Suy hô hấp là căn bệnh thường gặp trong cuộc sống, đặc biệt là người già và trẻ em. Nó gây ra ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hằng ngày và sức khỏe của người bệnh. Vậy phân độ suy hô hấp như thế nào và cách điều trị bệnh ra sao. Bài viết sau sẽ thông tin tới bạn đọc những kiến thức bổ ích về suy hô hấp.
1. Suy hô hấp là gì?
Suy hô hấp là tình trạng phổi không được cung cấp đủ oxy cho quá trình hô hấp hoặc sự tích tụ quá nhiều khí carbon dioxide làm hỏng các cơ quan trong cơ thể. Do đó, làm giảm oxy máu động mạch dẫn đến làm chậm quá trình phân phối oxy đến các mô.
Có hai phân độ suy hô hấp thường gặp là suy hô hấp cấp và mạn tính. Khi nhắc đến suy hô hấp, người ta thường nói về tình trạng cấp tính. Gọi là suy hô hấp khi PaO2 < 60mmHg (áp lực riêng khí oxy trong động mạch) và/hoặc PaCO2 > 50mmHg (áp lực riêng khí carbon dioxide trong động mạch).
2. Phân độ suy hô hấp
Suy hô hấp có nhiều cách phân loại khác nhau:
- Theo vị trí.
Theo vị trí, người ta chia suy hô hấp thành hai loại là suy đường hô hấp trên và suy đường hô hấp dưới.
- Theo PaCO2.
Theo PaCO2, phân độ suy hô hấp chia ra là thiếu oxy máu và thừa carbon dioxide.
- Theo cơ chế gây bệnh.
+Do hệ tuần hoàn: do suy tim trái, thuyên tắc mạch phổi...
+Do hệ hô hấp: do viêm phổi, phù phổi, xơ hóa phổi...
- Theo thời gian.
Theo thời gian, suy hô hấp chia ra suy hô hấp mạn tính, cấp tính và cấp tính trên nền mạn tính.
3. Nguyên nhân gây suy hô hấp
3.1. Nguyên nhân ở phổi
Các bệnh phổi như viêm phế quản, xơ phổi, lao phổi, viêm phổi, thuyên tắc động mạch phổi, tắc nghẽn phế quản,...là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy hô hấp. Ngoài ra, phù phổi cấp do suy tim cũng là nguyên nhân gây ra suy hô hấp. Căn cứ vào nguyên nhân mà các nhà khoa học sẽ chia suy hô hấp thành các mức độ suy hô hấp khác nhau.
3.2. Nguyên nhân ngoài phổi
Các khối u gần đường hô hấp như u thanh quản, u thực quản vùng cổ, u khí quản gây chèn ép và tắc đường dẫn khí. Mức độ suy hô hấp do nguyên nhân này thường nặng nề. Bên cạnh đó, việc nhiễm trùng ở thanh quản, mắc kẹt thức ăn hoặc các dị vật gây tắc thanh quản,...cũng là nguyên nhân gây suy hô hấp.
Tràn dịch màng phổi làm dịch tăng nhanh trong phổi dẫn đến suy hô hấp cấp. Tổn thương gãy xương sườn làm tổn thương màng phổi. Ngoài ra, tổn thương hệ thần kinh cũng là nguyên nhân gây suy hô hấp.
4. Các triệu chứng suy hô hấp cấp tính
Các triệu chứng xuất hiện tùy vào nguyên nhân và mức độ suy hô hấp.
4.1. Suy hô hấp do thiếu oxy.
Người bệnh mệt mỏi, gặp khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Do thiếu oxy nên người bệnh khó thở, luôn có cảm giác thiếu không khí để hít thở. Cùng với đó là cảm giác buồn ngủ thường xuyên diễn ra trong ngày. Các ngón tay, ngón chân và môi xanh xao, nhợt nhạt.
4.2. Suy hô hấp do nồng độ carbon dioxide trong máu tăng cao.
- Thị lực giảm sút, nhìn mờ.
- Đau đầu, lú lẫn.
- Mạch nhanh, nhịp thở nhanh.
Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh bị suy giảm các chức năng của phổi có thể có các triệu chứng như thở nhanh, da và môi trẻ xanh xao. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng kéo cơ ở giữa các xương sườn khi thở. Phân độ suy hô hấp ở trẻ em cũng được chia như ở người trưởng thành. Nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
5. Ai có nguy cơ bị suy hô hấp?
- Trẻ sinh non: Trẻ em, đặc biệt là trẻ sinh non, do cấu tạo cơ thể chưa hoàn chỉnh nên có nguy cơ bị suy phổi cao hơn những trẻ khác. Ngoài ra, do hệ miễn dịch yếu nên khả năng chống đỡ với tác nhân bên ngoài còn kém, rất dễ dẫn đến suy hô hấp.
- Người cao tuổi: Người lớn tuổi có sức đề kháng kém, các cơ quan trong cơ thể bị thoái hóa nên nguy cơ bị suy hô hấp tăng cao.
- Người tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại thường xuyên.
- Những người hút thuốc lá, thuốc lào.
- Người sử dụng chất kích thích thường xuyên.
- Người từng có các chấn thương ở đường hô hấp.
6. Suy hô hấp cấp tính để lại biến chứng gì?
Suy hô hấp cấp tính là căn bệnh nguy hiểm và để lại các biến chứng như:
- Rối loạn nhịp tim.
- Tổn thương, chấn thương não.
- Suy thận
- Tổn thương phổi.
- Nguy hiểm tới tính mạng.
7. Điều trị suy hô hấp cấp tính
Nguyên tắc của điều trị suy hô hấp cấp tính là đưa oxy đến phổi và các cơ quan khác, đồng thời loại bỏ carbon dioxide ra khỏi cơ thể. Cùng với đó là loại bỏ các tác nhân gây bệnh, làm giảm các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
7.1. Liệu pháp oxy
Phương pháp này nhằm đưa oxy vào phổi bệnh nhân để tăng khả năng hô hấp, tăng oxy đến các cơ quan. Các kỹ thuật thường dùng gồm: dùng ống thông mũi, mặt nạ thông khí, thông khí áp lực dương không xâm lấn (Noninvasive positive pressure ventilation – NPPV), dùng máy thở cơ học, mở khí quản, oxy hóa màng ngoài cơ thể,...Căn cứ và tình trạng bệnh mà bác sĩ đưa ra liệu pháp phù hợp.
7.2. Dùng thuốc
- Thuốc kháng sinh: Dùng để loại bỏ tác nhân gây nhiễm trùng ở phổi, chủ yếu là vi khuẩn.
- Thuốc giãn phế quản: có tác dụng khơi thông đường thở, điều trị các cơn hen suyễn.
- Corticoid: có tác dụng thu nhỏ đường thở, điều trị các triệu chứng viêm đường thở.
Một số trường hợp bệnh nặng bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp như: chất lỏng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng phổi, thuốc làm loãng máu,...
Trên đây là các thông tin về phân độ suy hô hấp và cách điều trị bệnh. Hy vong sau bài viết này, bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích về bệnh và vận dụng hiệu quả vào cuộc sống.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.