Cảnh giác mọc mụn ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Sau khi chào đời khoảng 1 - 2 tuần, ba mẹ nhận thấy trẻ sơ sinh mọc mụn ở mặt, đầu hoặc chân tay. Có những mụn sẽ tự biến mất sau vài ngày nhưng cũng có trường hợp mụn “cứng đầu” cần sự điều trị của bác sĩ.

1. Trẻ sơ sinh mọc mụn ở mặt có nguy hiểm không?

Làn da là cơ quan có diện tích lớn nhất trong cơ thể con người. Đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên dễ có nguy cơ bị các loại vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

Đặc biệt, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có làn da còn non nớt, nhạy cảm nên sẽ tăng khả năng nhiễm khuẩn hơn. Nhiều trẻ mới sinh đã mọc mụn li ti gây nhiều lo lắng cho ba mẹ. Thông thường, những loại vi khuẩn sẽ bám trên da, lấy nguồn thức ăn, dinh dưỡng từ mồ hôi, bã nhờn và tế bào chết. Khi làn da bị tổn thương, trầy xước, đây sẽ là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập vào trong lớp tế bào da và gây nên mụn nhọt.

Mỗi trường hợp trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện các loại mụn khác nhau. Do đó, để xác định được mức độ nguy hiểm của mụn ở trẻ sơ sinh, chúng ta sẽ xét theo yếu tố nguyên nhân gây mụn. Cụ thể:

1.1. Mụn trứng cá hay còn gọi là mụn sữa

Trẻ sơ sinh bị mọc mụn ở mặt đa phần là do bị mụn sữa. Tình trạng mụn này có thể xuất hiện ngay khi trẻ chào đời hoặc sau sinh khoảng 1 - 2 tuần. Theo bác sĩ Nhi khoa, nguyên nhân gây ra mụn trứng cá ở trẻ là do những hormon mà các bé nhận được từ sữa mẹ.

Các mẹ có thể thấy mụn trứng cá xuất hiện nhiều hơn má, cằm, trán, ngực,... của trẻ. Dấu hiệu nhận biết là các vùng da có mụn sẽ hơi tấy đỏ và cộm da lên. Khi làn da bé bị kích thích bởi sữa mẹ, nước bọt, các mụn sẽ đỏ hơn thấy rõ.

Ba mẹ không nên quá lo lắng về mụn trứng cá ở trẻ em bởi chúng sẽ tự biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị. Trường hợp sau 3 tháng mà mụn sữa vẫn tồn tại, bạn nên đưa bé đi khám da liễu để được kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý, trong thời gian trẻ bị mụn trứng cá không nên nặn bóp mụn. Nên hạn chế tối đa những tổn thương da ở vùng bị mụn để tránh nhiễm trùng. Một số phụ huynh mua thuốc bôi mụn về cho các bé là sai lầm có thể khiến mụn trở nên trầm trọng hơn. Tuy vậy, vẫn cần giữ vệ sinh cho trẻ hàng ngày bằng việc tắm nước ấm và bôi kem dưỡng thể dành riêng cho trẻ sơ sinh.

1.2. Viêm da thể tạng

Trường hợp trẻ bị viêm da thể tạng sẽ ít hơn. Đây là tình trạng trẻ sơ sinh xuất hiện các nốt đỏ ngứa, rỉ nước hoặc kết vẩy, da thường bị khô. Thông thường khi các bé được 3 - 6 tháng tuổi mới mắc viêm da thể tạng.

Các chuyên gia vẫn cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh. Tuy vậy, có nhiều nguyên nhân cho rằng, viêm da thể tạng có thể xuất phát do di truyền. Ngoài ra, việc vệ sinh quá kỹ cho bé khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm là lý do khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và phát triển hơn.

Mụn ở trẻ sơ sinh trong trường hợp này sẽ lâu biến mất hơn. Thông thường, khi trẻ khoảng 3 - 4 tuổi, viêm da thể tạng mới tự biến mất. Để an tâm hơn, phụ huynh có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn.


Bệnh viêm da thể tạng gây mọc mụn ở trẻ sơ sinh
Bệnh viêm da thể tạng gây mọc mụn ở trẻ sơ sinh

1.3. Mề đay

Mề đay là bệnh lý khá nguy hiểm đối với làn da của trẻ. Do đó ba mẹ cần thận trọng khi bé xuất hiện các dấu hiệu của bệnh này. Một số triệu chứng của bệnh như: phát ban da vùng da rộng, ngứa ngáy, nổi mụn,...

Nguyên nhân được xác định khi trẻ bị mề đay là do dị ứng với các protein trong sữa mẹ hoặc sữa công thức.

1.4. Rôm sảy

Trẻ sơ sinh mọc mụn ở mặt đa phần là do tình trạng rôm sảy. Rôm sảy có thể xuất hiện ở má, trán, ngực, lưng, cổ tay,... có thể do cơ thể bé bị nóng nên dẫn đến tình trạng này.

Để khắc phục, ba mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoải mái, có chất liệu nhẹ và thấm hút mồ hôi tốt.

1.5. Sức đề kháng yếu

Trẻ sơ sinh vốn rất nhạy cảm. Nếu trẻ có sức đề kháng tốt, vi khuẩn chỉ có thể gây mụn nhọt nhẹ ngoài da. Nhưng nếu các bé có sức đề kháng lại yếu sẽ rất bị vi khuẩn tấn công. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và gây ra nhiễm trùng máu. Nếu tình trạng này không được theo dõi và điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm phổi.

Ngoài các nguyên nhân trên, các yếu tố dưới đây có thể gây mọc mụn ở trẻ sơ sinh như:

2. Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em

Theo các bác sĩ, việc điều trị mụn nhọt cho trẻ không khó, quan trọng phụ huynh cần nắm rõ các kiến thức về mụn nhọt đó. Trước tiên, khi trẻ bị mọc mụn, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân. Nhiều phụ huynh chủ quan cho rằng do trẻ nóng trong nên bị mụn hoặc tự ý mua thuốc bôi cho bé. Điều này thực tế không giúp ích được gì mà còn khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích của chuyên gia giúp việc chữa mụn ở trẻ sơ sinh hiệu quả hơn:

  • Vệ sinh và lau khô vùng da bị mụn của trẻ bằng nước ấm một cách nhẹ nhàng. Tránh việc cọ xát gây trầy xước.
  • Ba mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi lau vùng da mụn cho trẻ.
  • Luôn có các vật dụng riêng cho bé sơ sinh như: khăn mặt, khăn lau, drap giường,...
  • Không được bôi bất cứ loại kem trị mụn nào cho trẻ khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Không sờ nắn hoặc bóp mụn.
  • Không sử dụng các loại sữa tắm, dầu gội dễ gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé.
  • Lựa chọn các trang phục thoải mái, dễ chịu cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh mọc mụn ở mặt nên được đi khám sớm để chẩn đoán và điều trị
Trẻ sơ sinh mọc mụn ở mặt nên được đi khám sớm để chẩn đoán và điều trị

3. Phương pháp phòng ngừa mụn nhọt ở trẻ em

Để tránh những tổn thương về da cũng như sức khỏe của bé, ba mẹ nên thực hiện một số phương pháp phòng tránh mọc mụn ở trẻ sơ sinh:

3.1. Giữ vệ sinh sạch sẽ

Đây là yếu tố đầu tiên giúp phòng tránh mụn nhọt. Bởi đa số mụn xuất hiện là do vi khuẩn tấn công. Khi cơ thể trẻ được vệ sinh sạch sẽ sẽ ngăn ngừa vi khuẩn. Đồng thời, ba mẹ cũng nên thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn mền cho trẻ.

3.2. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Khi cơ thể được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, chống lại bệnh tật, vi khuẩn.

Do đó, trong 6 tháng đầu đời, các bé cần được ăn sữa mẹ hoàn toàn.

Như vậy, mọc mụn ở trẻ sơ sinh là vấn đề cần được các bậc phụ huynh quan tâm. Từ đó, có thể đưa các các phương pháp điều trị phù hợp để tránh những rủi ro không cần thiết cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe