và chúng ta đôi khi cũng không biết về sự hiện diện của chúng. Hầu hết sỏi mật sẽ tồn tại trong túi mật một cách hòa bình, không gây hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, số ít bệnh nhân bị sỏi mật và gặp các vấn đề sức khỏe khác nhau, trong đó hay gặp nhất là viêm túi mật do sỏi.
Viêm túi mật là thuật ngữ miêu tả tình trạng túi mật bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau và đa số đều do sỏi mật gây nên. Thống kê cho thấy tỷ lệ viêm túi mật do sỏi rất cao, chiếm đến 19/20 trường hợp. Cơ chế bệnh sinh là khi sỏi hình thành và kẹt lại trong ống túi mật (hay cổ túi mật, cấu trúc dẫn mật từ túi mật ra ống mật chủ). Khi đó, dịch mật sẽ bị ứ lại khiến túi mật căng phồng ra dẫn đến tình trạng thành túi mật bị viêm, thậm chí còn bị nhiễm trùng. Đặc biệt viêm túi mật nếu kèm thêm nhiễm trùng sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng.
Chỉ có 1/20 trường hợp viêm túi mật không liên quan đến sỏi. Đồng thời tình trạng viêm và nhiễm trùng túi mật nhóm này cũng khó xác định được nguyên nhân chính xác.
3. Điều trị viêm túi mật do sỏi
Viêm túi mật cấp là bệnh lý cần phải nhập viện để điều trị vừa nội khoa và vừa ngoại khoa.
3.1. Điều trị nội khoa viêm túi mật
Để túi mật tạm thời được nghỉ ngơi, người bệnh tạm thời không ăn hay uống bất cứ thứ gì. Bác sĩ sẽ chỉ định bù dịch, năng lượng và thuốc giảm đau để thuyên giảm các triệu chứng. Với các biện pháp điều trị như vậy, đa số trường hợp người bệnh sẽ thuyên giảm nhanh chóng các triệu chứng của viêm túi mật do sỏi. Nguyên nhân là vì viên sỏi tắc nghẽn thường đã quay trở vào trong lòng túi mật và hiện tượng viêm sẽ biến mất. Những trường hợp nghi ngờ có tình trạng nhiễm trùng túi mật kèm theo, bác sĩ phải chỉ định sử dụng các loại kháng sinh phù hợp theo đường tĩnh mạch.
3.2. Điều trị ngoại khoa viêm túi mật
Viêm túi mật do sỏi đa số đều có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Đây không phải là một loại phẫu thuật cấp cứu, có thể trì hoãn vài ngày kể từ thời điểm nhập viện. Một số người bệnh có thể tạm trì hoãn thời gian lâu hơn để tình trạng viêm túi mật biến mất hoàn toàn. Có nhiều biện pháp phẫu thuật cắt túi mật khác nhau, chỉ định tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có thể bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi: Thường được chỉ định nhiều nhất để cắt bỏ túi mật viêm. Ưu điểm của nội soi là vết mổ nhỏ, hạn chế để lại sẹo trên thành bụng. Phẫu thuật viên sử dụng các ống soi nhỏ, đưa vào ổ bụng qua những vết mổ nhỏ trên thành bụng. Các dụng cụ hiện đại giúp bác sĩ phẫu thuật quan sát rõ túi mật, sau đó cắt bỏ và lấy ra túi mật ra ngoài một cách dễ dàng. Phẫu thuật nội soi viêm túi mật do sỏi có thể áp dụng cho tất cả người bệnh;
- Phẫu thuật hở truyền thống: Một số ít bệnh nhân cần không thể sử dụng mổ nội soi sẽ được phẫu thuật theo cách truyền thống để loại bỏ túi mật.
Viêm túi mật do sỏi hoàn toàn có thể điều trị nội khoa và khả năng phục hồi vẫn rất tốt. Tuy nhiên, do sỏi vẫn tồn tại nên khả năng viêm túi mật tái phát trở lại rất cao. Đó là lý do vì sao bệnh nhân bị viêm túi mật do sỏi nên được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật sau khi điều trị nội khoa.
4. Một số lưu ý sau khi cắt bỏ túi mật
Về mặt sinh lý, sự tồn tại của túi mật là không quan trọng, chúng ta vẫn có thể tiêu hóa thức ăn mà không cần túi mật. Dịch mật vẫn được gan bài tiết, sau đó theo ống mật để xuống thẳng ruột non để tiêu hóa thức ăn. Lúc này dịch mật sẽ không còn nơi nào để dự trữ nữa.
Bệnh nhân vẫn ăn uống, tiêu hóa thức ăn như bình thường sau khi cắt bỏ túi mật. Tuy nhiên, khoảng một nửa số bệnh nhân cắt túi mật sẽ xuất hiện triệu chứng đau hoặc chướng bụng nhẹ, tăng dần theo thời gian. Đặc biệt, các triệu chứng trên thường xuất hiện sau các bữa ăn có nhiều chất béo.
Bên cạnh đó, một số trường hợp sau cắt túi mật thường tăng số lần đi tiêu, tương tự triệu chứng tiêu chảy mức độ nhẹ. Vấn đề này có thể liên quan đến việc gan bài tiết không đủ dịch mật để tiêu hóa chất béo và người bệnh có thể khắc phục dễ dàng bằng các thuốc chống tiêu chảy.
5. Phòng ngừa viêm túi mật
Đa số trường hợp viêm túi mật là do sỏi, do đó có thể giảm nguy cơ viêm túi mật bằng các biện pháp ngăn ngừa sỏi sau đây:
- Không được bỏ bữa: Cố gắng duy trì thói quen ăn uống đều đặn mỗi ngày. Thói quen xấu bỏ bữa làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật;
- Tạo thói quen tập luyện thể dục hằng ngày: Hoạt động thể chất hạn chế nguy cơ xuất hiện sỏi mật, do đó chúng ta nên tạo ra thói quen tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày;
- Duy trì cân nặng lý tưởng: Đối với người thừa cân, béo phì cần phải có chế độ giảm cân thích hợp, từ từ. Không để giảm cân quá nhanh vì khả năng hình thành sỏi mật. Mục tiêu lý tưởng là giảm 0.5 đến khoảng 1kg mỗi tuần.
Viêm túi mật đúng như tên gọi là bệnh lý viêm tại túi mật và đa số có liên quan đến sỏi. Bệnh không gây bất kỳ triệu chứng nào và chúng ta đôi khi cũng không biết về sự hiện diện của chúng. Phòng ngừa bằng cách duy trì lối sống và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục thường xuyên. Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường thì bạn cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.