Trong một số trường hợp, người bệnh cần phải đặt ống thông tiểu và sống cùng với nó trong nhiều ngày. Việc này không những gây ra trở ngại trong đời sống sinh hoạt của bệnh nhân mà còn gây ra nhiều nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu.
1. Nhiễm trùng niệu sau đặt ống thông tiểu
Nhiễm trùng đường niệu sau khi đặt ống thông tiểu là tình trạng nhiễm trùng sau khi được đặt ống thông tiểu. Một bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm trùng đường tiết niệu khi có triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu và kết quả xét nghiệm nước tiểu có lượng vi khuẩn từ 103cfu/mL hoặc có từ 1 loại vi khuẩn được tìm thấy. Nhiễm trùng đường tiết niệu sau khi đặt ống thông là hiện tượng rất phổ biến và có thể phòng tránh được. Tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu do đặt ống thông tiểu lên đến 20%.
Một số loại vi khuẩn làm cho bệnh nhân bị nhiễm trùng tiết niệu khi thường thấy đặt ống thông tiểu là E.coli, trực khuẩn mủ xanh, vi khuẩn gram dương và nấm men.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm trùng đường niệu khi đặt ống thông tiểu
Trong khi đặt ống thông thì vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào bàng quang của bệnh nhân. Kể cả thao tác đặt ống thông được đảm bảo vô trùng thì nguy cơ bị nhiễm trùng đường niệu vẫn có thể tăng từ 3 đến 10% đối với mỗi ngày lưu ống thông, ống thông sau khi đặt được 7 ngày thì nguy cơ bị nhiễm trùng có thể lên tới 10 đến 30%. Hầu hết các bệnh nhân đặt ống thông tiểu có thể sẽ phát triển vi khuẩn gây nhiễm trùng niệu trong vòng 30 ngày sau khi thực hiện thủ thuật.
3. Yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng đường niệu khi đặt ống thông
- Thời gian đặt ống thông càng lâu thì nguy cơ bị nhiễm trùng đường niệu càng cao.
- Bệnh nhân nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường niệu cao hơn gấp 2 lần so với bệnh nhân nam.
- Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị nhiễm trùng đường niệu cao hơn người không có bệnh đái tháo đường.
- Một khi hệ thống dẫn lưu kín bị hở thì nguy cơ bệnh nhân bị nhiễm trùng sẽ cao hơn.
- Nếu quy trình đặt ống thông tiểu không đảm bảo thì nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu cũng cao hơn
- Nếu thao tác thay ống thông tắc quá mạnh tay cũng có thể gây ra những chấn thương và nhiễm trùng cho bệnh nhân
- Nếu bệnh nhân đã có sẵn các tình trạng bệnh lý như viêm của niêm mạc bàng quang , sỏi bàng quang,... cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng
- Khi dùng ống thông tiểu nhưng lượng nước tiểu ít thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao. Hoặc nếu nước tiểu bị ứ đọng thì vi khuẩn cũng dễ dàng phát triển.
- Nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi đặt ống thông tiểu cao hơn đối với những bệnh nhân lớn tuổi.
Đặt ống thông tiểu vô tình đã tạo điều kiện vi khuẩn bám dính và xâm nhập vào cơ thể người bệnh. Các vi sinh vật gây bệnh đường niệu xâm nhập sản xuất polysaccharides tạo nên màng sinh học để có thể trao đổi gen thúc đẩy quá trình kháng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, những vi sinh vật sản xuất urease sẽ thúc đẩy sự phát triển của bao vỏ cứng ống thông điều đó sau cùng có thể gây trở ngại ống thông.
4. Dấu hiệu của nhiễm trùng đường niệu
Nhiễm trùng đường niệu do đặt ống thông tiểu rất ít khi có biểu hiện rõ ràng nhưng thường có cảm giác buồn tiểu và khó chịu ở vùng phía trên xương mu. Mặc dù đây không phải là những triệu chứng chính vì nếu bệnh nhân bị tắc ống thông tiểu hay sỏi bàng quang cũng có những triệu chứng tương tự. Ngoài ra, một số bệnh nhân sẽ có hiện tượng sốt và đau ở vùng hông và lưng, cảm giác chán ăn.
5. Chẩn đoán nhiễm trùng đường niệu
Để xác định một bệnh nhân có bị nhiễm trùng đường niệu khi đặt ống thông tiểu hay không phải dựa trên các kết quả xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu và nuôi cấy nước tiểu. Bệnh nhân nữ sau khi rút ống thông thì nên cấy nước tiểu trong vòng 48 giờ ngay cả khi có hay không có triệu chứng để xác định.
6. Điều trị nhiễm trùng đường niệu
Cũng giống như điều trị các loại nhiễm trùng khác, nhiễm trùng đường niệu có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị.
Đối với trường hợp người bệnh không có triệu chứng hoặc nguy cơ thấp thì có thể không cần phải điều trị. Tuy nhiên, những ca bệnh có triệu chứng thì cần phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh kết hợp các biện pháp hỗ trợ thêm.
7. Phòng ngừa nhiễm trùng đường niệu
- Rút ống dẫn lưu càng sớm càng tốt vì thời gian sử dụng ống thông tiểu có tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Nghiêm chỉnh thực hiện kỹ thuật vô trùng và thực hiện hệ thống dẫn lưu kín.
- Nếu đặt ống thông ngắt quãng thì nguy cơ bị nhiễm trùng ít hơn so với các kỹ thuật khác.
- Đối với những bệnh nhân sử dụng ống thông lưu lâu dài thì không khuyến cáo sử dụng dự phòng bằng kháng sinh.
- Hạn chế đặt ống thông tiểu đối với bệnh nhân nữ và người già. Không đặt nếu không cần thiết.
- Đối với bệnh nhân nam nên sử dụng dạng ống thông bằng cao su.
- Nên dùng ống thông tiểu liên tục thẳng.
Bệnh nhân sau khi đặt ống thông tiểu thì cần được bác sĩ giải thích rõ cơ chế cũng như nguy cơ tiềm ẩn sau đó. Ngoài ra, bệnh nhân và người nhà cũng cần được cung cấp thông tin để tự chăm sóc mình và chăm sóc bệnh nhân để tránh gây ra nhiễm trùng về sau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.