Cách nào điều trị chán ăn tâm thần?


Những căng thẳng về tinh thần, bất ổn tâm lý hoặc các bệnh tâm thần như trầm cảm có thể ức chế cảm giác đói, gây cảm giác buồn nôn và kém thức ăn tiêu hóa gọi là chứng chán ăn tâm thần. Điều trị chứng chán ăn tâm thần chủ yếu bằng các hình thức trị liệu tâm lý.

1. Chán ăn tâm thần là gì?

Chứng chán ăn tâm thần là tình trạng rối loạn ăn uống đặc trưng bởi sự hạn chế quá mức thức ăn và nỗi sợ hãi mãnh liệt vô lý về việc tăng cân hay cuồng ăn đi kèm với việc cố gắng đào thải thức ăn. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ, thường khởi phát ở giai đoạn thanh thiếu niên, hiếm khi sau tuổi 40.

Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng, nhưng nỗi sợ hãi về bị béo phì, ám ảnh về những lời phán xét hình thể, tâm lý về hình thể mỏng manh làm suy giảm quá mức lượng thức ăn ăn vào so với nhu cầu cơ thể. Sự lo lắng quá mức về cân nặng hoặc đã từng có chế độ ăn kiêng chặt chẽ dường như làm gia tăng nguy cơ mắc chứng chán ăn tâm thần và có thể có xu hướng di truyền.

Chứng chán ăn tâm thần có hai kiểu:

  • Chán ăn tâm thần kiểu hạn chế: Người bệnh không thèm ăn, hạn chế lượng thức ăn ăn vào hay tập thể dục quá mức.
  • Chán ăn tâm thần kiểu cuồng ăn hay tự đào thải thức ăn: Người bệnh tiêu thụ một lượng thức ăn rất lớn, không kiểm soát được sự thèm ăn và sau đó tìm cách nôn ra hay lạm dụng thuốc rửa ruột, thuốc nhuận tràng, thuốc lợi niệu.

XEM THÊM: Rối loạn ăn uống vô độ: Tại sao bạn cần điều trị sức khỏe tâm thần?

2. Triệu chứng của chứng chán ăn tâm thần

Chứng chán ăn tâm thần có thể nhẹ và xảy ra thoáng qua hoặc kéo dài với các biểu hiện và biến chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể xảy ra như:

  • Tâm lý lo lắng về thừa cân hoặc béo vùng nào đó trên cơ thể ví dụ bắp đùi, mông
  • Chán ăn, không thèm ăn
  • Cuồng ăn, tìm cách để đào thải thức ăn sau khi ăn ví dụ như gây nôn
  • Tập thể dục quá mức
  • Đầy bụng, khó chịu ở bụng, táo bón
  • Suy mòn
  • Rối loạn kinh nguyệt, không quan tâm đến tình dục
  • Trầm cảm
  • Nhịp tim chậm, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt
  • Xuất hiện rậm lông nhẹ hoặc lông tơ
  • Phù nề.

Trầm cảm là triệu chứng của chứng chán ăn tâm thần
Trầm cảm là triệu chứng của chứng chán ăn tâm thần

3. Chẩn đoán chứng chán ăn tâm thần

Đặc đặc điểm nổi bật của chứng chán ăn tâm thần là người bệnh ăn uống rất ít hay rất nhiều nhưng không nhận ra được sự nghiêm trọng về trọng lượng cơ thể. Người bệnh thường chống đối việc đến bác sĩ để thăm khám và điều trị.

Tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng bao gồm:

  • Hạn chế lượng thức ăn ăn vào dẫn đến trọng lượng cơ thể thấp (BMI < 18,5 kg /m2)
  • Sợ bị béo phì
  • Rối loạn về hình ảnh của bản thân như nhận thức sai về diện mạo và / hoặc trọng lượng hoặc phủ định về bệnh tật.

Tuy nhiên, có một số bệnh nhân vẫn khỏe mạnh. Điều trọng yếu để chẩn đoán là nỗi sợ hãi mãnh liệt về việc béo dù đã giảm cân quá mức.

Chẩn đoán phân biệt

Một số tình trạng có thể gây chán ăn và sụt cân đáng kể nhưng không liên quan đến chứng chán ăn như:

  • Rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt hoặc bệnh trầm cảm nguyên phát
  • Một số rối loạn thể chất nghiêm trọng không được điều trị như hội chứng kém hấp thu, đái tháo đường týp 1, suy tuyến thượng thận và ung thư.
  • Lạm dụng Amphetamin cũng có thể gây ra triệu chứng tương tự

4. Điều trị chứng chán ăn tâm thần

Chứng chán ăn tâm thần nếu không được phát hiện và điều trị sẽ dẫn đến suy nhược, rối loạn chức năng nhiều cơ quan, có tỉ lệ tử vong cao tới 10% mỗi thập kỷ. Trẻ em và thanh thiếu niên được điều trị có kết quả tốt hơn người lớn. Với điều trị, một nửa số bệnh nhân trở về bình thường, khôi phục lại cân nặng và cải thiện các biến chứng. Trong khi đó, một phần tư số bệnh nhân cho kết quả ở mức trung gian và có thể tái phát. Một phần tư còn lại kém đáp ứng điều trị, tái phát thường xuyên và có các biến chứng cả về tâm thần lẫn thể chất.

Cần kết hợp các biện pháp điều trị sau:

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, điện giải, vitamin và khoáng chất.
  • Các liệu pháp tâm lý ví dụ như điều trị để thay đổi nhận thức - hành vi về cân nặng và cách ăn uống.
  • Các thành viên trong gia đình hỗ trợ người bệnh trong quá trình điều trị.
  • Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai (ví dụ như olanzapine) có thể làm giảm lo lắng và giúp tăng cân.

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng là biện pháp điều trị chán ăn tâm thần
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng là biện pháp điều trị chán ăn tâm thần

Chứng chán ăn tâm thần là tình trạng rối loạn ăn uống đặc trưng bởi sự giảm cân quá mức bằng cách hạn chế lượng thức ăn do nỗi sợ mãnh liệt về việc tăng cân hay cuồng ăn đi kèm với việc cố gắng đào thải thức ăn. Chán ăn tâm thần thường gặp ở trẻ vị thành niên và phụ nữ, gây tổn hại lớn về sức khỏe thể chất và tinh thần do thiếu hụt dinh dưỡng, có thể dẫn đến tử vong. Điều trị bằng cách tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, liệu pháp tâm lý để thay đổi nhận thức-hành vi và liệu pháp gia đình. Đôi khi cần dùng đến thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe