Hiện tượng quầng thâm mắt đã không còn xa lạ với đa số chúng ta. Quầng thâm thường do căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, quá trình lão hóa tự nhiên hoặc di truyền, chế độ ăn uống,...
1. Quầng thâm mắt là gì?
Da dưới mắt là vùng da mỏng manh nhất trên cơ thể. Máu chảy qua các tĩnh mạch nhỏ bên dưới khiến vùng da này có màu xanh phơn phớt. Kết hợp với một số nhân tố khác có thể khiến vùng da này sậm màu đi.
Quầng thâm mắt là hiện tượng vùng da dưới mắt bị sẫm màu, thường xuất hiện sau những đêm thức khuya hoặc sinh hoạt không điều độ. Mắt quầng thâm khiến mọi người trông có vẻ già trước tuổi, mệt mỏi và uể oải hơn. Ở một số người, quầng mắt chỉ hơi thâm và thoáng qua trong vài ngày, số khác bị quầng thâm sẫm màu, tồn tại lâu ngày. Tình trạng này gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của không ít người.
2. Nguyên nhân gây thâm quầng vùng mắt là gì?
Có một số nguyên nhân khiến bạn bị quầng thâm mắt. Đó là:
2.1. Do di truyền
Quầng thâm dưới mắt là một trong những đặc điểm có thể di truyền - quầng thâm mắt bẩm sinh. Nếu bạn có người thân trong gia đình bị quầng thâm dưới mắt thì bạn có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này. Điều này được các nhà khoa học lý giải như sau: Do yếu tố di truyền, vùng da quanh mắt rất mỏng. Khi máu lưu thông qua các tĩnh mạch sát bề mặt da khiến da vùng này có màu xanh. Nếu các tĩnh mạch tập trung tại đây với mật độ dày thì sẽ tạo màu sẫm dưới mắt - quầng thâm.
2.2. Do thiếu ngủ, mất ngủ
Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất cortisol - loại hormone gây căng thẳng. Khi nồng độ cortisol tăng lên thì lượng máu trong cơ thể sẽ tăng theo. Lúc này, các mạch máu buộc phải nở ra để chứa lượng máu dư thừa. Vùng da dưới mắt khá mỏng nên mạch máu dưới da nổi rõ, khiến quầng thâm trở nên rõ ràng hơn.
2.3. Do hút thuốc lá
Thói quen hút lá thuốc có thể tàn phá làn da của bạn, lấy đi những dưỡng chất quan trọng và gây thâm quầng mắt. Nicotine cũng góp phần làm hình thành bọng mắt vì nhiều người có thói quen hút thuốc vào ban đêm, làm gián đoạn giấc ngủ và dẫn đến quầng thâm dưới mắt.
2.4. Do ăn mặn
Ăn nhiều muối khiến cơ thể giữ lại nhiều chất lỏng và tích tụ ở dưới mắt. Tình trạng giữ nước thúc đẩy sự xuất hiện của quầng thâm mắt bởi áp lực từ chất lỏng dư thừa sẽ đẩy các mạch máu nổi gần da hơn, làm màu xanh thẫm của da trở nên rõ ràng hơn. Vì vậy, nếu bị quầng thâm ở mắt do nguyên nhân này thì bạn có thể giảm tiêu thụ natri để có gương mặt sáng, giàu sức sống hơn.
2.5. Do dị ứng, chàm, hen suyễn
Bất cứ yếu tố gì khiến bạn bị ngứa như chàm, hen suyễn,... đều có thể là nguyên nhân gây quầng thâm mắt lâu năm. Ngoài ra, một số loại thức ăn gây dị ứng cho cơ thể cũng có thể làm xuất hiện quầng thâm dưới mắt. Dù chưa gãi hoặc dụi mắt thì vùng da này đã sẫm màu hơn so với bình thường. Nếu bạn dụi mắt thì vùng da dưới mắt càng thâm đen hơn.
2.6. Do mỹ phẩm, dược phẩm
Vùng da quanh mắt mỗi người đều rất mỏng, yếu ớt và nhạy cảm với mỹ phẩm. Nếu bạn sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc da mặt lên vùng da quanh mắt thì có thể khiến da bị khô, yếu, mỏng và thâm lại. Ngoài ra, một số loại thuốc giãn mạch máu mà bạn sử dụng cũng có thể khiến các mạch máu ở vùng da dưới mắt bị giãn nở, dẫn tới quầng thâm ở mắt.
2.7. Do ánh nắng mặt trời
Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là một nguyên nhân khiến các sắc tố melanin dưới da tăng cao. Các sắc tố này tạo ra những đốm đen dưới da (nám). Dưới vùng da quanh mắt, sắc tố melanin có thể tạo ra những mảng màu tối và sẫm màu - quầng thâm.
2.8. Do chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng, uống ít nước, ăn uống thất thường, không điều độ,... cũng là một trong những nguyên nhân khiến vùng da dưới mắt bị sậm màu - quầng thâm dưới mắt.
2.9. Do cơ thể bị suy nhược
Thiếu ngủ, lo âu, căng thẳng tâm lý hoặc mệt mỏi kéo dài là một nguyên nhân khiến da bạn trở nên xanh xao, nhợt nhạt,... Điều này đã tạo điều kiện khiến các mạch máu dưới da nổi rõ hơn, tạo thành mảng màu xanh đen thẫm bên dưới mắt;
2.10. Do tuổi tác
Khi bạn càng lớn tuổi thì vùng da quanh mắt càng có xu hướng mỏng đi, nhiều nếp nhăn hơn và sẫm màu hơn. Đây chính là quy luật tự nhiên của quá trình lão hóa mà chúng ta không thể tránh khỏi.
2.11. Do thai nghén
Khi phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc thai kỳ, do ảnh hưởng bởi sự xáo trộn nội tiết tố mà làn da cũng trở nên xanh xao hơn. Vì vậy, các mạch máu màu xanh sẫm dưới da sẽ nổi rõ hơn, đặc biệt là ở vùng da mỏng dưới mắt - quầng thâm mắt.
2.12. Do các bệnh lý nội khoa
Nếu quầng da dưới mắt thâm đen kéo dài, kết hợp với tình trạng phù thũng, tạo bọng dưới mắt,... thì đây có thể là một dấu hiệu xấu, cảnh báo một số bệnh lý.
Cụ thể, một số bệnh có thể gây thâm quầng mắt là: Suy thận (khiến da dưới mắt trở nên khô, tối màu hơn), bệnh gan (thâm quầng mắt, vàng da), kinh nguyệt không đều (khí huyết lưu thông kém hoặc lượng kinh ra quá nhiều dẫn tới thâm quầng mắt), bệnh dạ dày mãn tính (khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng của dạ dày bị suy giảm, thâm quầng mắt), viêm mũi dị ứng (bệnh nhân liên tục hắt hơi, chảy nước mũi, gây ảnh hưởng tới các tĩnh mạch vùng dưới mắt, xuất hiện thâm quầng mắt), thiếu máu (thiếu oxy nuôi cơ thể, mắt thâm quầng, chóng mặt, mệt mỏi)... Lúc này, bạn nên đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân gây bệnh tim, thận, máu,... nếu có để được điều trị kịp thời.
3. Các cách thoát khỏi quầng thâm mắt
Để trả lại vẻ đẹp cho gương mặt, bạn có thể tạm biệt quầng thâm ở mắt bằng các biện pháp hữu hiệu sau:
3.1 Đắp mắt bằng các nguyên liệu tự nhiên
Một số nguyên liệu tự nhiên, dễ kiếm giúp bạn đẩy lùi tình trạng quầng thâm mắt. Cụ thể:
- Đắp túi trà lên mắt
Đắp túi trà lạnh lên mắt là biện pháp giúp bạn cải thiện tình trạng mắt thâm quầng. Trong trà có chứa caffeine cùng các chất chống oxy hóa có tác dụng kích thích lưu thông máu, thu nhỏ mạch máu, giảm tích nước dưới da. Vì vậy, bạn có thể ngâm 2 túi trà xanh hoặc trà đen trong nước nóng khoảng 5 phút, bỏ vào tủ lạnh khoảng 15 - 20 phút. Khi túi trà đã lạnh, bạn đem đắp túi trà lên mắt trong khoảng 10 - 20 phút rồi rửa mặt bằng nước sạch.
- Chườm lạnh cho mắt
Chườm lạnh là biện pháp giúp giảm sưng bọng mắt và thu nhỏ các mạch máu bị giãn dưới mắt, loại bỏ vết quầng thâm mắt hiệu quả. Bạn có thể cho vài viên đá vào 1 chiếc khăn sạch hoặc ngâm khăn vào nước lạnh rồi chườm lên mắt trong khoảng 20 phút là được.
- Đắp mặt nạ dưa chuột
Những lát dưa chuột có tác dụng dưỡng ẩm cho da nhờ hàm lượng cao vitamin K, giúp giảm quầng thâm và bọng mắt. Ngoài ra, trong dưa chuột còn có các thành phần có tác dụng chống viêm tự nhiên, rất tốt cho da.
3.2 Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da vùng mắt
Bạn có thể sử dụng các loại mỹ phẩm chăm sóc da mắt để tạm biệt thâm quầng mắt. Một số gợi ý là:
- Tẩy trang trước khi đi ngủ: Nếu có thể, bạn nên chăm sóc vùng da mỏng manh quanh mắt thật cẩn thận, luôn tẩy trang trước khi đi ngủ để làm sạch da thật kỹ. Bạn có thể sử dụng 1 miếng bông mềm, thấm nước tẩy trang rồi lau nhẹ nhàng quanh mắt để loại bỏ hết bụi bẩn, lớp mỹ phẩm trang điểm,...
- Dùng kem dưỡng da chứa retinol: Đây là loại kem chuyên dụng giúp xây dựng lớp collagen bên ngoài da, giúp da dày lên và tăng cường sự đàn hồi của da, hạn chế quầng thâm mắt;
- Dùng sản phẩm làm sáng da và kem chống nắng: Các sản phẩm làm sáng da thường chứa vitamin C, acid kojic và chiết xuất cam thảo, làm giảm một số vết thâm (nhờ khả năng ức chế sản xuất melanin - nguyên nhân khiến da sẫm màu). Các chuyên gia cũng khuyên bạn nên thoa kem chống nắng dành riêng cho da mặt để ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa thâm quầng mắt;
- Dùng nước hoa hồng: Nếu thường xuyên bị sưng mắt, có bọng mắt thì bạn có thể lấy một ít bông gòn, ngâm vào nước hoa hồng, đặt bông lên mí mắt rồi thư giãn trong khoảng 15 phút. Để có kết quả tốt thì bạn nên thực hiện việc này hằng ngày trong ít nhất 1 tháng.
3.3 Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi thích hợp
Ăn uống và nghỉ ngơi khoa học là biện pháp giúp ngăn ngừa và điều trị thâm quầng mắt hiệu quả. Bạn có thể tham khảo một số hướng dẫn ngay sau đây:
- Uống đủ nước: Khi cung cấp thiếu nước, cơ thể sẽ thích nghi bằng cách giữ lại nước, đặc biệt là ở vùng da quanh mắt, gây bọng mắt và quầng thâm. Vì vậy, để giảm lượng nước dư thừa trong cơ thể, bạn nên uống đủ nước (khoảng 1,5 - 2 lít nước/ngày);
- Bổ sung vitamin C: Vitamin C giúp ngăn ngừa bọng mắt và quầng thâm mắt, duy trì làn da khỏe mạnh. Những loại trái cây giàu vitamin C mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống của mình là: Ổi, cam, chanh, dứa, cải xoăn, quả mọng, súp lơ, bông cải xanh, cà chua, xoài, đu đủ,...;
- Bổ sung sắt: Sự thiếu hụt sắt có thể gây quầng thâm mắt vì nó gây phá vỡ hemoglobin trong máu, dẫn tới thiếu oxy và làm xuất hiện vết thâm dưới mắt. Bạn có thể bổ sung sắt vào chế độ ăn bằng cách tiêu thụ thịt bò, gia cầm,... Nếu ăn chay hoặc thuần chay thì những thực phẩm bổ sung vitamin B12 cũng có hiệu quả tương tự. Các loại thực phẩm được khuyến nghị gồm: Đậu, đậu Hà Lan, rau bina, mơ, nho khô,...;
- Thức ăn nên hạn chế: Nước ngọt, thực phẩm chế biến công nghiệp, đồ ăn mặn,...;
- Ngủ đủ giấc với gối cao: Ngủ đủ giấc là 1 biện pháp tự nhiên để ngăn ngừa sự xuất hiện của quầng thâm dưới mắt. Vì vậy, bạn nên ngủ từ 7 - 8 tiếng/ngày, nên đi ngủ từ 10 giờ tối hôm trước và thức dậy vào 6 giờ sáng hôm sau. Ngoài ra, đôi khi cách ngủ của bạn cũng có thể gây ảnh hưởng tới tình trạng thâm quầng mắt. Do đó, bạn nên kê 1 chiếc gối sau đầu khi ngủ (ngủ với gối cao trong tư thế nằm ngửa) để ngăn chất lỏng tích tụ dưới mắt, khiến mắt bị sưng và thâm quầng.
Ngoài ra, bạn nên đi khám chuyên khoa mắt để phát hiện các tật khúc xạ và bệnh về mắt; kết hợp khám sức khỏe tổng quát nếu nghi ngờ thâm quầng do bệnh lý nội khoa,... Từ đó, bạn sẽ có hướng xử trí đúng đắn trong từng trường hợp cụ thể.
Quầng thâm mắt không phải là một bệnh lý ngoài da nhưng là một dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề liên quan tới thói quen sống, tuổi tác, sử dụng mỹ phẩm, thuốc hoặc một số bệnh nội khoa,... Khi thấy có biểu hiện mắt bị thâm quầng, bạn nên đi thăm khám để được điều trị sớm, ngăn ngừa bệnh tiến triển tồi tệ hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.