Cách lấy các mẫu bệnh phẩm: Nước tiểu 24h, nước tiểu làm xét nghiệm cặn ADDIS, lấy mẫu đàm

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Biết cách lấy mẫu bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu, lấy mẫu đờm, xét nghiệm cặn ADDIS...sẽ giúp đem lại kết quả chính xác và từ đó chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn.

1. Cách lấy bệnh phẩm nước tiểu

1.1 Cách lấy bệnh phẩm nước tiểu 24 giờ

Cách lấy: Vào một giờ nhất định (ví dụ 6 giờ sáng hôm nay), yêu cầu bệnh nhân tiểu bỏ hết phần nước tiểu ngay lúc đó (không lấy vào bình). Sau lần tiểu đầu tiên vào bình chứa thì cho nước chống thối vào và trộn đều. Bảo quản bình chứa nước tiểu ở nhiệt độ khoảng 2- 40C.

Tất cả các lần tiểu sau (kể cả ngày và đêm, kể cả lúc đi đại tiện) cũng phải cho vào bình chứa. Đến đúng giờ đó của ngày hôm sau (6 giờ sáng ngày hôm sau) yêu cầu bệnh nhân tiểu hết vào bình lần cuối cùng. Bệnh nhân sẽ thông báo để điều dưỡng đo chính xác thể tích nước tiểu trong bình và ghi vào phiếu chỉ định xét nghiệm. Trộn đều nước tiểu trong bình và lấy khoảng 2/3 ống gửi đến khoa xét nghiệm để tiến hành xét nghiệm nước tiểu.

1.2 Cách lấy bệnh phẩm nước tiểu làm xét nghiệm cặn Addis

Buổi sáng bệnh nhân dậy sớm đi tiểu hết, sau đó uống 300ml nước đun sôi để nguội và nằm nghỉ. Trong 3 giờ đi tiểu bình thường vào một cái bô sạch và đo được bao nhiêu ml thì ghi vào giấy xét nghiệm. Lắc đều toàn bộ nước tiểu và lấy 10ml đem đến phòng xét nghiệm để tiến hành xét nghiệm cặn Addis.


Cách lấy bệnh phẩm nước tiểu làm xét nghiệm nước tiểu cần đảm bảo đúng kỹ thuật
Cách lấy bệnh phẩm nước tiểu làm xét nghiệm nước tiểu cần đảm bảo đúng kỹ thuật

2. Cách lấy bệnh phẩm đờm

Đờm là chất tiết của đường hô hấp, gồm có chất nhầy, bạch cầu, mủ, các căn nguyên vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp trên và các căn nguyên gây bệnh (nếu có)...được tống ra khỏi cơ thể từ đường hô hấp dưới (khí phế quản). Nếu nghi ngờ nhiễm trùng đường hô hấp dưới, người bệnh sẽ được chỉ định lấy đờm để thực hiện xét nghiệm để tìm ra căn nguyên gây bệnh.

Việc lấy đờm sẽ tuân thủ các nguyên tắc lấy bệnh phẩm nói chung như: Tốt nhất là lấy trước khi sử dụng kháng sinh, sau khi lấy xong, gửi xuống phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt, lấy theo nguyên tắc vô trùng...

Nhìn chung cách lấy đờm là giống nhau mặc dù mục đích xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh có thể khác nhau. Thông thường, các trường hợp lấy đờm với mục đích phổ biến sau:

2.1 Lấy đờm nuôi cấy vi khuẩn hiếu khí

  • Thởi điểm lấy: Tốt nhất là lấy đờm vào buổi sáng sau khi bệnh nhân ngủ dậy. Hoặc khi bệnh nhân đến khám
  • Kỹ thuật: Tốt nhất là cho bệnh nhân súc miệng bằng nước muối sinh lý vô trùng, không súc miệng bằng nước có chất sát trùng. Người bệnh ngồi thẳng lưng, hít thật sâu để nín hơi vài lần rồi ho mạnh khạc đờm ra. Có thể giúp bệnh nhân khạc đờm bằng cách vỗ nhẹ vào lưng
  • Dụng cụ chứa: thường dùng là lọ nhựa vô trùng có nắp xoáy
  • Số lượng: Ít nhất cần nhìn thấy được mảnh đờm, tránh lẫn nước bọt.

Việc lấy đờm sẽ tuân thủ các nguyên tắc lấy bệnh phẩm nói chung
Việc lấy đờm sẽ tuân thủ các nguyên tắc lấy bệnh phẩm nói chung

2.2 Lấy đờm soi AFB

Lấy đờm soi tìm AFB là kỹ thuật rẻ tiền, đơn giản dễ thực hiện nhất để tìm vi khuẩn Lao trong đờm trên người bệnh nghi ngờ nhiễm lao phổi.

Thời điểm lấy: Tốt nhất là lấy 3 mẫu

  • Mẫu 1: lần đầu đến khám
  • Mẫu 2: Buổi sáng, tốt nhất là sau khi ngủ dậy
  • Mẫu 3: Lấy tại chỗ bác sỹ ( là khi mang mẫu 2 đến xét nghiệm)

Kỹ thuật lấy:

  • Lấy bệnh phẩm ngoài trời thông thoáng, nơi ít người, không nên tập trung vào 1 chỗ.
  • Cho bệnh nhân súc miệng bằng nước muối sinh lý vô trùng, không súc miệng bằng nước có chất sát trùng.
  • Hướng dẫn bênh nhân ngồi thẳng lưng, hít thật sâu để nín hơi vài lần rồi ho mạnh khạc đờm ra. Có thể giúp bệnh nhân khạc đờm bằng cách vỗ nhẹ vào lưng

Dụng cụ chứa: Là hộp hoặc lọ nhựa có nắp xoáy vô trùng.

Thể tích: Ít nhất nhìn thấy mảnh đờm

2.3 Lấy đờm xét nghiệm sinh học phân tử

Kỹ thuật lấy và dụng cụ chứa như 2 trường hợp trên.

Thời điểm lấy: Chỉ cần lấy 1 mẫu lúc bệnh nhân đến khám

Kết quả xét nghiệm vi sinh được chính xác hay không phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật lấy bệnh phẩm. Để được xét nghiệm chính xác, bệnh nhân cần được thăm khám và tư vấn của bác sĩ cũng như được hướng dẫn lấy mẫu đờm thật đúng kỹ thuật.


Kết quả xét nghiệm vi sinh được chính xác hay không phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật lấy bệnh phẩm
Kết quả xét nghiệm vi sinh được chính xác hay không phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật lấy bệnh phẩm

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe