Tự tử là tình trạng ngày càng diễn ra phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà đời sống con người phát triển, họ gặp phải nhiều áp lực, vấn đề trong cuộc sống, khiến cho họ nảy sinh ra ý định tự tử. Chính vì vậy, mỗi người đều phải tự trang bị cho mình cách quản lý ý nghĩ tự tử.
1. Đối phó với ý định tự tử
Người có ý định tự tử là người thường xuyên nghĩ đến cái chết và lên kế hoạch cho việc tự kết liễu đời mình. Hoặc những người có suy nghĩ tự tự có thể không rõ ràng, không chủ động, không có kế hoạch nhưng:
- Thường xuyên suy nghĩ về cái chết, dành thời gian để suy nghĩ về cái chết và các cách thức để chết.
- Tin rằng mình không xứng đáng được sống tiếp và ao ước việc ngừng sống
Dù là trường hợp thụ động hay chủ động nghĩ về tự tử sẽ khiến cho bản thân họ cảm thấy choáng ngợp, vô vọng và không biết lối thoát. Thêm vào đó, họ không biết cách chia sẻ những khó khăn, phẫn uất, tức giận, ... của họ với ai.
Sự thật là nhiều người thường không nhận ra được mình có ý định tự tử. Theo thống kê, 12 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử (theo khảo sát của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC năm 2019).
Ngoài ra, bạn cũng có thể có những suy nghĩ tiêu cực, muốn tự tử ngay cả khi bạn không hề mắc chứng bệnh nào liên quan đến thần kinh như trầm cảm. Thông thường ý định tự tử chỉ đơn giản là khi bạn đang phải trải qua quá nhiều nỗi đau buồn và bạn không biết cách kiểm soát chúng. Việc muốn chấm dứt nỗi đau bất hạnh là điều tự nhiên và ý nghĩ tự tử sẽ xuất hiện ngay khi bạn không thể hình dung ra được lối thoát của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn hoàn toàn có thể có các lựa chọn, hành động, giải pháp để có thể vượt qua được những suy nghĩ tiêu cực này.
2. Nguyên nhân tạo nên các ý định tự tử
Ý nghĩ tự tử thường không có một nguyên nhân duy nhất. Họ có thể bắt đầu có suy nghĩ này vì bất kỳ lý do nào.
Trong một số trường hợp, chúng có thể là do tình trạng sức khỏe tâm thần của họ, như: trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, .... Tuy nhiên, không phải ai khi bị những chứng bệnh kể trên đều có ý định tự tử, mà đôi khi, bạn có thể có ý định tự tử mà không hề mắc các bệnh tâm thần tiềm ẩn. Trên thực tế, 54% những người chết do tự tử không được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần (theo thống kê của CDC năm 2018)
Gen di truyền
Tiền sử gia đình có tình trạng sức khỏe tâm thần, có ý định tự tử hoặc tự sát có thể cũng khiến bạn có nhiều khả năng có ý định tự tử. Các chuyên gia tin rằng, một số gen nhất định có thể đóng vai trò trong suy nghĩ và hành vi tự tử, mặc dù các nghiên cứu vẫn đang ở trong giai đoạn đầu. Trong một nghiên cứu nhỏ vào năm 2020, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, trẻ em có cha mẹ từng có ý định tự tử có xu hướng đối mặt với nhiều căng thẳng hơn trong cuộc sống và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc. Cả hai yếu tố này có thể sẽ góp phần vào ý nghĩ hoặc nỗ lực tự tử sau này trong cuộc sống.
Các yếu tố khác có thể làm tăng khả năng ý định tự tử như: gặp căng thẳng, thử thách lớn trong cuộc sống bao gồm ly hôn, mất người thân, lo lắng, gặp khó khăn về tài chính, gặp tình trạng sức khỏe như ung thư, bị cô lập hoặc bắt nạt ở trường hoặc nơi làm việc, ....
3. Cần làm gì để phòng chống việc tự tử?
Nếu bạn đang có ý định tử tự thì hãy nhớ rằng, mình không hề đơn độc. Để được hỗ trợ ngay lập tức, bạn hoàn toàn có thể liên hệ với các đường dây hỗ trợ một cách nhanh chóng, miễn phí và bí mật.
Các cố vấn tâm lý được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp sẽ giúp bạn:
- Không phán xét con người bạn, ý nghĩ của bạn, họ chân thành lắng nghe những khó khăn, nỗi buồn, khủng hoảng từ bạn.
- Sẵn sàng hỗ trợ bạn
- Họ không bắt buộc bạn phải làm gì nhưng họ sẽ giúp bạn có thể từ khủng hoảng sang trạng thái bình tĩnh hơn.
4. Cần làm gì nếu bạn đang có ý định tự tử?
Đầu tiên, ai cũng cần phải hiểu rằng, bất kỳ ai cũng có thể có ý định tự tử. Suy nghĩ này sẽ không đại diện cho bất cứ điểm yếu, thiếu xót hay thất bại của bất cứ cá nhân nào. Chính vì vậy, họ không cần phải cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ dù trong bất cứ tình huống nào.
Nếu bạn đang suy nghĩ đến các phương pháp tự tử hoặc tích cực nghĩ đến các việc kết thúc cuộc đời của mình thì các bước dưới đây có thể sẽ giúp cho bạn thay đổi suy nghĩ tích cực:
- Tìm đến những người đáng tin cậy mà mình có thể sẵn sàng chia sẻ mọi thứ. Nếu trong trường hợp bạn không biết phải tìm đến ai, hãy gặp bác sĩ tâm lý, họ sẽ lắng nghe với lòng trắc ẩn và đưa ra các chia sẻ, lời khuyên hợp lý nhất cho hoàn cảnh của bạn.
- Đi đâu đó an toàn: bạn có thể đến một địa điểm an toàn để giúp mình tránh được các hành động tự tử dễ dàng hơn. Bạn có thể thử đến các nơi như thư viện, không gian công cộng, nhà của một người bạn thân hoặc đơn giản là một nơi bạn cảm thấy thoải mái và an lòng.
- Loại bỏ các loại phương tiện có thể gây tự tử: tránh xa các loại vũ khí, thuốc men hoặc các phương pháp tự sát khác có thể xuất hiện trước mặt bạn. Ngoài ra, bạn bè và người thân cũng nên loại bỏ những loại vật dụng này. Trong trường hợp bạn cần sử dụng thuốc thì người thân chỉ nên đưa riêng lẻ mỗi liều một lần, thay vì đưa cả số thuốc trong liệu trình điều trị. Tránh sử dụng các loại rượu, chất kích thích.
- Thực hiện những hành động đơn giản như đi dạo một đoạn ngắn, âu yếm thú cưng, thở theo phương pháp 3-7-8, nghe nhạc, thưởng thức các món ăn mà mình yêu thích , ... Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy được bình tĩnh, an lòng và giảm bớt đi sự đau khổ.
Lưu ý: các cảm giác đau đớn, tuyệt vọng có thể sẽ không được cải thiện ngay lập tức. Việc giải quyết ý định tự tử phải cần thời gian và có được sự hỗ trợ của nhiều người xung quanh. Nhưng hãy chăm chỉ thực hiện những cách trên, nó sẽ giúp bạn quản lý được suy nghĩ tự tử, đồng thời giúp bạn có đủ khoảng thời gian để lấy lại được chút hy vọng và khám phá thêm được những phương pháp giải tỏa tâm lý lâu dài hơn.
5. Cách xử lý các suy nghĩ thụ động về tự tử
Nhắc lại một lần nữa, ý nghĩ tự tử không phải lúc nào cũng là có kế hoạch cụ thể từ trước. Ví dụ, bạn có thể ước mình đã chết hoặc thường xuyên nghĩ đến cái chết, ngay cả khi bạn không có ý định tự tử. Tuy nhiên, những ý nghĩ tự tử thụ động cũng rất nghiêm trọng. Bạn có thể kiểm soát các ý nghĩ này bằng một số cách dưới đây:
- Nhận biết được các dấu hiệu: đối với một số người, ý định tự tử thụ động sẽ không bao giờ thành chủ động. Nhưng những suy nghĩ này cuối cùng cũng sẽ có thể dẫn đến một kế hoạch hoặc một nỗ lực tự tử. Khi nhận thấy được những dấu hiệu ban đầu như vô vọng, cảm giác bị mắc kẹt, cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác, ... thì đây chính là lúc bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác.
- Nhận hỗ trợ điều trị chuyên nghiệp: làm việc với các chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo bài bản nói chung là cách tốt nhất để giúp kiểm soát ý định tự tử. Một nhà trị liệu có thể sẽ đưa ra các hướng dẫn cách xác định các yếu tố tạo thành ý nghĩ đó và khám phá ra các cách điều trị, đồng thời còn có thể giúp bạn lập nên một kế hoạch an toàn cho sức khỏe tinh thần.
- Làm việc trên một kế hoạch an toàn: theo một nghiên cứu cho thấy, việc lập kế hoạch an toàn có thể giúp bạn giữ an toàn trong một cuộc khủng hoảng. Các kế hoạch an toàn thường liên quan đến việc tổng hợp danh sách các yếu tố khiến kích hoạt các dấu hiệu ban đầu của ý định tự tử, mẹo đối phó và các thông tin liên hệ dành cho những người thân yêu, những chuyên gia hỗ trợ. Nhà trị liệu hoặc người thân có thể sẽ giúp bạn lập kế hoạch nhưng bạn cũng có thể dựa trên các mẫu sẵn có để tự bắt đầu thực hiện.
Nếu ngay bây giờ bạn cảm thấy như thể bạn sẽ không có cách nào để thoát khỏi nỗi đau và sự bất hạnh đang có trong bạn thì hãy nhớ rằng, không có gì là vĩnh viễn, kể cả những nỗi đau khổ tồi tệ nhất. Hãy mở lòng với những người mà mình tin tưởng, chia sẻ suy nghĩ về việc tự tử sẽ giúp bạn có thể nhận ra rằng mình không cô độc, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân để việc điều trị trở nên dễ dàng hơn. Hy vọng những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp bạn quản lý ý nghĩ tự tử thật tốt, không chỉ của bản thân mà còn cả những người xung quanh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com