Cạm bẫy: Các nhiễu ảnh thường thấy trên siêu âm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Siêu âm là xét nghiệm được chỉ định phổ biến, hoạt động bằng cách ứng dụng sóng âm tần số cao để thăm dò các bộ phận của cơ thể. Tuy nhiên tương tự các xét nghiệm khác, siêu âm vẫn có khả năng gặp phải nhiễu ảnh làm sai lệch kết quả. Vậy nhiễu ảnh trong chẩn đoán hình ảnh siêu âm là gì?

1. Nhiễu ảnh là gì?

Nhiễu ảnh trong siêu âm là hình ảnh không có thật hoặc không phù hợp với các cơ quan trong cơ thể. Nhiễu ảnh có thể làm che lấp một tổn thương thật, dẫn đến sai lầm, đánh giá sai các đặc điểm như vị trí, mức độ phản âm, kích thước hoặc hình dạng của tổn thương. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhiễu ảnh trong siêu âm cũng có hại. Một số trường hợp nhiễu ảnh lại giúp chẩn đoán chính xác hơn. Ví dụ nếu một cấu trúc bình thường nếu có dịch thì nhiễu ảnh siêu âm sẽ có hiện tượng tăng âm sau 1 cấu trúc hồi âm trống hoặc kém. Một ví dụ khác là nếu có bóng lưng sau cấu trúc hồi âm dày sẽ gợi ý đó có thể là đốm vôi, sỏi, xương hoặc khí.

Do đó, để nhiễu ảnh trong chẩn đoán hình ảnh siêu âm không gây sai sót trong chẩn đoán thì người siêu âm cần nắm rõ những đặc điểm của cạm bẫy ảnh giả và những biến thể bình thường của nó.

2. Các nhiễu ảnh trong siêu âm do tương tác giữa mô và sóng âm

2.1. Hình ảnh tăng âm phía sau

Nhiễu ảnh tăng âm phía sau xuất hiện do cấu trúc cần quan sát có độ trở kháng âm nhỏ hơn độ trở kháng âm của môi trường phía sau. Điều này dẫn đến sóng siêu âm truyền qua tiêu hao năng lượng ít hơn và sóng phản âm quay về sẽ có biên độ cao hơn.

Nhiễu ảnh này có đặc điểm là hình ảnh phía sau cấu trúc sáng hơn (màu trắng hơn), gặp ở các bộ phần như nang gan, lách, thận, buồng trứng...

Nhiễu ảnh trong siêu âm này có thể giúp chẩn đoán tổn thương đó có bản chất là dịch nhưng một số trường hợp lại làm lu mờ hoặc đánh giá sai tổn thương phía sau như trường hợp có dịch báng ổ bụng.

2.2. Nhiễu ảnh giảm âm phía sau

Nhiễu ảnh trong siêu âm loại này xuất hiện do sóng siêu âm khi đi xuyên qua các cấu trúc nằm sâu trong cơ thể bị yếu đi do các hiện tượng phản xạ, khúc xạ, hấp thụ, khuếch tán sóng âm... Giảm âm phía sau thường xảy ra khi siêu âm một cấu trúc đặc, hay gặp khi cấu trúc cần khảo sát là khối u hơn là khối viêm nhiễm.


Nhiễu ảnh trong siêu âm là hình ảnh không có thật hoặc không phù hợp với các cơ quan trong cơ thể
Nhiễu ảnh trong siêu âm là hình ảnh không có thật hoặc không phù hợp với các cơ quan trong cơ thể

2.3. Nhiễu ảnh trong siêu âm dạng bóng lưng

Bóng lưng là một dải xám, màu tối hơn môi trường xung quanh, thường gặp bóng lưng khi siêu âm một cấu trúc có độ hồi âm dày như sỏi, xương, đốm vôi hóa...

Nhiễu ảnh trong siêu âm dạng bóng lưng xuất hiện khi sóng âm tiếp xúc với các cấu trúc trên sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, dẫn đến sóng phản âm trở về có biên độ thấp hơn biên độ của các cấu trúc ở cùng độ sâu đó của môi trường xung quanh. Đặc biệt, một dạng nhiễu ảnh trên siêu âm xuất hiện sau một bóng khí thay đổi theo thời gian với hai bờ không sắc nét thì gọi là bóng lưng dơ.

2.4. Hiện tượng dội lại nhiều lần

Hiện tượng này xảy ra khi sóng siêu âm đi vào môi trường có hệ số phản xạ lớn sẽ tạo sóng phản âm có biên độ lớn quay lại đầu dò. Lúc này ghi nhận hình ảnh một vạch hồi âm dày trên màn hình. Sau đó, sóng phản âm này tiếp tục quay trở lại môi trường có hệ số phản xạ lớn này và tạo sóng hồi âm lần nữa và tạo hình ảnh vạch hồi âm dày thứ 2 nằm song song với vạch thứ 1.

Nhiễu ảnh trong siêu âm loại này sẽ lặp lại nhiều lần và tạo nhiều vạch phản âm dày song song nhau cho đến khi năng lượng sóng hồi âm bị triệt tiêu hoàn toàn. Hiện tượng này hay gặp khi siêu âm các cấu trúc có hồi âm rất dày như ống dẫn lưu, khí, lớp mỡ thành bụng...

2.5. Nhiễu ảnh hình đuôi sao chổi

Nhiễu ảnh trong siêu âm dạng đuôi sao chổi xuất hiện trong trường hợp siêu âm một cấu trúc có 2 mặt phân cách phản xạ rất mạnh nằm gần nhau. Ví dụ như sỏi cholesterol, sỏi chứa khí bên trong, 2 mặt kim loại nằm gần nhau của vòng tránh thai...

Cơ chế gây nhiễu ảnh này là khi sóng hồi âm phản xạ liên tiếp trên bề mặt các cấu trúc trên và tạo hình ảnh là những đường ngang trắng đen song song, xen kẽ nhau và nhỏ dần giống như "đuôi sao chổi’’.


Sự tương tác giữa mô và sóng âm là nguyên nhân gây nhiễu ảnh trong siêu âm
Sự tương tác giữa mô và sóng âm là nguyên nhân gây nhiễu ảnh trong siêu âm

2.6. Hình ảnh soi gương

Cơ chế gây nhiễu ảnh trong chẩn đoán hình ảnh siêu âm dạng này có 2 đặc điểm:

  • Cấu trúc cần siêu âm có 1 mặt cong với phản âm mạnh
  • Sóng siêu âm phản xạ 2 lần trên mặt cong đó.

Một ví dụ cụ thể là khi siêu âm một bướu máu trong gan, do vị trí gan nằm gần vòm hoành nên tạo nhiễu ảnh là một cấu trúc tương tự đối xứng qua cơ hoành. Tuy nhiên thực chất là do hiện tượng dội lại hai lần trên mặt cong vòm hoành khiến đầu dò ghi nhận một bóng thứ hai nằm đối diện bên kia vòm hoành.

2.7. Nhiễu ảnh trong siêu âm do hiện tượng khúc xạ

Hiện tượng nảy xảy ra khi sóng siêu âm không thẳng góc với mặt ngăn cách của cấu trúc cần khảo sát. Ví dụ cụ thể là do hai cơ thẳng bụng đối xứng nhau sẽ làm 2 chùm tia từ 2 chấn tử của đầu dò thẳng hội tụ nhau tại một cấu trúc nào đó như động mạch chủ bụng hoặc tử cung. Kết quả là tạo nhiễu ảnh là hai bóng động mạch chủ, tử cung đôi hoặc đôi khi là 2 túi thai đối xứng nhau qua đường giữa.

2.8. Nhiễu ảnh do chùm tia phụ - Hiệu ứng thùy bên

Một đầu dò siêu âm ngoài việc phát ra một chùm tia siêu âm chính với trục của tia trùng với trục đầu dò còn mà phát ra các chùm tia phụ với trục lệch góc với chùm tia chính (gọi là thùy bên). Tuy năng lượng của chùm tia phụ thấp hơn rất nhiều tia chính nhưng vẫn có thể tạo phản âm khi tiếp xúc mặt phân cách phản âm mạnh (như thành bàng quang tiếp xúc với trực tràng).

Kết quả là hình ảnh thu được có 2 đường hồi âm nằm đối xứng trong lòng bàng quang giống như cặn, khi thay đổi hướng quét sẽ mất nhiễu ảnh trong siêu âm này.

3. Nhiễu âm do dụng cụ

3.1. Nhiễu âm từ thiết bị lân cận

Linh kiện điện tử tạo ra xung điện với biên độ thấp, được khuếch đại lên, tạo ra các vệt sáng rải rác từng hồi, rõ nhất ở phần sâu.

3.2. Hiệu ứng nổ

Do mặt phản âm mạnh giữa da và đầu dò hay gain vùng gần quá lớn

4. Nhiễu ảnh trong siêu âm do sai sót kỹ thuật

  • Điều chỉnh máy không phù hợp: Việc điều chỉnh các thông số kỹ thuật sai có thể tạo ra sóng phản âm mạnh ở cấu trúc nông, phản âm yếu ở cấu trúc sâu và ngược lại. Ngoài ra, sai sót kỹ thuật có thể tạo các sang thương bề mặt dạng giả nang hay lu mờ tổn thương do sóng phản âm quá mạnh.
  • Cài đặt độ tương phản, độ sáng không đúng làm bỏ sót các tổn thương nhỏ.
  • Đặt đầu dò không áp sát da có thể làm mất một số phần của hình ảnh tổn thương.

Điều chỉnh máy không phù hợp cũng có thể gây ra nhiễu ảnh trong siêu âm
Điều chỉnh máy không phù hợp cũng có thể gây ra nhiễu ảnh trong siêu âm

5. Nhiễu ảnh trong siêu âm do chuyển động

Một số động tác có thể làm sai sót kết quả, tạo nhiễu ảnh như:

  • Thở mạnh;
  • Động tác quét đầu dò quá nhanh;
  • Sử dụng lực tay đè ép lên da bệnh nhân quá mạnh hoặc không đủ lực.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe