Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm phổi cộng đồng ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện. Thời tiết thất thường, độ ẩm cao là cơ hội để bệnh viêm phổi phát triển. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi là nhóm nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Vì vậy việc phát hiện và điều trị sớm viêm phổi cộng đồng ở trẻ em đóng vai trò vô cùng quan trọng.
1. Viêm phổi cộng đồng ở trẻ em là gì?
1.1. Viêm phổi cộng đồng
Bệnh thường gặp các triệu chứng thở nhanh, đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất.
Theo tiêu chuẩn thở nhanh ở trẻ dưới 5 tuổi của WHO như sau:
- Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi;
- Nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên đối với trẻ 2 tháng - 12 tháng tuổi;
- Nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên đối với trẻ 1 - 5 tuổi.
Cha mẹ hoặc người thân có thể đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ và phải đếm trong 1 phút, muốn có kết quả chính xác thì đếm 2 - 3 lần.
1.2. Viêm phổi rất nặng
Trẻ bị ho hoặc khó thở cộng với ít nhất một trong các triệu chứng chính là: tím tái, co giật, lơ mơ hoặc hôn mê; không uống được hoặc bỏ bú hoặc nôn ra tất cả mọi thứ; suy hô hấp nặng với biểu hiện đầu gật gù theo nhịp thở và co kéo cơ hô hấp phụ.
Ngoài ra, có thể có thêm một số triệu chứng khác gồm: thở nhanh, phập phồng cánh mũi, thở rên, co rút lồng ngực; nghe phổi có thể thấy giảm rì rào phế nang, tiếng thổi ống, ran ẩm nhỏ hạt; tiếng cọ màng phổi.
1.3. Viêm phổi nặng
Trẻ ho hoặc khó thở và có ít nhất một trong các triệu chứng chính là: co rút lồng ngực, phập phồng cánh mũi; thở rên (ở trẻ dưới 2 tháng) và không có các dấu hiệu chính của viêm phổi rất nặng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có thêm một số các triệu chứng khác đã mô tả ở phần viêm phổi rất nặng.
1.4. Viêm phổi không nặng
Trẻ có ho hoặc khó thở và thở nhanh.
- Trẻ dưới 2 tháng: Nhịp thở khoảng 60 lần/phút;
- Trẻ từ 2-12 tháng: Nhịp thở khoảng 50 lần/phút;
- Trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi: Nhịp thở khoảng 40 lần/phút nhưng không có một trong các triệu chứng chính của viêm phổi nặng hoặc rất nặng. Nghe phổi có thể thấy ran ẩm nhỏ hạt.
2. Điều trị viêm phổi cộng đồng ở trẻ em
Việc sử dụng kháng sinh uống an toàn và hiệu quả ngay cả với một số trường hợp nặng. Cần sử dụng kháng sinh tiêm cho các trường hợp viêm phổi nặng có biến chứng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng huyết hoặc không dung nạp (ví dụ nôn) hoặc có vấn đề giảm hấp thu thuốc qua đường uống.
Cụ thể điều trị viêm phổi cộng đồng ở trẻ từng độ tuổi như sau:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi:
Khi mắc bệnh viêm phổi cộng đồng cần điều trị ngay tại cơ sở y tế theo y lệnh BS chuyên khoa, sử dụng benzyl penicillin hoặc ampicillin kết hợp với gentamicin (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch) dùng 1 lần trong ngày. Một đợt dùng từ 5-10 ngày. Trường hợp bệnh nhi viêm phổi rất nặng dùng cefotaxim 100-150mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chia 3 - 4 lần.
- Trẻ mắc từ 2 tháng đến 5 tuổi:
Trường hợp viêm phổi nhẹ nên điều trị ngoại trú theo đơn BS chuyên khoa, có thể sử dụng cotrimoxazol hoặc amoxicillin. Theo dõi sau 2-3 ngày. Nếu đỡ thì tiếp tục điều trị cho đủ từ 5-7 ngày. Nếu không đỡ hoặc nặng thêm sẽ chuyển điều trị như viêm phổi nặng.
- Trẻ 2 tháng đến 5 tuổi nghi ngờ viêm phổi do tụ cầu:
Điều trị bằng oxacillin (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch) kết hợp với gentamicin. Nếu không có oxacillin có thể thay bằng cephalothin (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch) + gentamicin hoặc vancomycin.
- Trẻ trên 5 tuổi:
Điều trị bằng benzyl penicillin, cephalothin hoặc cefuroxim, hoặc ceftriaxone, amoxi/clavulanic hoặc ampicillin/sulbactam; (H. influenzae sinh beta-lactamase cao).
3. Điều trị biến chứng viêm phổi cộng đồng
Nếu bệnh viêm phổi cộng đồng mà điều trị muộn hoặc không đúng cách, hoặc vi khuẩn độc lực quá mạnh có thể gây ra các biến chứng, khi đó việc điều trị sẽ trở nên phức tạp và có nguy cơ tử vong cao. Các biến chứng có thể xảy ra là: tràn dịch, tràn mủ, tràn khí khoang màng phổi; viêm phổi hoại tử, kén khí phổi; hạ Natri máu.
Sau khi điều trị nếu trẻ vẫn sốt và tình trạng chung không tốt lên sau 48 giờ điều trị thì cần phải khám, đánh giá lại, chụp X-quang ngực để phát hiện các biến chứng. Nếu tràn dịch và tràn khí màng phổi ở mức độ ít thì không cần điều trị ngoại khoa mà chỉ cần tiếp tục điều trị kháng sinh. Nếu tràn dịch nhiều và có suy hô hấp cần phải dẫn lưu màng phổi.
Viêm phổi cộng đồng ở trẻ em là một bệnh viêm đường hô hấp dưới nặng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đồng thời, cần có các biện pháp phòng ngừa cơ bản không để bệnh xảy ra như thường xuyên giữ vệ sinh vùng mũi họng. Ngoài ra, có thể dùng các biện pháp phòng bệnh chung làm giảm nguy cơ mắc bệnh như tiêm phòng vaccin: H.influenzae type b (Hib), ho gà, phế cầu, cúm...
Bệnh viêm phế quản cũng như các bệnh về đường hô hấp được khám và điều trị bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm tại bệnh viện Vinmec. Trong đó có Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ,..trước khi là bác sĩ Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.