Cần cho trẻ 1 tuổi vận động như thế nào?

Bài viết của Thạc sĩ Trần Ngọc Ly – Chuyên viên Tâm lý, Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Từ 1 tuổi, khả năng vận động của trẻ thay đổi đáng kể. Dù trẻ 1 tuổi vận động bàn chân hay là vận động bàn tay đều cần được người chăm sóc hỗ trợ, để tự do chuyển động cơ thể, khám phá thế giới xung quanh một cách an toàn, hiệu quả.

1. Trẻ 1 tuổi tự di chuyển trong khả năng của mình

Vận động thô là những vận động của toàn bộ cơ thể có sự tham gia của các nhóm cơ lớn để thực hiện các chức năng hàng ngày. Ví dụ: Đứng, đi, chạy, nhảy, bò, trườn, leo trèo... Khi trẻ ở giai đoạn trẻ 1 tuổi, kỹ năng vận động thô của trẻ sẽ được ghi nhận khi trẻ có thể tự di chuyển bằng sự khỏe mạnh của các nhóm cơ.

Cha mẹ và người chăm sóc cần hướng dẫn để trẻ thực hiện được các hoạt động vận động như:

  • Tập đi vịn theo tường, theo tủ; tập đi bám theo xe đẩy;
  • Tự đi mà không cần người lớn bế nhiều;
  • Tập thay đổi tư thế một cách linh hoạt từ nằm sang ngồi dậy rồi đứng lên;
  • Tập tự đi trong phòng, tập đi ngoài hành lang; đi dạo ngoài vườn; đi dạo xung quanh khu nhà để ngắm mặt trời;
  • Tập nhún nhảy có hỗ trợ; tập leo cầu thang...

Ở thời điểm mới tập đi như thế này, trẻ 1 tuổi vận động còn chưa vững hẳn, hoặc có thể bị mệt. Do đó, cha mẹ và người chăm sóc cần hỗ trợ con bằng cách bế hoặc đẩy xe, nhưng không quá nhiều, tránh tước đi mất nhu cầu được vận động tự do của trẻ 1 tuổi.

Đôi bàn chân của trẻ 1 tuổi nên được chạm xuống sàn, xuống đất để đỡ được trọng lượng cơ thể, tự di chuyển và học cách giữ cơ thể thăng bằng mà không bị ngã, thay vì được bế ẵm hoặc được giúp vượt qua những vận động khó. Ví dụ: Trẻ nên được cho tập đi bằng xe tròn, bằng việc dắt tay khi mà trẻ đủ khả năng. Nếu trẻ có thể bám tủ để với đồ trên cao, thì người lớn nên để đồ vật cao hơn một chút nhưng vẫn cần đảm bảo trẻ có thể lấy được sau 1 – 2 lần kiễng chân để trẻ có cơ hội cố gắng.

2. Trẻ 1 tuổi tiếp xúc với những chất liệu khác nhau

Ngoài ra, chân của trẻ cũng nên được tiếp xúc với những chất liệu khác nhau như giày vải (mềm), cát (sạn), lá khô (ráp), sỏi đá (gồ ghề), nước (mềm mại) ... chứ không chỉ giới hạn ở sàn nhà và dép tập đi. Khi được tiếp xúc với các chất liệu này, trẻ 1 tuổi sẽ học được về đặc tính của sự vật thông qua xúc giác của lòng bàn chân, từ đó sẽ cần có những phản xạ phù hợp với các chất liệu đó.

Bởi vì trẻ 1 tuổi vận động chân càng nhiều, góc nhìn của trẻ về thế giới xung quanh càng đa dạng, trẻ càng được khám phá nhiều sự vật khác nhau ở thế giới bên ngoài. Ví dụ: Khi trẻ nằm sấp, trẻ chỉ nhìn được những thứ ở dưới đất và phía trước mặt. Nhưng khi trẻ lẫy và ngồi được, trẻ có thể nhìn thẳng với phạm vi xa hơn 2m, hoặc nhìn toàn bộ trần nhà nếu trẻ tự di chuyển được. Hoặc khi trẻ được kiễng lên (có những trẻ chưa tự đi, nhưng đã cố gắng kiễng đầu ngón chân thật cao, khi trẻ có chỗ bám), trẻ sẽ nhận được kết quả của sự cố gắng của mình, tận hưởng niềm vui khi đạt được mục đích, là lấy được đồ trẻ thích, hoặc với được những thứ ở trên cao. Việc trẻ được sử dụng đôi chân của mình đi thẳng cũng sẽ kích thích não bộ ghi nhớ những gì trẻ nhìn thấy được, ví dụ những cảnh vật trẻ nhìn thấy trên đường, những người trẻ nhìn thấy, vị trí của những đồ vật trong nhà...

Việc trẻ 1 tuổi tự di chuyển được (bò, đi vịn, tự đi vững mà không cần người lớn bế) còn có thể giúp trẻ nhìn ngắm theo các hướng mà trẻ thích, mà không phải theo hướng mà người lớn chỉ định, hoặc tiến tới những đích mà trẻ muốn (ví dụ như tự chạy về phía mẹ để đòi bế) mà không cần đến người lớn hỗ trợ. Hơn nữa, việc được tự do chuyển động cơ thể cũng là một minh chứng hết sức rõ rệt cho việc trẻ là một em bé độc lập, có thể được tự do di chuyển, tự do khám phá thế giới, tự do thể hiện ý chí của mình.

3. Một số hoạt động vận động thô của trẻ 1 tuổi

Bố mẹ và người chăm sóc có thể tham khảo một số hoạt động giúp tăng cường vận động thô cho trẻ như sau:

  • Tìm bố mẹ khi chơi trốn tìm: Bố mẹ thay đổi chỗ trốn, để trẻ tự bò/tự bám ghế đứng lên, hoặc men theo ghế đi tìm.
  • Kéo các đồ chơi có bánh xe, như là xe đẩy, hộp đồ chơi có bánh và dây kéo
  • Tập leo cầu thang và trượt xuống: Để trẻ tự mình vịn thành lan can đi lên cầu trượt, hoặc trẻ có thể bò bằng 2 tay 2 chân lên các bậc cầu thang với sự hỗ trợ và bảo vệ của bố mẹ ở bên cạnh.
  • Dắt tay cho trẻ tập đi: Bố mẹ đứng đằng sau trẻ hoặc đứng phía trước trẻ, cùng cầm tay và hướng dẫn trẻ tiến lên phía trước. Có thể kết hợp hát hoặc đếm số trong quá trình di chuyển
  • Đi dạo xung quanh nhà, tăng dần về khoảng cách và thời gian
  • Giữ chân trẻ ở tư thế treo ngược khoảng 5- 10 giây, trẻ sẽ tự giơ tay và cong lưng, xuất hiện động tác mang tính tự bảo vệ - lặp lại động tác này 1 – 2 lần
  • Đẩy xe: Đẩy xe gà, đẩy ghế, đẩy thùng (ban đầu hướng dẫn trẻ đẩy xe ở khu vực thoáng, sau đó tạo các chướng ngại vật và hướng dẫn trẻ tránh ra)
  • Xe cáp treo: Treo quả bóng hoặc đồ chơi vào dây và căng dây tạo ra một đường thẳng, sau đó hướng dẫn trẻ đi theo đường thẳng mang đồ về đích.

Với những lý do kỳ diệu của khả năng vận động toàn thân như vậy, trẻ 1 tuổi cần được tự do vận động nhiều nhất trong khả năng của mình, giảm bớt sự bế ẵm của người lớn sẽ dẫn đến trẻ bị phụ thuộc về vận động. Và dù để trẻ được tự di chuyển, nhưng người lớn cũng cần giữ an toàn cho trẻ, để trẻ không bị tổn thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe