Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Nhiều người vốn luôn tin rằng dùng kem chống nắng là để chống đen da và dùng càng nhiều, hiệu quả càng cao. Tuy nhiên, trên thực tế lại có nhiều trường hợp càng dùng kem chống nắng da càng bị sạm đen, thậm chí có người da còn bị lão hóa sớm như nhăn nheo, lỗ chân lông to hơn, mụn và thậm chí là nguy cơ ung thư da.
1. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng càng chống nắng càng đen
Đầu tiên, bạn cần nhớ rằng kem chống nắng không phải là kem chống đen da hay làm trắng da. Kem chống nắng có tác dụng bảo vệ da khỏi những tổn thương gây ra do ánh nắng, giúp da khỏe và chậm lão hóa.
Những nguyên nhân làm giảm hiệu quả của kem chống nắng thường gặp là:
- Số lượng kem chống nắng được bôi không đủ, không bôi lặp lại sau một thời gian sử dụng.
- Chỉ thoa kem chống nắng trong trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng gắt.
- Chỉ bôi kem chống nắng ở vùng mặt, bỏ qua những vùng khác
- Chỉ dùng kem chống nắng mà không sử dụng thêm các biện pháp che chắn khác như nón, áo khoác, ô dù, mắt kính mát...
- Không tẩy trang hoặc tẩy trang sơ sài vào cuối ngày, tạo điều kiện cho lớp kem chống nắng bám nhiều bụi bẩn, tạp chất khiến da xỉn màu.
2. Kem chống nắng đang dùng đã đủ chuẩn chưa?
Hạn sử dụng: Mỗi lọ kem chống nắng sau khi mở nắp chỉ nên sử dụng trong vòng 6 tháng. Khi vượt quá khoảng thời gian này, kem chống nắng sẽ bị giảm tác dụng một cách đáng kể, dù rằng hạn sử dụng trên thân chai có thể vẫn còn đến tận 1 hoặc 2 năm nữa. Không dùng kem chống nắng đã hết hạn sử dụng hoặc không có ngày hết hạn hoặc đã mua hơn 3 năm.
- Bảo quản kem chống nắng trong tủ mát, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp
- Chọn mua sản phẩm của các hãng có tên tuổi, uy tín, thành phần công bố rõ ràng, mua tại các cửa hàng uy tín để đảm bảo mua được hàng chính hãng. Chớ nên ham rẻ mà mua hàng trôi nổi trên thị trường. Bởi các sản phẩm không rõ nguồn gốc thì không thể bảo đảm về chất lượng cũng như các thành phần chứa trong loại kem đó là gì, có tác dụng chống nắng hay không, thậm chí có thể chứa các hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới làn da của chúng ta.
- Không nên dùng kem chống nắng dạng xịt cho vùng mặt.
- Chỉ số chống nắng: Mức SPF được khuyên nên lựa chọn nhất là từ 15 trở lên. Tuy nhiên, trong trường hợp da mụn hoặc nhạy cảm, chỉ nên chọn chỉ số SPF 15-30 là vừa đủ.
- Chức năng của kem chống nắng: Kem chống nắng thường tích hợp thêm các công dụng khác như làm trắng, che khuyết điểm hoặc làm se lỗ chân lông... Vì vậy tùy vào nhu cầu sử dụng, người dùng hãy chọn cho mình 1 lọ kem chống nắng thích hợp để vừa chống nắng, vừa khắc phục nhược điểm lại vừa đảm bảo được lớp trang điểm mỏng nhẹ cho mùa hè.
3. Thoa kem chống nắng đúng cách hay chưa?
- Để đảm bảo khả năng chống nắng cao nhất, nên kết hợp với các biện pháp chống nắng khác: hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, đội nón rộng vành, mặc quần áo có chất liệu chống nắng, mang kính mát bản rộng chống tia UV. Sau mỗi 2 tiếng thoa kem lại 1 lần nếu vẫn còn phải ở dưới nắng và tiếp xúc tia UV, sau khi xuống nước hoặc đổ mồ hôi nhiều.
- Thoa kem chống nắng cho tất cả vùng da phơi bày dưới tia UV, kể cả các vùng: cổ, lỗ tai, môi, sau gáy, chân tóc, da đầu đối với vùng tóc thưa hoặc hói.
- Trước khi mua sản phẩm, bạn nên test thử bằng cách bôi kem ở 1 vùng nhỏ trên da mặt ít nhất là 48 giờ. Nếu da không bị kích ứng với loại kem đó mới mua về sử dụng.
4. Số lượng kem chống nắng đang sử dụng đã đủ chưa?
Khi thoa lên da, kem chống nắng sẽ trở thành một lớp áo giáp bảo vệ làn da khỏi những tác hại từ ánh nắng mặt trời, ánh sáng xanh và cả những tác hại từ môi trường như bụi bẩn, vi khuẩn... vì thế nếu bôi hời hợt và tiết kiệm, kem chống nắng gần như sẽ chẳng có tác dụng gì.
Thoa đủ lượng kem chống nắng 2mg/cm2 da
Ngoài ra, làn da của mỗi người có khả năng bắt nắng khác nhau, điều này phụ thuộc vào màu da và độ khỏe của da. Hiện có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu da càng trắng thì độ bắt nắng càng cao và dễ bị ảnh hưởng xấu từ tác hại của ánh nắng hoặc ô nhiễm môi trường hơn so với làn da có màu sẫm. Đặc biệt đối với những người đã qua tắm trắng, lột da,... thì bề mặt da bị yếu và dễ bắt nắng hơn người khác. Đối với những người da sáng màu thì nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF cao hơn, từ 35-50.
5. Làm thế nào để dùng kem chống nắng đúng cách?
- Trong quy trình chăm sóc da, kem chống nắng sẽ nằm ở bước cuối cùng, sau các bước thoa kem dưỡng và trước khi bắt đầu trang điểm.
- Dùng kem chống nắng mỗi ngày, kể cả khi làm việc trong văn phòng, ở nhà, khi trời râm mát, trời mưa vì tia UV vẫn có thể chiếu xuyên qua mây, cửa kính, vải màn, quần áo.
- Lưu ý cần dặm lại kem sau 2-3 giờ, nếu hoạt động nhiều, hãy tăng số lượng lần dặm kem để đảm bảo lớp bảo vệ được duy trì liên tục.
- Không có loại kem chống nắng nào có thể bảo vệ chúng ta 100% khỏi ánh nắng mặt trời, vì vậy cần phối hợp thêm các biện pháp tránh nắng và che nắng.
- Hãy bôi lượng kem chống nắng phù hợp, không nên quá mỏng hoặc quá dày
- Chọn lựa kem chống nắng chất lượng, có uy tín, nguồn gốc rõ ràng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.