Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu dùng để đo nồng độ ethanol, chủ yếu được sử dụng trong trường hợp kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe khi tham gia giao thông hoặc người bệnh đang thực hiện các biện pháp điều trị kiêng rượu bia.
1. Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là gì?
Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu được thực hiện nhằm đo cồn trong máu (ethanol). Máy đo nồng độ cồn thường được sử dụng trong kiểm tra nhanh nồng độ cồn của người lái xe. Tuy nhiên, kết quả đo của nó không chính xác bằng việc đo nồng độ cồn trong máu.
Ethanol là thành phần chính có trong đồ uống có cồn như rượu, bia. Khi đồ uống có cồn được uống vào, nó sẽ được hấp thụ vào máu và được phân giải tại gan. Mỗi giờ, gan chỉ xử lý một lượng tương đương với 354ml bia, 148ml rượu vang hoặc 44ml rượu whisky.
Nếu uống rượu bia nhanh hơn mức gan có thể xử lý sẽ gây ra cảm giác say. Chúng bao gồm các thay đổi về hành vi và suy giảm khả năng phán đoán. Tác động của rượu có thể khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào tuổi tác, cân nặng, lượng thức ăn trước khi uống cùng một số yếu tố khác.
2. Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu để làm gì?
Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu có thể được sử dụng với các mục đích sau:
- Kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người tham gia giao thông: Tại Mỹ, nồng độ cồn trong máu ở ngưỡng giới hạn là 0.08% đối với người từ 21 tuổi trở lên. Người dưới 21 tuổi có sử dụng cồn không được tham gia giao thông.
- Kiểm tra nồng độ cồn trong máu tại cộng đồng.
- Kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người bệnh được chỉ định kiêng uống rượu trong thời gian thực hiện các liệu pháp điều trị.
- Kiểm tra nồng độ cồn trong máu ở người bị ngộ độc rượu. Tình trạng có thể gây đe dọa tính mạng nếu nồng độ cồn tăng lên ngưỡng rất cao.
Thanh thiếu niên có ngưỡng cồn thấp hơn nên dễ bị ngộ độc rượu hơn người lớn. Mặc dù mức tăng nồng độ cồn trong máu là khác nhau ở mỗi người nhưng uống rượu bia thường chỉ nên giới hạn ở mức 4 ly với phụ nữ và 5 ly với nam giới trong khoảng thời gian 2 giờ.
Trẻ nhỏ có thể bị ngộ độc rượu khi uống các sản phẩm có chứa cồn như nước súc miệng, nước rửa tay và một số loại thuốc cảm.
3. Tại sao cần làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu?
Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu có thể được chỉ định nếu bạn bị nghi lái xe trong tình trạng say rượu hoặc có các biểu hiện của say rượu như:
- Khó giữ thăng bằng
- Nói lắp
- Phản xạ chậm
- Buồn nôn và nôn
- Tính khí thất thường
- Giảm khả năng phán đoán
Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu còn được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu với các triệu chứng:
- Trạng thái mơ hồ
- Thở không đều
- Co giật
- Thân nhiệt thấp
4. Điều gì xảy ra khi xét nghiệm nồng độ cồn trong máu?
Điều dưỡng viên sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay bằng kim tiêm. Sau khi lấy đủ, máu sẽ được đổ vào ống nghiệm và đưa đến phòng xét nghiệm để phân tích. Khi kim tiêm đâm vào, bạn có thể có cảm giác đau nhẹ. Quá trình lấy máu thường mất dưới 5 phút.
5. Cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu?
Bạn không cần chuẩn bị đặc biệt cho xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
6. Có rủi ro gì trong khi làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu?
Có rất ít rủi ro khi xét nghiệm máu. Bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại chỗ lấy máu, nhưng hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng.
7. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là gì?
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu có thể được cung cấp theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả phần trăm nồng độ cồn trong máu (BAC) với mô tả sau:
- Tỉnh táo: 0% BAC
- Say rượu trong phạm vi cho phép: 0.08% BAC
- Rất kém: 0,8 – 0,4% BAC. Ở mức nồng độ này, bạn sẽ có biểu hiện khó khăn khi đi lại và nói. Ngoài ra, bạn còn có thể bị lú lẫn, buồn nôn và buồn ngủ.
- Có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng: Trên 40% BAC, nồng độ cồn này có thể làm tăng nguy cơ hôn mê hoặc tử vong.
Thời gian làm xét nghiệm có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả. Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu chỉ chính xác trong vòng 6-12 giờ sau lần uống rượu cuối cùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medlineplus.gov