Cảnh giác trẻ bị hăm da do tiêu chảy

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Nam - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Hăm da do tiêu chảy là một trong những biến chứng ít được các bậc cha mẹ quan tâm. Nếu không chữa trị kịp thời hăm da do tiêu chảy thì vết hăm có thể lan rộng, tiến triển nặng nề hơn và gây ra những biến chứng nguy hiểm khác.

1. Hăm da do tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là bệnh lý tiêu hóa rất thường gặp ở trẻ em, có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng và dễ dẫn đến tử vong ở rất nhiều khu vực, trong đó nhiều nhất là các nước đang phát triển. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên những trường hợp tiêu chảy nặng thường xảy ra đối với những bệnh nhi dưới 2 tuổi. Để điều trị bệnh lý tiêu chảy thì cần kết hợp dùng thuốc, bù dịch, có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Biến chứng mà cha mẹ thường có tâm lý chủ quan đối với bệnh lý này đó là hăm vùng kín do tiêu chảy. Đây là tình trạng vùng da xung quanh hậu môn của trẻ bị viêm tấy, đỏ lên trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, vì vậy cần phát hiện kịp thời để có cách điều trị và chăm sóc vùng da bị hăm đúng phương pháp, tránh tình trạng loét,nhiễm trùng đường tiết niệu, nặng hơn nữalà nhiễm trùng huyết.

Theo nhiều thống kê, tình trạng tiêu chảy gây hăm da thường gặp nhiều hơn đối với trẻ dưới 3 tuổi và trẻ nam dễ bị hơn trẻ gái. Hăm vùng kín do tiêu chảy có nguy cơ cao với những trẻ tiêu chảy nhiều hơn 10 lần trong vòng 24 giờ đồng hồ. Ngoài ra, những trẻ bú bình hoặc cha mẹ dùng tã cho trẻ không đúng cách cũng gây ra hăm da trong thời gian trẻ mắc bệnh tiêu chảy. Vì hậu môn là khu vực ít bộc lộ trực tiếp nên rất khó quan sát và phát hiện sớm tình trạng hăm da do tiêu chảy.

Tiêu chảy gây hăm da thường gặp nhiều hơn đối với trẻ dưới 3 tuổi
Tiêu chảy gây hăm da thường gặp nhiều hơn đối với trẻ dưới 3 tuổi

2. Nguyên nhân gây hăm da do tiêu chảy

Nguyên nhân mà tiêu chảy gây hăm da là do vùng da xung quanh hậu môn của trẻ là vị trí tiếp xúc nhiều với những chất kích thích. Khi trẻ bị tiêu chảy nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì vùng da quanh hậu môn sẽ ở trong tình trạng ẩm ướt với phân và nước tiểu của trẻ. Trong phân và nước tiểu của trẻ có chứa những vi sinh vật, men đường ruột, amoniac là những tác nhân gây kích thích da khiến vùng da này bị hăm, mẩn đỏ, lâu ngày sẽ dẫn đến loét da.

Bên cạnh đó, trẻ em là đối tượng có da mỏng, nhạy cảm, khả năng bảo vệ của da trước những chất gây viêm rất thấp nên tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng hăm vùng kín do tiêu chảy. Đối với trường hợpdùng tã sai cách hay chọn kích thước tã chật quá so với trẻ sẽ khiến vùng da hậu môn bị cọ xát, gây ra hăm da do tiêu chảy.

Một số thể lâm sàng của hăm da do tiêu chảy đó là:

  • Tiêu chảy cấp gây hăm da: Trẻ thường bị hăm da sau 2 – 5 ngày bị tiêu chảy, lúc này vùng da xung quanh hậu môn bị đỏ, loét, chảy nước, mủ hoặc máu. Trẻ thường có cảm giác đau lúc đi đại tiện, quấy khóc nhiều lần trong ngày, bú kém, ít ngủ.
  • Hăm da bội nhiễm: Lúc này vết hăm bị loét, hình thành mủ kèm theo một số biểu hiện toàn thân khác như trẻ số cao, xuất hiện ổ mủ trong thời gian dài.
  • Hăm da lan rộng: Hăm lan sang vùng bẹn 2 bên và bộ phận sinh dục ngoài của trẻ, xuất hiện vết loét, rỉ nước, trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu gây ra một số rối loạn tiểu tiện như tiểu rát, buốt, tiểu khó... kèm dấu hiệu của nhiễm trùng điển hình là sốt.
Hăm da do tiêu chảy là tình trạng xảy ra sau khi trẻ bị tiêu chảy
Hăm da do tiêu chảy là tình trạng xảy ra sau khi trẻ bị tiêu chảy

3. Điều trị hăm da do tiêu chảy

Nếu hăm da do tiêu chảy mức độ nhẹ, chỉ có vết hăm đỏ trong những ngày đầu sau khi hết tiêu chảy thì có thể bôi kem hăm cho trẻ để làm mịn da vùng quanh hậu môn, chống viêm và điều trị đặc hiệu đối với những vết hăm. Một số loại kem trị hăm có thể sử dụng trong giai đoạn này đó là Sudocrem, Bepanthen, Skinbibi... Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý vệ sinh vùng hậu môn thường xuyên, lau khô sau khi trẻ vệ sinh và giữ vùng kín của trẻ luôn được khô thoáng, đặc biệt là trước khi bôi thuốc trị hăm. Thuốc thường cho thấy hiệu quả rõ rệt sau khoảng 1 – 2 ngày dùng thuốc.

Nếu hăm da nặng, tiến triển thành loét thì dùng kem trị hăm da không có tác dụng nữa, lúc này cần dùng những loại thuốc có tính chất diệt khuẩn mạnh để giải quyết được vết loét.

Trường hợp hăm da không đáp ứng với thuốc diệt khuẩn thì cần đưa trẻ đến những bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ khám và chẩn đoán mức độ nặng của bệnh, từ đó có chỉ định thuốc bôi để chống viêm kết hợp với thuốc kháng sinh liều lượng phù hợp.

Hăm da do tiêu chảy là tình trạng xảy ra sau khi trẻ bị tiêu chảy, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiễm khuẩn và những biến chứng nguy hiểm toàn thân khác. Ngay khi nhận thấy trẻ có những triệu chứng bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại những bệnh viện có chuyên môn về da liễu để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe