Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng cả mặt thể chất đến tinh thần. Nhưng liệu căng thẳng có ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa những dưỡng chất trong cơ thể như làm hạ natri máu hay không? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này ở bài viết sau đây.
1. Tác động của sự căng thẳng lên nồng độ natri ở mỗi cá nhân hoàn toàn khác nhau
Natri là một dưỡng chất thiết của cơ thể, nó giúp cơ thể thực hiện các chức năng của mình bằng cách duy trì huyết áp và các chất lỏng ở mức cho phép cũng như hỗ trợ cho các dây thần kinh và cơ bắp thực hiện chức năng của nó.
Cơ thể điều chỉnh nồng độ natri hoặc muối bằng cách giải phóng lượng natri dư thừa trong nước tiểu và kiểm soát lượng nước thải ra. Tuy nhiên, căng thẳng có xu hướng làm tăng lượng natri thải ra trong nước tiểu.
Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cơ thể của một số người cũng có khả năng giữ lại natri sau khi họ trải qua các căng thẳng, mặc dù cơ thể họ vẫn có thể bài tiết natri vào ban đêm và sự bài tiết vào ban đêm này có thể xảy ra nhiều hơn nếu một người bị căng thẳng thường xuyên hơn vào ban ngày.
Do đó, sự tác động của căng thẳng lên nồng độ natri trong cơ thể có thể khác nhau ở mỗi người và vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác định nguyên nhân và các tác động của nó.
Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn tìm thấy tác dụng ngược lại khi họ thực hiện nghiên cứu đối với loài chuột. Kết quả cho rằng nồng độ natri cao có thể ức chế phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng và tăng cường hormone chống căng thẳng.
2. Căng thẳng kéo dài và lo lắng ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Các quá trình diễn ra của cơ thể như lưu trữ và giải phóng natri không phải là tác động duy nhất mà căng thẳng và lo lắng có thể gây ra. Căng thẳng cũng có thể làm cho bạn bị đau đầu, căng cơ và đau bụng đi kèm là những thay đổi về nhịp tim và huyết áp. Đối với một số người bị hen suyễn hoặc lên cơn hoảng loạn thì căng thẳng kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến hô hấp.
Mặc dù những căng thẳng ngắn hạn chỉ thường dẫn đến những thay đổi ngắn hạn đối với cơ thể. Tuy nhiên, những căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến những lo ngại lâu dài đối với các cơ quan quan trọng như tim.
3. Những yếu tố có thể gây ra mức natri thấp
Mức natri thấp thường rất hiếm ở các nước như Hoa Kỳ do họ có chế độ ăn uống vừa phải, đặc biệt là ở người lớn tuổi hơn. Khi nồng độ natri trong máu giảm xuống dưới 135 mEq/L thì tình trạng hạ natri máu sẽ xảy ra. Các triệu chứng điển hình của nó bao gồm:
- Cảm thấy hoang mang.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Đau nhức đầu.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Yếu cơ hoặc co giật.
- Có thể bị co giật và rơi vào trạng thái hôn mê đối với một số người.
Tác động của căng thẳng lên mức natri trong cơ thể vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, các yếu tố y tế và lối sống được coi là những yếu tố là dẫn đến mức natri thấp.
3.1. Nôn mửa hoặc tiêu chảy nặng
Bất cứ thứ gì có thể gây mất nước, chẳng hạn như nôn mửa và tiêu chảy, đều có thể làm giảm nồng độ natri do cơ thể mất muối. Và ngay cả khi cố gắng thay thế những chất lỏng đó bằng nước thì lượng natri trong cơ thể sẽ bị pha loãng.
3.2. Bổ sung quá nhiều chất lỏng
Một điều trái ngược là nếu có quá nhiều chất lỏng bên trong cơ thể cũng có thể dẫn đến mức natri thấp do nước làm loãng natri trong máu và gây ra tình trạng khó khăn cho thận khi bài tiết lượng nước dư thừa.
Điều này có thể xảy ra nếu bạn đang tập thể dục cường độ cao và bổ sung nước quá nhiều hoặc nếu bạn mắc một tình trạng rất hiếm gặp gọi là chứng uống nhiều (polydipsia).
3.3. Tình trạng thận, tim và gan
Một số rối loạn thận, suy tim và xơ gan cũng là những nguyên nhân tiềm ẩn vì chúng có thể khiến cơ thể giữ nước và có xu hướng làm loãng natri trong máu.
Các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Gặp khó để có thể tập trung và khó ngủ.
- Chán ăn.
- Sưng bàn chân và mắt cá chân.
- Da khô.
- Đi tiểu thường xuyên hơn.
Triệu chứng của suy tim bao gồm:
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Khó thở.
- Sưng chân, sưng mắt cá chân hoặc dạ dày.
- Ho dai dẳng.
Xơ gan thường khó xác định ở thời gian đầu do các triệu chứng thường khó xác định, thông thường chỉ nhận ra khi tình trạng bệnh diễn tiến nặng. Nếu bạn nhận thấy mức độ thèm ăn và mệt mỏi của mình bị thay đổi hoặc bạn bị sụt cân, cảm thấy buồn nôn hoặc bị sưng tĩnh mạch thì bạn nên tìm sự hỗ trợ tư bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
3.4. Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu và các loại thuốc khác
Thuốc lợi tiểu có thể là làm tăng lượng natri được đào thải khỏi cơ thể. Nếu bạn có thể trạng dễ bị hạ natri thì nguy cơ bị hạ natri máu khi dùng thuốc lợi tiểu sẽ rất cao. Thuốc chống trầm cảm và một số loại thuốc giảm đau cũng có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh nồng độ natri trong cơ thể.
3.5. Yếu tố nội tiết tố
Hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp (SIADH) làm cho quá trình sản xuất hormone chống lợi tiểu diễn ra ở mức độ cao, dẫn đến chất lỏng tích tụ bên trong cơ thể. Đây là một tình trạng khó nhận thấy từ ban đầu nhưng các triệu chứng có thể có bao gồm:
- Buồn nôn và ói mửa.
- Cảm thấy bồn chồn.
- Thay đổi tính cách.
- Ăn mất ngon.
- Hiện tượng co giật cũng có thể xảy ra.
Bệnh Addison gây ảnh hưởng đến tuyến thượng thận. Đây là tuyến cần thiết để cân bằng natri trong cơ thể. Nếu hoạt động của tuyến giáp không đảm bảo cũng có thể gây ra mức natri thấp. Hãy chú ý nếu bạn nhận thấy mình bị tăng cân và cảm thấy mệt mỏi. Da và tóc khô, cảm lạnh, táo bón cũng là các dấu hiệu phổ biến.
4. Mất bao lâu để phục hồi lại mức natri đã bị thấp?
Thời gian phục hồi phụ thuộc vào những nguyên nhân gây ra mức độ thấp của natri trong cơ thể. Thông thường thì có thể điều trị trong vòng chỉ vài giờ hoặc vài ngày. Nhưng sẽ mất nhiều thời gian nếu cần quản lý một căn bệnh tiềm ẩn trong cơ thể. Mức độ đơn giản hay phức tạp trong quá trình điều trị cũng tùy thuộc vào yếu tố gây nên lượng natri thấp. Nếu hạ natri máu ở mức độ nghiêm trọng thì việc thay thế natri phải được thực hiện dần dần và cẩn thận để tránh chấn thương não.
5. Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện mức độ natri của bạn không?
Nếu natri bị mất do đổ mồ hôi, nôn mửa hoặc tiêu chảy thì việc bổ sung natri qua đồ uống bù nước sẽ có tác dụng hữu hiệu. Đây là cách phổ biến được áp dụng đối với những người tập thể dục nhiều.
Điều cần làm là phải giữ đủ nước - đủ để nước tiểu của bạn có màu vàng nhạt. Hãy nhớ uống đủ nước khi thời tiết nóng ấm hoặc nếu bạn cảm thấy không khỏe. Tất nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều nước cũng có thể làm loãng natri trong máu. Thỉnh thoảng bác sĩ vẫn cho lời khuyên thêm muối từ từ vào chế độ ăn uống trong những trường hợp được chẩn đoán mắc một tình trạng như SIADH.
6. Khi nào bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác?
Nếu bạn có nhiều nguy cơ bị hạ natri máu và bắt đầu có những dấu hiệu như buồn nôn thì hãy tìm kiếm sự hỗ trợ y tế từ các bác sĩ càng sớm càng tốt. Không tỉnh táo, co giật và mất ý thức là những tình trạng sức khỏe cần được chăm sóc khẩn cấp ngay lập tức.
Mặc dù mức natri thấp tương đối hiếm, nhưng nếu bạn cảm thấy có điều gì đó đó không ổn thì hãy liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.