Cảm giác khi bị đau thần kinh

Hiện nay, tỷ lệ những người mắc phải căn bệnh đau thần kinh ngày một gia tăng. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Đau thần kinh là gì?

Thông thường, khi tay bạn chạm quá gần đến ngọn lửa, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu đến não và cho bạn biết cảm giác nóng rát. Tuy nhiên, khi bị đau thần kinh, các dây thần kinh sẽ bị tổn thương và không hoạt động hiệu quả, dẫn đến truyền các tín hiệu sai lệch đến não bộ, khiến bạn bị mất cảm giác đau khi bị chấn thương.

Bệnh đau dây thần kinh ở mỗi người sẽ biểu hiện theo những cách khác nhau. Đối với một số người, bệnh thường xảy ra vào giữa đêm kèm theo cơn đau nhói. Đối với những người khác có thể xuất hiện các triệu chứng như châm chích, ngứa ran hoặc nóng rát suốt cả ngày.

2. Nguyên nhân gây đau thần kinh

Bệnh đau thần kinh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường: hơn một nửa số người mắc bệnh tiểu đường đều gặp phải tình trạng tổn thương thần kinh gây ra đau dây thần kinh.
  • Đau thần kinh ngoại biên: kết quả của lão hóa dẫn đến một số dây thần kinh bị tổn thương.
  • Chấn thương: cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đau thần kinh. Một số chấn thương ở đầu có thể làm căng, kẹt hoặc đứt dây thần kinh.
  • Ung thư: những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư bằng các phương pháp như xạ trị, hóa trị có thể làm tổn thương đến các dây thần kinh.
  • Bệnh tế bào thần kinh cơ: bao gồm các loại bệnh như Lou Gehrig hoặc xơ cứng cột bên teo cơ. Những loại bệnh này lâu dần có thể gây ảnh hưởng và làm tổn thương đến các dây thần kinh.
  • Các bệnh tự miễn: bao gồm hội chứng Guillain-Barré, đa xơ cứng, lupus, nhược cơ hoặc bệnh viêm ruột. Các tình trạng này có thể tấn công các dây thần kinh và gây đau thần kinh.
  • Các căn bệnh truyền nhiễm: bao gồm virus Herpes, bệnh Lyme, viêm gan C hoặc HIV.
  • Sử dụng thuốc hoặc tiếp xúc với các chất độc hại: các loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư và HIV, hoặc tiếp xúc với các chất độc hại cho cơ thể như chì, thủy ngân, thạch tín cũng có thể khiến các dây thần kinh bị tổn thương.

Thiếu các chất dinh dưỡng: khi cơ thể không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là vitamin B12 hoặc vitamin B6 cũng có thể dẫn đến đau thần kinh


Thiếu dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây đau thần kinh
Thiếu dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây đau thần kinh

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau thần kinh

Bệnh đau thần kinh có thể xảy ra đối với mọi lứa tuổi, tuy nhiên một số yếu tố tiềm ẩn có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này, cụ thể là:

  • Giới tính: nữ giới thường có nguy cơ bị đau thần kinh hơn nam giới
  • Người có tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng
  • Có người trong gia đình bị mắc bệnh đau thần kinh
  • Đã bị tổn thương thần kinh từ trước
  • Đặc thù công việc: những người thường xuyên làm công việc chân tay, hoặc việc nặng
  • Thường xuyên chơi các môn thể thao có mức độ va chạm mạnh

4. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau thần kinh

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau thần kinh thường biểu hiện rất đa dạng. Tùy thuộc vào vị trí và loại dây thần kinh bị tổn thương mà các triệu chứng sẽ khác nhau ở mỗi người.

Đau dây thần kinh tự chủ: Sẽ khiến cho các hoạt động của cơ thể không tự chủ được hoặc người bệnh không kiểm soát được, một số triệu chứng bạn có thể thấy khi bị đau thần kinh tự chủ, bao gồm:

  • Cơ thể lâng lâng
  • Chức năng bàng quang bị rối loạn
  • Không cảm nhận được các cơn đau ngực hoặc nhồi máu cơ tim
  • Ra quá ít hoặc quá nhiều mồ hôi
  • Bị táo bón
  • Khô miệng hoặc mắt
  • Rối loạn các chức năng tình dục

Đau dây thần kinh vận động: Ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng kiểm soát các hoạt động vận động của cơ thể. Một số triệu chứng mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy, bao gồm: co giật, teo cơ, yếu cơ, mất cảm giác cân bằng hoặc tê liệt chân tay.

Đau dây thần kinh cảm giác: khiến người bệnh mất nhận thức về đau đớn hoặc các cảm nhận khác. Một số biểu hiện khi dây thần kinh cảm giác bị tổn thương, bao gồm:

  • Cơ thể quá nhạy cảm
  • Gặp phải các chấn thương vô hình (tự làm mình bị thương mà không nhận ra)
  • Có cảm giác châm chích, ngứa ran hoặc nóng rát
  • Mất cảm giác hoặc tê ở đầu ngón tay
  • Các hoạt động như đánh máy, buộc giày hoặc đan lát trở nên khó khăn
  • Cảm thấy buồn tẻ khi chạm ngón tay vào đồ vật xung quanh

Ngoài ra, đau thần kinh còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ của người bệnh, đặc biệt là vào ban đêm, các cơn đau sẽ trở nên khó chịu và dữ dội hơn. Khi bạn chạm lưng xuống đệm giường hoặc nằm xuống cũng có cảm giác đau đớn. Nếu tình trạng đau dây thần kinh xảy ra lâu ngày và làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ; tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu không được điều trị, tổn thương thần kinh sẽ có xu hướng xấu đi theo thời gian. Bệnh thường bắt đầu ở các dây thần kinh xa nhất từ não và tủy sống, sau đó có thể di chuyển đến chân và cánh tay. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị được các tình trạng y tế gây tổn thương thần kinh nếu thay đổi lối sống và có biện pháp chữa trị đúng đắn.


Đau dây thần kinh vận động có thể gây co giật
Đau dây thần kinh vận động có thể gây co giật

5. Điều trị đau thần kinh

5.1. Phương pháp điều trị OTC

Thuốc giảm đau không kê đơn có thể là phương pháp điều trị đầu tiên mà bác sĩ khuyên dùng nhằm làm giảm các triệu chứng đau do tổn thương thần kinh. Chúng bao gồm các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) - chẳng hạn như ibuprofen, hoặc các thuốc giảm đau khác- chẳng hạn như acetaminophen hoặc thuốc theo toa. Các lựa chọn điều trị khác bao gồm kem giảm đau, thuốc mỡ, dầu, gel hoặc thuốc xịt được sử dụng trên da.

5.2. Thuốc theo toa

Hiện nay, có nhiều loại thuốc theo toa có thể giúp giảm đau thần kinh. Bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm hoặc chống động kinh để làm giảm nhẹ các cơn đau do bệnh gây ra.

5.3. Phương pháp điều trị tự nhiên

Ngoài việc sử dụng các loại thuốc giảm đau để điều trị cho đau thần kinh, bệnh nhân có thể lựa chọn các phương pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế để cải thiện các triệu chứng của bệnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, châm cứu có thể làm giảm đau thần kinh. Ngoài ra, trong một số trường hợp nhất định, đau dây thần kinh được gây ra hoặc bị nặng thêm do cơ thể thiếu hụt vitamin B12; vì vậy, bệnh nhân có thể bổ sung thêm loại vitamin này theo đúng liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định.

Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt theo các hướng dẫn điều trị của bác sĩ, bệnh nhân có thể thực hiện một số phương pháp khác để chống lại các cơn đau mãn tính, trong số đó phải kể đến việc thay đổi thói quen sống của bản thân như tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng ở mức hợp lý và cải thiện chế độ ăn uống: ít chất béo, giàu vitamin, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia.

Bệnh đau dây thần kinh có thể để lại nhiều biến chứng bệnh cho người mắc, do đó việc thăm khám và phát hiện bệnh đau dây thần kinh rất quan trọng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe