Trẻ bị viêm tiểu phế quản phổi là bệnh lý hô hấp cấp tính thường gặp trong thời tiết giao mùa có thể dẫn tới những biến chứng nặng nề, thậm chí gây suy hô hấp. Đặc điểm của viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi đó là thở nhanh, ho và khò khè.
1. Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là gì?
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp do tác nhân virus gây ra nhưng có sự tồn tại của tình trạng nhiễm trùng mới xuất hiện. Bệnh thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em, đặc biệt là nhóm dưới 6 tháng tuổi. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do virus hợp bào hô hấp RSV, nếu như quá trình chăm sóc và điều trị bệnh không dứt điểm thì có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn như liên cầu, phế cầu tồn tại trong mũi họng tấn công tiểu phế quản khiến tình trạng bội nhiễm nghiêm trọng hơn.
Các đối tượng nguy cơ của bệnh gồm có:
- Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm thường rơi vào các trường hợp đẻ non <36 tuần, cân nặng khi sinh thấp dưới 2500g;
- Trẻ < 3 tháng;
- Trẻ bị tim bẩm sinh, có tăng áp lực động mạch phổi;
- Trẻ mắc bệnh phổi mãn tính (loạn sản phổi);
- Trẻ suy giảm miễn dịch;
- Trẻ suy dinh dưỡng nặng.
2. Viêm tiểu phế quản bội nhiễm có biểu hiện như thế nào?
Trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm thường khởi đầu với triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên kèm các triệu chứng:
- Ho, sổ mũi, đau rát cổ họng;
- Đôi khi sốt nhẹ;
- Thở nhanh;
- Khò khè, khó thở;
- Lồng ngực căng phồng, không khí phổi giảm, nghe ran.
Các trường hợp nặng trẻ có thể có biểu hiện:
- Khò khè nặng;
- Nôn ói liên tục;
- Thở nhanh, gấp (60 lần/phút);
- Biểu hiện mệt mỏi, ngực lõm khi thở;
- Da tái nhợt;
- Khó khăn khi uống nước.
Các trường hợp bé bị viêm tiểu phế quản tái đi tái lại hoặc nặng có thể dẫn tới các biến chứng khó lượng như:
- Virus hợp bào hô hấp RSV, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa;
- Các biến chứng này thường gặp khi trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non- nhẹ cân, suy dinh dưỡng nặng, bệnh tim phổi hoặc suy giảm miễn dịch.
3. Điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm như thế nào?
Nguyên tắc điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ là cung cấp đủ nước, điện giải, dinh dưỡng và đảm bảo oxy. Một số trường hợp nhẹ trẻ hoàn toàn có thể được điều trị tại nhà như sau:
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia nhỏ bữa ăn, uống nhiều nước để làm loãng đờm, dịu ho;
- Hạ sốt;
- Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý nhằm sát khuẩn;
- Có thể dùng thuốc trị ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ;
- Chú ý các dấu hiệu nặng của trẻ cần phải nhập viện như: Sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, bỏ bú, nôn trớ, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, da tím tái.
Các trường hợp trung bình hoặc nặng thì trẻ cần được điều trị tại bệnh viện như sau:
- Hút đờm dãi để làm thông thoáng đường thở cho trẻ;
- Cho trẻ thở oxy nếu có chỉ định;
- Đảm bảo dinh dưỡng: cung cấp đủ nước, cho đổ thìa sữa mẹ;
- Truyền dịch nếu trẻ không bú được;
- Dùng khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản khi bệnh nhân khò khè, co thắt nhiều;
- Dùng kháng sinh ở những bệnh nhi có bội nhiễm phổi.
4. Phòng tránh viêm tiểu phế quản cho trẻ như thế nào?
Để phòng tránh viêm tiểu phế quản cho trẻ các mẹ cần chú ý ngay từ lúc mang thai với các biện pháp khám thai định kỳ, xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lao động hợp lý để đảm bảo trẻ sinh đủ tháng, đủ cân. Khi trẻ sinh ra có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Cho trẻ bú mẹ cho tới 2 tuổi có thể cung cấp nhiều kháng thể giúp chống lại bệnh;
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng;
- Chú ý dinh dưỡng cho trẻ, ăn dặm đúng cách;
- Cho trẻ mặc đủ ấm trong thời tiết giao mùa dễ chuyển nóng hoặc lạnh đột ngột;
- Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá
- Người chăm sóc trẻ hay tiếp xúc thường xuyên cần rửa tay thường xuyên;
- Tránh trẻ tiếp xúc gần với trẻ bị bệnh và người lớn đang bị viêm đường hô hấp;
- Thường xuyên sát khuẩn mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%.
Trong trường hợp trẻ ho lâu ngày không khỏi hoặc có biểu hiện các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, cha mẹ hãy đưa trẻ đến Bệnh viện để thăm khám, nhận sự hỗ trợ cũng như tư vấn từ các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.