Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Ninh - Bác sĩ cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chảy máu có thể bị bên ngoài cơ thể, cũng có thể bị bên trong cơ thể (còn gọi là xuất huyết nội). Chảy máu có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm tính mạng nếu không được kiểm soát.
Chảy máu nghiêm trọng có thể xảy ra khi mạch máu lớn bị đứt hay bị rách. Khi điều này xảy ra thì người đó có thể bị mất một lượng máu lớn chỉ trong vài phút. Chảy máu nhỏ xảy ra khi do vết cắt nhỏ. Hầu hết các vết thương chảy máu sẽ ngưng chảy khi được đè ép. Điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh vì nhiều người trở nên hoảng loạn khi nhìn thấy vết thương chảy máu.
1. Đè ép và băng ép để cầm máu
- Đè ép: Dùng gạc, khăn - vải sạch đè trực tiếp vào vết thương để cầm máu
- Băng: Dùng băng vải hay băng thun để bảo vệ hay quấn quanh phần cơ thể bị tổn thương. Việc dùng băng này cũng có thể giúp giữ áp lực đè ép lên vết thương
Khi cần, bạn có thể đặt vài miếng gạc lên vết thương và dùng băng để giúp đè ép miếng gạc.
2. Khi nào cần gọi cấp cứu vì vết thương chảy máu
Gọi hoặc nhờ ai đó gọi cấp cứu nếu:
- Thấy chảy máu nhiều
- Bạn không thể cầm máu
- Bạn thấy có dấu hiệu sốc
- Bạn nghi ngờ có chấn thương đầu, cổ, cột sống
- Bạn không biết phải làm cái gì
3. Các bước kiểm soát chảy máu bằng đè ép trực tiếp và băng
- Đảm bảo hiện trường an toàn
- Gọi người đi lấy túi sơ cứu
- Mang đồ bảo hộ cá nhân (găng tay, kính bảo hộ)
- Nếu có thể, nói người bị nạn đè trực tiếp vào vết thương trong khi bạn đang mang dụng cụ bảo hộ cá nhân
- Lấy gạc đè ép từ túi sơ cứu. Đặt vài miếng gạc lên vùng chảy máu và đè ép trực tiếp lên miếng gạc. Sử dụng phần phẳng của các ngón tay hay lòng bàn tay của bạn để đè ép (hình 2). Nếu không có gạc, bạn có thể dùng tay đã đeo găng đè ép trực tiếp lên vết thương
- Nếu vẫn còn chảy máu, bạn cần đặt thêm gạc vào vùng chảy máu và đè mạnh hơn. Chú ý không lấy ra những miếng gạc đã được đặt vào vì việc đó có thể làm chảy máu nhiều hơn. Giữ áp lực đè trên vết thương đến khi vết thương ngưng chảy máu
- Khi vết thương đã ngưng chảy máu hay khi mà bạn không thể tiếp tục đè ép lên vết thương. Bạn hãy dùng miếng băng để quấn lên trên miếng gạc dùng đè ép, quấn chắc chắn để giữ miếng gạc nằm đúng vị trí
- Với những vết thương nhỏ, bạn có thể rửa vết thương bằng nước và xà bông. Sau đó, dùng gạc đè ép vết thương
4. Sử dụng garo
Nếu tay hoặc chân có vết thương chảy máu nghiêm trọng và bạn không thể cầm máu bằng đè ép, bạn có thể sử dụng garo. Bạn nên gọi hỗ trợ cấp cứu (ví dụ như gọi 115) và lấy máy sốc điện tự động (AED) (nếu có sẵn) vì vết thương chảy máu không được kiểm soát có thể gây ra những biến chứng khác.
Túi sơ cứu nên có sẵn garo. Garo gồm 1 dây đai để quấn quanh vùng tay, chân có vết thương và 1 cái trục thẳng giống như 1 cái que. Cái trục thẳng này được dùng để siết chặt garo. Nếu thực hiện đúng, garo có thể giúp cầm máu.
Nếu bạn đặt garo đúng, nó sẽ gây đau khi cầm được máu. Một khi bạn đã dùng garo, nhớ ghi nhận thời gian và nhớ bàn giao nó lại cho nhân viên y tế.
4.1 Các bước thực hiện với 1 garo chuyên dụng
- Bảo đảm hiện trường an toàn
- Gọi cấp cứu (115), lấy túi sơ cứu và lấy máy AED
- Mang dụng cụ bảo hộ cá nhân
- Đặt dụng cụ garo phía trên vết thương khoảng 2 in (5cm) nếu có thể
- Siết chặt garo đến khi ngưng chảy máu
- Ghi lại thời gian bắt đầu đặt garo
- Khi bạn đã đặt garo và cầm được máu. Để garo đến khi có nhân viên y tế hoặc người được huấn luyện cấp cứu chuyên sâu hơn và bàn giao lại cho họ
4.2 Các bước thực hiện với 1 garo tự chế
Nếu bạn không có garo chuyên dụng, bạn có thể tự làm 1 cái garo. Các bước thực hiện với 1 garo tự chế
- Đảm bảo hiện trường an toàn
- Gọi cấp cứu (115), lấy túi sơ cứu và lấy máy AED
- Mang dụng cụ bảo hộ cá nhân
- Gấp mảnh vải hay dải băng để tạo thành 1 vật dài và rộng ít nhất 1 in (khoảng 2.5 cm)
- Quấn dải băng (vải) phía trên vết thương khoảng 2 in (5cm) nếu có thể
- Buộc các đầu của băng xung quanh một cái que (hay 1 dụng cụ cầm tay nhỏ tương tự)
- Xoay tròn cái que để siết chặt dải băng lại, siết đến khi vết thương ngưng chảy máu
- Cố định cái que để giữ garo đủ chặt
- Ghi lại thời gian bắt đầu làm garo
- Khi bạn đã đặt garo và cầm được máu. Để garo đến khi có nhân viên y tế hoặc người được huấn luyện cấp cứu chuyên sâu hơn và bàn giao lại cho họ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: First aid - American Heart Association