Thuốc chống đông kháng Vitamin K (VKA) là nhóm thuốc chống đông máu được sử dụng phổ biến nhất trong số các thuốc chống đông đường uống. Để tránh quá liều thuốc chống đông, việc sử dụng các thuốc này đòi hỏi sự giám sát nghiêm ngặt của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh.
1. Các nguy cơ khi quá liều thuốc chống đông
Thuốc kháng vitamin K (VKA - Vitamin K antagonist) là 1 loại thuốc chống đông máu đường uống có tác dụng ngăn chặn chu trình đông máu gián tiếp bằng cách cạnh tranh với vitamin K. Các thuốc này sẽ được hấp thu qua niêm mạc ruột, ức chế epoxyd reductase, enzym tham gia vào hoạt động của vitamin K và ngăn ngừa quá trình tổng hợp ở gan của một số tiền tố đông máu phụ thuộc vitamin K (yếu tố II, VII, IX và X).
Thuốc chống đông VKA có 2 nhóm chính:
- Dẫn xuất Coumarin bao gồm các thuốc: Warfarin, Phenprocoumon, Acenocoumarol, Ethylbiscoumacetate;
- Dẫn xuất Indanedion: Thuốc Fluindion, Phenindione.
Tuy nhiên, hiện nay các thuốc dẫn xuất Indanedion hầu như không còn được lưu hành do có nhiều phản ứng phụ không liên quan với tác dụng chống đông (ví dụ: giảm bạch cầu hạt, suy gan, suy thận cấp, suy tủy do cơ chế miễn dịch - dị ứng).
Tại các Trung tâm tim mạch của Việt Nam, thuốc chống đông kháng vitamin K được sử dụng chủ yếu hiện nay là thuốc Warfarin và Acenocoumarol, tuy nhiên thuốc Acenocoumarol được dùng phổ biến hơn
2. Các nguy cơ khi quá liều thuốc chống đông kháng vitamin K
Khi dùng quá liều thuốc chống đông, người bệnh có thể gặp phải các tình trạng sau:
Chảy máu nhẹ:
- Chảy máu lợi khi đánh răng;
- Dễ xuất hiện bầm tím trên da;
- Thỉnh thoảng chảy máu mũi;
- Chảy máu lâu khó cầm sau khi bị đứt da nhẹ;
- Kinh nguyệt kéo dài.
Chảy máu nặng:
- Chảy máu lợi, chảy máu mũi thường xuyên;
- Bầm tím mà không rõ nguyên nhân;
- Nôn, ho ra máu;
- Phân có màu đỏ hoặc màu đen như bã cà phê;
- Nước tiểu màu đỏ hồng hoặc nâu đậm;
- Nhức đầu hoặc đau bụng nhiều;
- Chảy máu nặng khi bị ngã hoặc chấn thương.
3. Cách xử trí quá liều thuốc chống đông VKA
Khi xảy ra biến chứng chảy máu do dùng quá liều thuốc chống đông, dưới đây là các bước cần thực hiện:
- Bước 1: Tìm vị trí chảy máu, thực hiện cầm máu tại chỗ nếu thuận lợi;
- Bước 2: Ngừng ngay thuốc chống đông đang dùng, xác định lại thời gian và liều dùng cuối cùng;
- Bước 3: Sử dụng chất trung hòa hoặc đối kháng (nếu có);
- Bước 4: Điều trị hỗ trợ bằng cách bù khối lượng tuần hoàn, truyền chế phẩm máu nếu có chỉ định.
Đối với những bệnh nhân không triệu chứng, cần xét nghiệm chỉ số INR trong huyết thanh để đánh giá mức độ hình thành huyết khối. Từ đó có phương án điều trị tương ứng:
Chỉ số INR mục tiêu 2-3 | Chỉ số INR mục tiêu >3 | |
Chỉ số INR < 4 |
Không cần ngưng thuốc Không cần bổ sung vitamin K |
|
4 ≤ INR ≤ 6 |
Ngưng 1 liều uống thuốc Không cần bổ sung vitamin K |
Không cần ngưng thuốc Không cần bổ sung vitamin K |
6 ≤ INR ≤ 10 |
Tạm dừng điều trị Uống Vitamin K (1-2mg) |
Ngưng 1 liều uống thuốc Uống Vitamin K (1-2mg) với hỏi ý kiến bác sĩ |
Chỉ số INR ≥ 10 |
Tham khảo ý kiến chuyên khoa Cho bệnh nhân nhập viện |
Đối với những bệnh nhân có triệu chứng xuất huyết, cần thực hiện xử lý theo hướng dẫn sau:
Các tiêu chuẩn đánh giá nặng | |
Tiêu chuẩn 1: Không kiểm soát được với những phương tiện thông thường. Tiêu chuẩn 2: Huyết động bất ổn: Huyết áp tâm thu < 90mmHg hoặc giảm ≥ 40 mmHg so với huyết áp bình thường hoặc Huyết áp tâm trương < 65 mmHg hoặc có dấu hiệu của sốc. Tiêu chuẩn 3: Có chỉ định can thiệp cấp cứu: nội soi, truyền máu, phẫu thuật. Tiêu chuẩn 4: Vị trí xuất huyết ảnh hưởng đến sống còn: đầu – sọ, cột sống, khớp, hốc mắt, tràn máu màng phổi – sau phúc mạc – màng ngoài tim, tụ máu sâu trong cơ, xuất huyết tiêu hóa cấp. |
|
Nếu có ≥ 1 tiêu chuẩn nặng | Không có tiêu chuẩn nặng nào |
Test nhanh INR Thông báo nhân viên cấp cứu về điều trị VKA để chuẩn bị trước phức hợp prothrombin đậm đặc, vitamin K dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch |
Test nhanh INR Nếu INR vượt quá mục tiêu: Xử trí như quá liều VKA không triệu chứng. Tìm hiểu nguyên nhân Theo dõi sát và thường xuyên đánh giá lâm sàng |
3. Các lưu ý khi sử dụng lại thuốc chống đông kháng vitamin K
Để phòng tránh những biến chứng có thể xảy ra, người bệnh tham khảo các lưu ý khi sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K:
- Uống thuốc đúng, đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Luôn mang theo: Sổ theo dõi điều trị, phiếu xác định nhóm máu (nếu có)
- Chủ động thông báo cho các bác sĩ đồng điều trị về việc đang sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K;
- Tránh các thực phẩm chứa hàm lượng vitamin K cao;
- Tránh các hoạt động dễ gây thương tích, chấn thương như chơi các môn thể thao đối kháng, sử dụng các dụng cụ sắc nhọn như dao, khoan, đinh,...
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc mới hay thực hiện phẫu thuật, thủ thuật;
- Theo dõi và thông báo cho bác sĩ khi thấy các dấu hiệu xuất huyết như nổi mảng bầm tím, chảy máu niêm mạc mũi-miệng, có lẫn máu trong phân, nước tiểu, cơ thể mệt mỏi xanh xao gợi ý tình trạng chảy máu ẩn, đau đầu dữ dội, yếu liệt tay chân, méo miệng gợi ý chảy máu não,...
- Theo dõi và thông báo sớm các dấu hiệu dị ứng thuốc như ngứa ngáy, nổi ban, phù môi-mắt, phù khu trú...
Hy vọng những thông tin trong bài viết giúp bạn hiểu rõ hơn về cách xử lý khi quá liều thuốc chống đông. Theo đó, để đảm bảo sức khỏe người bệnh nên nhờ tới sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.