Cảnh giác nếu bị nhìn mờ thoáng qua

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng, Bác sĩ Mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Nhìn mờ thoáng qua, hay mù tạm thời, là hiện tượng mất thị lực ở mắt một cách đột ngột và thường trở lại bình thường trong vài giây hoặc vài phút. Nguyên nhân là do thiếu hụt lượng máu đến giác mạc, biểu hiện cho các vấn đề về tim - mạch, huyết học hoặc tổn thương não cần cảnh giác.

1. Hiện tượng nhìn mờ thoáng qua

Nhìn mờ thoáng qua, hay mù tạm thời, được định nghĩa là hiện tượng mất một phần hoặc toàn bộ tầm nhìn ở 1 hoặc cả 2 mắt. Tình trạng này chỉ “thoáng qua”, nghĩa là sẽ kéo dài trong khoảng vài giây hoặc vài phút, thường không có quy luật rõ ràng và tính liên tục. Bởi vì sự thất thường như vậy, cả những chuyên gia về nhãn khoa hay thần kinh đều cho rằng nhìn mờ thoáng qua có liên quan đến sự cố gián đoạn tuần hoàn tới mắt hoặc não, đôi khi là cả hai.

Các bác sĩ nhãn khoa đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân trình bày rằng thỉnh thoảng lại nhìn thấy mọi thứ không rõ và rất mờ. Tuy nhiên hiện tượng nhìn mờ thoáng qua này chỉ được miêu tả lại qua lời kể của bệnh nhân, hiếm khi phát hiện được những tổn thương thực thể ngay tại lúc khám. Bằng một số câu hỏi chuyên môn, kết hợp với vốn kiến thức về nhãn khoa thần kinh của người thầy thuốc, có thể chẩn đoán được phần nào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thực tế, nhìn mờ thoáng qua hay mù tạm thời có thể chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến thị giác và thậm chí là tính mạng người bệnh.

2. Nguyên nhân nhìn mờ thoáng qua

Tuy nhìn mờ thoáng qua hay mù tạm thời là một hiện tượng khá thường gặp, nhưng truy tìm bản chất lại rất phức tạp. Lý do là bởi vì tình trạng này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân khác nhau, đôi khi người thầy thuốc sẽ không có gợi ý nào để chẩn đoán hoặc mọi thứ đều có thể là nguyên nhân. Các nguyên nhân khả dĩ không thể bỏ qua khi bệnh nhân trình bày về hiện tượng nhìn mờ thoáng qua là:

2.1. Tắc mạch tạm thời

Các nguyên nhân sâu xa gây ra tắc mạch não tạm thời, hay còn gọi là gián đoạn tuần hoàn, có thể do:

  • Các bệnh lý về tim - mạch, như xơ vữa động mạch, bệnh van tim, viêm nội tâm mạc và u nhầy tâm nhĩ;
  • Dòng tuần hoàn bị lẫn các hạt do tiêm chích ma túy, tai biến của tiêm truyền, chụp mạch hoặc can thiệp mạch;
  • Tăng huyết áp hoặc tăng độ nhớt của máu làm ảnh hưởng đến vùng vỏ não đảm trách thị giác thuộc thùy chẩm.

2.2. Hội chứng Migraine

Đây là một hội chứng rất nổi tiếng trong y khoa, thường hay xảy ra ở bệnh nhân nữ trẻ và liên quan đến yếu tố gia đình với một số triệu chứng đặc trưng sau:

  • Đau nửa đầu;
  • Buồn nôn;
  • Giảm thị lực, mù thoáng qua kéo dài khoảng 15 - 20 phút;
  • Bệnh nhân có thể nhìn thấy các đốm sáng, vòng hào quang, hoặc các hình ziczac trong mắt.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến hội chứng Migraine là do viêm hoặc co thắt mạch não dị ứng.


Hội chứng Migraine là nguyên nhân bệnh nhìn mờ thoáng qua
Hội chứng Migraine là nguyên nhân bệnh nhìn mờ thoáng qua

2.3. Tăng áp lực nội sọ

Tăng áp lực nội sọ, tăng áp lực máu hay u não đều có triệu chứng nhìn mờ thoáng qua, do đều ảnh hưởng đến đầu mút thần kinh thị giác. Vì vậy bác sĩ cần khai thác tiền sử bệnh lý thật kỹ càng khi bệnh nhân trình bày về triệu chứng nhìn mờ hoặc mù thoáng qua mà họ đôi lúc gặp phải.

2.4. Thiếu máu

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng rất thường gặp ở nhiều bệnh nhân nữ, đặc biệt là các bé gái độ tuổi dậy thì. Đối với phụ nữ tuổi trung niên, tình trạng thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não, hay các bệnh lý huyết học khác làm tăng khả năng tạo huyết khối cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng nhìn mờ thoáng qua.

2.5. Một số bệnh lý nhãn khoa

Mặc dù chưa được nghiên cứu cụ thể, nhưng một số bệnh lý nhãn khoa có khả năng vừa là nguyên nhân phổ biến gây tắc mạch máu não và mắt, vừa thủ phạm của nhìn mờ thoáng qua từ vài phút đến vài giờ. Chẳng hạn như:

3. Chẩn đoán và điều trị

3.1. Chẩn đoán

Để chẩn đoán những nguyên nhân sâu xa khiến bệnh nhân thỉnh thoảng bị mù thoáng qua, bác sĩ có thể thực hiện những bước kiểm tra như sau:

  • Khai thác bệnh sử và thực hiện khám thần kinh - nhãn khoa;
  • Soi đáy mắt;
  • Siêu âm tim để tìm huyết khối máu và quan sát quá trình dòng máu di chuyển đến não;
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) để có được hình ảnh của mạch máu nhờ năng lượng từ trường và xung sóng vô tuyến;
  • Chụp X-quang mạch máu bằng cách tiêm thuốc cản quang đặc biệt;
  • Chụp CT Scanner sọ và cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện sớm các tổn thương ở não, u nội sọ;
  • Chọc dịch não tủy để phân tích áp lực và tìm kiếm nguyên nhân nhiễm trùng nếu không xác định được khối thương tổn.

Những xét nghiệm hình ảnh như trên có thể giúp bác sĩ tìm ra sự tắc nghẽn và các vùng huyết khối trong mạch máu và tim - nguyên nhân nhìn mờ thoáng qua phổ biến nhất.

3.2. Điều trị

Việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp sẽ phụ thuộc vào:

  • Nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân;
  • Nguồn gốc của khu vực máu đông hoặc các mảng cholesterol làm giảm lưu lượng máu và tắc nghẽn động mạch;
  • Vị trí xuất hiện máu đông, có thể đến từ các động mạch ở đầu, cổ, hoặc tim;
  • Mức độ tắc nghẽn động mạch, nếu hơn 70% đường kính của động mạch cảnh bị tắc nghẽn thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ.

Ngoài phẫu thuật, một số cách kiểm soát hiện tượng mù tạm thời cũng có tác dụng trị bệnh hiệu quả là:

  • Bơm bóng đặt mạch nhân tạo dạng lưới (stent) để giải phóng động mạch bị tắc nghẽn;
  • Sử dụng các loại thuốc như aspirin hoặc thuốc chống đông.

Nhìn mờ thoáng qua có thể do các vấn đề thần kinh hoặc nhãn khoa
Nhìn mờ thoáng qua có thể do các vấn đề thần kinh hoặc nhãn khoa

4. Lời khuyên của bác sĩ

Các chuyên gia nhãn khoa thường khuyến khích mọi người nên khám mắt thường xuyên, nhất là người trên 65 tuổi phải kiểm tra mắt mỗi năm ít nhất một lần. Những người trẻ tuổi hơn và có bệnh lý gây nguy cơ ảnh hưởng đến mắt (ví dụ: Tăng huyết áp, đái tháo đường), cần phải tuân thủ lịch khám mắt định kỳ đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, những thói quen sinh hoạt sau đây có khả năng giúp hạn chế diễn tiến của chứng nhìn mờ thoáng qua hoặc mù tạm thời, chẳng hạn như:

  • Đeo kính râm để bảo vệ mắt khi ra ngoài trời nắng;
  • Đeo kính theo đúng độ của mắt và thường xuyên đi đo kiểm tra lại;
  • Đeo kính bảo hộ khi dùng búa, máy móc hoặc làm những việc có nguy cơ tổn hại đến mắt;
  • Không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia;
  • Giữ cân nặng ở mức vừa phải;
  • Kiểm soát huyết áp và mỡ máu không vượt ngưỡng bình thường;
  • Tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, beta và caroten như: Rau cải xanh, rau bi na, củ quả có màu cam (cà rốt, cà chua),... sẽ giúp chống lại các bệnh thoái hóa mắt, trong đó có đục thủy tinh thể và bệnh võng mạc.

Tuy nhìn mờ thoáng quamù tạm thời có nguy cơ báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, nhưng với thời đại của những tiến bộ y học không ngừng thì có nhiều cách điều trị và can thiệp thích hợp. Do đó tiên lượng sống và chức năng của người bị mù thoáng qua sẽ được cải thiện đáng kể, hiếm khi trở thành nhìn mờ vĩnh viễn. Điều quan trọng là mọi người cần chú ý chăm sóc thể trạng chung của bản thân và đôi mắt nói riêng, đồng thời trình bày với bác sĩ nếu thỉnh thoảng gặp những bất thường về thị giác, trong đó cụ thể là hiện tượng nhìn mờ thoáng quamù tạm thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe