Cách tránh các chất gây dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm là tình trạng khá phổ biến và có thể gặp thường xuyên trong cuộc sống. Bài viết này sẽ nói về các mẹo để sống chung với dị ứng thực phẩm và tầm quan trọng của các biện pháp phòng tránh dị ứng thực phẩm.

1. Dị ứng thực phẩm là gì?

Những người bị dị ứng thực phẩm có thể có các phản ứng nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng sau khi tiêu thụ một số loại thực phẩm. Chiến lược quan trọng nhất trong việc kiểm soát dị ứng thực phẩm là tránh ăn những thực phẩm này.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng biết được thực phẩm đóng gói hoặc các món ăn tại nhà hàng có chứa chất gây dị ứng hay không. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết cách điều trị phản ứng dị ứng nếu xảy ra.

2. Làm thế nào để tránh các chất gây dị ứng thực phẩm?

Những người bị dị ứng thực phẩm thường được yêu cầu tránh hoàn toàn thực phẩm đó. Tuy nhiên, bạn thường rất khó để làm điều này trong cuộc sống thực. Do đó, bất kỳ ai bị dị ứng thực phẩm đều phải chuẩn bị để điều trị phản ứng dị ứng không mong muốn bất cứ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nói chung, những người bị dị ứng thực phẩm phải tuyệt đối tránh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì có chứa một lượng nhỏ chất gây dị ứng thực phẩm. Thông thường, không thể biết lượng chất gây dị ứng sẽ kích hoạt phản ứng dị ứng. Một số người chỉ phản ứng với thực phẩm mà họ bị dị ứng nếu họ uống rượu, dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS như aspirin hoặc ibuprofen), hoặc tập thể dục ngay sau khi ăn thực phẩm đó. Điều này có thể được kiểm soát bằng cách tránh "tác nhân kích thích" (ví dụ: Rượu, thuốc hoặc tập thể dục) trong một khoảng thời gian, thường ít nhất là vài giờ, sau khi tiêu thụ thực phẩm. Một số người có phản ứng liên quan đến tập thể dục cũng cần tránh tập thể dục trước khi ăn các loại thực phẩm cụ thể. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có bất kỳ tác nhân nào trong số những tác nhân này, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.

Trong một số trường hợp, một người có thể ăn thực phẩm một cách an toàn khi nó đã được nấu chín chứ không phải ở dạng thô.

3. Ăn, chạm và hít phải chất gây dị ứng

Hầu hết những người bị dị ứng thực phẩm đều phản ứng sau khi ăn một loại thực phẩm. Chỉ cần chạm vào thức ăn cũng có thể dẫn đến các phản ứng cục bộ trên da như nổi mề đay. Tuy nhiên, điều này không có khả năng gây ra phản ứng nghiêm trọng ở hầu hết những người bị dị ứng thực phẩm.

Thực phẩm có mùi cũng không có khả năng gây ra phản ứng nghiêm trọng. Ví dụ, mùi của bơ đậu phộng có liên quan đến các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Mùi của bơ đậu phộng không liên quan đến các hạt bơ đậu phộng trong không khí, vì vậy nó không có khả năng gây ra phản ứng dị ứng.

Tuy nhiên, hít phải các hạt thức ăn nhỏ (do hấp, luộc, chiên, bào, xé vụn hoặc xay) có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm cao. Vì vậy, những người rất nhạy cảm nên tránh các trường hợp có thể hít phải thực phẩm có dạng khí dung. Mặc dù protein đậu phộng không dễ dàng bay vào không khí từ bơ đậu phộng nhưng nó có ở bột đậu phộng hoặc đậu phộng rang "bụi". Tương tự, chạm vào thực phẩm gây dị ứng và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của bạn có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Một số người có thể chịu đựng được chất gây dị ứng nếu nó được nấu hoặc nướng. Điều này thường thấy nhất với sữa/ bơ sữa, trứng, trái cây và rau. Sự dung nạp thường được xác định thông qua "thử thách đồ ăn" có kiểm soát, tức là người bệnh được cho ăn thức ăn nướng với liều lượng tăng dần trong một cơ sở y tế có giám sát. Nếu bạn hoặc con bạn đã thành công vượt qua thử thách này, những sản phẩm nấu chín và/ hoặc nướng này nên được đưa vào chế độ ăn uống và tiêu thụ thường xuyên.


Dị ứng thực phẩm thường thấy nhất là dị ứng với đậu phộng
Dị ứng thực phẩm thường thấy nhất là dị ứng với đậu phộng

4. Quy định về dán nhãn thực phẩm gây dị ứng

Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Dán nhãn Dị ứng Thực phẩm quy định nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm phải xác định rõ ràng tám nguồn gây dị ứng thực phẩm cụ thể (sữa, trứng, cá, động vật có vỏ giáp xác, hạt cây, đậu phộng, lúa mì và đậu nành). Ngoài ra, đối với các loại hạt cây, động vật có vỏ giáp xác và cá, loại cụ thể (ví dụ: Quả óc chó hoặc hạt điều, tôm hoặc tôm hùm, cá ngừ hoặc cá hồi,...) phải được ghi nhãn.

Luật này áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm đóng gói được sản xuất tại Hoa Kỳ và cả các loại thực phẩm được nhập khẩu để bán tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, luật này không áp dụng cho các sản phẩm thịt, gia cầm hoặc trứng tươi đóng gói. Cập nhật luật này đã có trên trang web của Trung tâm An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng Ứng dụng, một chi nhánh của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ.

Các chất gây dị ứng tiềm ẩn ngoài "tám chất hàng đầu" được liệt kê ở trên vẫn có thể được liệt kê trên nhãn thực phẩm với tên không rõ ràng (ví dụ: Tỏi hoặc vừng có thể được liệt kê như một loại gia vị, hương vị tự nhiên hoặc thậm chí là hương vị nhân tạo). Nếu nhãn không rõ ràng, hãy gọi cho nhà sản xuất để làm rõ các thành phần.

Đồ uống có cồn cũng có thể chứa chất gây dị ứng. Tuy nhiên, luật dán nhãn hiện không áp dụng cho các loại đồ uống này. Những người bị dị ứng thực phẩm nên gọi cho nhà sản xuất nếu có thắc mắc về thành phần.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải hiểu rằng thực phẩm "thay thế", được sử dụng để loại bỏ chất béo hoặc các thành phần khác của thực phẩm, có thể không loại bỏ các protein gây dị ứng. Ví dụ, một số sản phẩm thay thế trứng (có hàm lượng cholesterol thấp hơn) vẫn chứa protein trong lòng trắng trứng.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp thực phẩm nhất định là một trong những hậu quả của đại dịch coronavirus 2019 (COVID-19). Vào tháng 5 năm 2020, FDA Hoa Kỳ đã ban hành một thay đổi chính sách tạm thời về ghi nhãn thực phẩm, tạo sự linh hoạt cho các nhà sản xuất trong việc thay thế thành phần trong thời gian thiếu hụt. Mặc dù chính sách không được đưa vào các chất gây dị ứng chính chưa được tiết lộ nhưng có thể một số thay thế này có thể đồng nghĩa với việc giới thiệu các thành phần không nằm trong các yêu cầu ghi nhãn "top 8".

Nhà sản xuất có thể sử dụng một số cụm từ nhất định khi một chất gây dị ứng cụ thể không phải là một thành phần gây dị ứng ​​nhưng thành phần đó có thể tiếp xúc với các thành phần gây dị ứng trong quá trình sản xuất. Ví dụ, một chiếc bánh nướng xốp việt quất có thể không chứa các loại hạt nhưng có thể được làm trong một tiệm bánh có chứa các hạt gây dị ứng. Nhà sản xuất có thể sử dụng các cụm từ như "có thể chứa", "được chế biến trong một cơ sở với...", "được sản xuất trên thiết bị dùng chung với...". Mặc dù không có luật nào quy định điều này nhưng đây là điều nên làm.

Việc ghi nhãn khuyến cáo có thể giúp giảm nguy cơ bị phản ứng dị ứng nhưng cũng có thể làm giảm đáng kể các lựa chọn thực phẩm dành cho những người bị dị ứng thực phẩm.

5. Mẹo tránh thực phẩm gây dị ứng

Chuẩn bị bữa ăn tại nhà

Một số gia đình tránh mang thực phẩm gây dị ứng vào nhà nếu một người bị dị ứng. Các gia đình khác giữ thức ăn trong nhà nhưng cẩn thận để tránh tiếp xúc chéo. Việc tránh tiếp xúc chéo đòi hỏi phải làm sạch hoàn toàn dụng cụ nấu ăn, dụng cụ nấu nướng, đồ thủy tinh, đồ đựng và các vật liệu chế biến thực phẩm khác được sử dụng cho chất gây dị ứng thực phẩm trước khi vật dụng đó được sử dụng để chế biến hoặc phục vụ các món ăn khác.

Tất cả các thành viên trong gia đình, bao gồm cả trẻ em, phải cẩn thận nếu các thực phẩm gây dị ứng được mang vào nhà. Ví dụ, nếu một đứa trẻ sử dụng một con dao để chế biến bánh mì bơ đậu phộng và thạch, trẻ có thể đưa chất gây dị ứng đậu phộng vào thạch và sau đó gây ra phản ứng ở anh/ chị/ em bị dị ứng với đậu phộng khi ăn thạch.

Các mẹo khác để chuẩn bị bữa ăn tại nhà bao gồm chuẩn bị các món ăn an toàn trước, đậy kín các hộp đựng thức ăn để tránh bị đổ và dùng các hộp đựng thức ăn riêng khác chỉ dành cho người bị dị ứng.


Để tránh dị ứng thực phẩm bạn nên tự chuẩn bị đồ ăn tại nhà
Để tránh dị ứng thực phẩm bạn nên tự chuẩn bị đồ ăn tại nhà

Vệ sinh

Rửa sạch các dụng cụ bảo quản thực phẩm và bát đĩa trong máy rửa bát hoặc rửa tay bằng nước nóng và xà phòng rửa bát dạng lỏng đủ để loại bỏ các chất gây dị ứng thực phẩm.

Mặt bàn và các bề mặt khác có thể được làm sạch bằng chất tẩy rửa gia dụng hoặc khăn lau thương mại. Xà phòng dạng thanh hoặc nước có thể loại bỏ chất gây dị ứng đậu phộng khỏi tay người lớn. Phương pháp làm sạch này cũng có thể phù hợp với các chất gây dị ứng khác.

Đi du lịch và ăn uống

Ăn uống ở ngoài có thể là một thách thức đối với những người bị dị ứng thực phẩm. Bạn có thể thông báo với đầu bếp những loại thực phẩm mình bị dị ứng để họ chuẩn bị cho bạn một bữa ăn an toàn. Nên tránh các loại đồ ăn mà bạn hoặc đầu bếp/phục vụ không rõ có chứa chất gây dị ứng hay không. Bạn cũng nên tránh ăn đồ ăn ở các quầy ăn nhanh vì rất có khả năng bị dị ứng chéo.

Các loại hạt đôi khi được phục vụ trên máy bay, làm tăng nguy cơ phản ứng dị ứng. Ngoài ra, các du khách khác cũng có thể tự mang đồ ăn lên máy bay. Nếu bạn đi cùng trẻ nhỏ bị dị ứng thực phẩm, hãy dọn dẹp bàn khay và kiểm tra khu vực chỗ ngồi để tìm các loại thực phẩm mà con bạn có thể tìm thấy và ăn. Một số hãng hàng không cung cấp đồ ăn gây dị ứng (chẳng hạn như đậu phộng).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: uptodate.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe