Cẩm nang từ A đến Z về viêm gan B

Viêm gan B là một trong những bệnh lý nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ các thông tin về viêm gan B là bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm gan B là bệnh gì?

Viêm gan B là một trong những loại bệnh gan nguy hiểm do virus HBV tấn công vào gan. Nhiều người nhiễm virus này nhưng không có triệu chứng rõ ràng và thậm chí không biết mình đang mắc bệnh. Khoảng 90% trẻ có mẹ mắc viêm gan B sẽ bị lây nhiễm virus. Nếu nhiễm HBV trong vòng sáu tháng hoặc lâu hơn, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh viêm gan B mãn tính.

Viêm gan B do virus siêu vi B (HBV) gây ra.
Viêm gan B do virus siêu vi B (HBV) gây ra.

2. Dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu bệnh viêm gan B có thể nhận biết được bao gồm:

  • Người nhiễm virus siêu vi B mãn tính thường có triệu chứng sốt nhẹ, xuất hiện thất thường vào buổi chiều.
  • Mệt mỏi, chán ăn, không muốn đi lại.
  • Rối loạn tiêu hóa với biểu hiện khó tiêu, phân lỏng hoặc nát. Trong trường hợp ứ mật nặng, phân có thể bị bạc màu.
  • Nước tiểu màu vàng.
Người bệnh thường có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn và không muốn đi lại.
Người bệnh thường có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn và không muốn đi lại.

Bên cạnh các triệu chứng kể trên, một số bệnh nhân còn cảm thấy đau tức vùng gan hoặc xuất hiện vàng da. Trong đó, vàng da là dấu hiệu phổ biến khiến nhiều người nghi ngờ và phải đến cơ sở y tế để khám. Tuy nhiên, ở một số trường hợp không có vàng da, người bệnh nên chú ý đến các triệu chứng khác để thăm khám và điều trị kịp thời.

3. Các con đường lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là bệnh viêm nhiễm lây truyền qua máu hoặc các dịch tiết cơ thể. Dưới đây là các trường hợp lây nhiễm phổ biến:

  • Quan hệ tình dục không an toàn.
  • Tiếp xúc với các vết cắt, vết hở của bệnh nhân nhiễm virus siêu vi B.
  • Lây truyền từ mẹ sang con.
  • Thông qua các dụng cụ y tế, chẳng hạn như kim tiêm và ống tiêm được tái sử dụng hoặc không được tiệt trùng đúng cách.
Trẻ nhỏ sinh ra đã có mẹ mắc bệnh đều nhiễm virus siêu vi B.
Trẻ nhỏ sinh ra đã có mẹ mắc bệnh đều nhiễm virus siêu vi B.

Các vật dụng tiếp xúc với máu có nguy cơ lây lan virus bao gồm dao cạo râu, bông tai, bàn chải đánh răng, cũng như các dụng cụ dùng để xăm mình hoặc xỏ khuyên.

4. Bị viêm gan B có nguy hiểm không?

Viêm gan B là một căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan. Khi chức năng gan bị suy giảm, khả năng đào thải các chất độc hại của cơ thể cũng bị hạn chế, dẫn đến tình trạng chất độc tích tụ ngày càng nhiều. Đây là căn bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao. Nếu bệnh kéo dài trên 6 tháng, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như xơ ganung thư gan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sức khỏe người bệnh sẽ nhanh chóng xấu đi, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

5. Bị viêm gan B có chữa được không?

Việc điều trị viêm gan B phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Đối với viêm gan B cấp tính, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với viêm gan B mạn tính, việc chữa khỏi hoàn toàn rất hiếm khi xảy ra.  

5.1. Điều trị viêm gan B cấp tính

Viêm gan siêu vi B cấp tính (dưới 6 tháng) thường tự khỏi ở hơn 95% trường hợp mà không cần thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, theo dõi và áp dụng biện pháp hỗ trợ. Bệnh nhân cần xét nghiệm thường xuyên để theo dõi mức độ hoạt động của virus. Nếu virus mạnh lên và có nguy cơ thành viêm gan B mãn tính, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị kịp thời.

5.2. Điều trị viêm gan B mãn tính

Mục tiêu điều trị viêm gan B mạn tính là giảm tổn thương gan và ngăn ngừa xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng sẽ phát triển thành xơ gan hay ung thư nếu có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Chi phí, hiệu quả và thời gian điều trị phụ thuộc vào thuốc, khả năng đáp ứng và sự tuân thủ của bệnh nhân. Mặc dù, tỷ lệ chữa khỏi siêu vi B mãn tính thấp nhưng bệnh nhân cần kiên trì trong quá trình điều trị để có hiệu quả tốt nhất.

6. Biện pháp phòng ngừa

Tiêm phòng là phương pháp hàng đầu để phòng ngừa bệnh hiệu quả. Bên cạnh việc tiêm vaccine, chúng ta có thể ngăn ngừa virus siêu vi B bằng cách áp dụng các biện pháp sau:

  • Duy trì quan hệ tình dục an toàn để tránh trao đổi dịch cơ thể qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn.  
  • Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bông tai, bất kỳ dụng cụ nào có thể tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể.  
  • Băng kín ngay các vết cắt hoặc vết bầm để ngăn máu tiếp xúc với môi trường.  
  • Không tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch cơ thể của người khác mà không sử dụng dụng cụ bảo vệ an toàn.  
  • Đảm bảo trẻ sơ sinh có mẹ mắc viêm gan B được tiêm chủng ngay sau sinh và điều trị bằng globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) để cung cấp kháng thể bảo vệ và ngăn ngừa lây nhiễm.  

Viêm gan B là một bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát, điều trị nếu phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Do đó, việc tìm hiểu về viêm gan B chính là bước đầu tiên quan trọng để bảo vệ gan và sức khỏe lâu dài. Ngoài ra, hãy luôn duy trì lối sống lành mạnh, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tiêm phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ