Trẻ bú sữa mẹ bị lao phổi tái phát có nguy cơ lây không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Năm ngoái con xét nghiệm dương tính với lao phổi và phác đồ điều trị uống đủ 6 tháng và ngưng thuốc vào ngày 15/10/2019. Sau 2 tháng, con dính bầu và bây giờ con đã sinh em bé gần 2 tháng, mấy bữa gần đây con bị cảm, sổ mũi. Con sợ lây cho em bé nên đã đeo khẩu trang 24/24, bị cảm khoảng 1 tuần thì có triệu chứng đau sau lưng phổi trái không sốt, không ho. Khoảng 2 ngày gần đây con đi khám lại thì dương tính với lao phổi. Bác sĩ nói mới điều trị được hơn 1 năm mà tái phát lại, trường hợp của con là người đầu tiên. Bác sĩ tư vấn giúp con trẻ bú sữa mẹ bị lao phổi tái phát có nguy cơ lây không?

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Trẻ bú sữa mẹ bị lao phổi tái phát có nguy cơ lây không?”, bác sĩ xin được giải đáp như sau:

Bạn từng bị lao phổi và bị tái phát thì có 2 khả năng cho lần tái phát:

  • Bạn bị chính vi khuẩn lao của lần trước chưa chết, ẩn mình trong cơ thể bạn và tái phát lại.
  • Bạn bị nhiễm lao phổi mới do vi khuẩn lao từ một người bị bệnh lao khác.

Với cả 2 trường hợp thì bạn nên làm kháng sinh đồ đa kháng ở lần tái phát vừa rồi. Nếu kháng sinh đồ không bị kháng thuốc và đặc biệt, bạn đáp ứng điều trị tốt và lành bệnh.

Khi bệnh nhân lao phổi nói, nhất là khi ho hoặc hắt hơi, họ sẽ bắn ra chung quanh muôn ngàn những hạt đờm nhỏ, trong các hạt đều có chứa một số vi khuẩn lao, đó là các hạt nhỏ gây nhiễm, một tỷ lệ lớn trẻ em sống gần nguồn lây sẽ bị nhiễm lao. Vì vậy, trẻ đang bú sữa có mẹ bị lao phổi tái phát, khi ho ra vi khuẩn sẽ có nguy cơ bị lây nhiều nhất.

Trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm lao có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm test tuberculin trên da nhằm xác định xem liệu trẻ có bị nhiễm khuẩn lao hay không. Bác sĩ sẽ thực hiện tiêm một lượng nhỏ vi khuẩn lao đã được tinh chế và sau đó làm bất hoạt vùng da ở mặt trên của cánh tay. Nếu trẻ đã bị nhiễm khuẩn lao, vùng da này sẽ sưng và tấy đỏ tại vị trí tiêm.

Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng da từ 48-72h sau khi tiêm và đo đường kính của vết sưng đỏ. Xét nghiệm này có thể xác định được trẻ đã bị nhiễm lao trước kia hay không, ngay cả khi trẻ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì của bệnh.

Ngoài ra, để chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác như chụp X-quang ngực, xét nghiệm đàm và xét nghiệm máu (xét nghiệm giải phóng interferon-gamma (IGRA).

Xét nghiệm lao qua da thường được khuyến cáo cho trẻ em:

  • Đã tiếp xúc với bệnh lao trong 5 năm qua
  • Hình ảnh X-quang nghi lao
  • Có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh lao
  • Đến từ khu vực có dịch lao

Nếu bạn còn thắc mắc về việc trẻ bú sữa mẹ bị lao phổi tái phát có nguy cơ lây không, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe