Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Xét nghiệm vi sinh đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhiễm trùng. Cách lấy và bảo quản bệnh phẩm làm xét nghiệm vi sinh là bước đóng vai trò quan trọng nhất để tìm chính xác tác nhân gây bệnh.
1. Quy định về cách lấy và bảo quản mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi sinh
- Lấy bệnh phẩm tốt nhất là trước khi sử dụng kháng sinh. Nếu đang sử dụng kháng sinh phải đảm bảo ngừng sử dụng trước 24 giờ.
- Lấy đúng vị trí bị nhiễm khuẩn, tránh nhiễm bẩn từ bên ngoài vào.
- Lấy đúng thời kỳ của bệnh, lúc vi khuẩn có mặt nhiều nhất tại vị trí lấy bệnh phẩm.
- Lấy đủ số lượng bệnh phẩm cần thiết.
- Lấy bệnh phẩm vào các dụng cụ thích hợp và vô trùng. Các dụng cụ này do phòng xét nghiệm cung cấp.
- Bệnh phẩm phải có nhãn ghi họ tên bệnh nhân, tuổi, khoa - phòng, chất gửi xét nghiệm, ngày giờ lấy bệnh phẩm để tránh nhầm lẫn.
- Phiếu xét nghiệm phải những thông tin cơ bản như: Họ tên, tuổi, chất gửi xét nghiệm, chẩn đoán sơ bộ, yêu cầu xét nghiệm, ngày giờ lấy bệnh phẩm, người viết phiếu xét nghiệm.
- Khâu vận chuyển làm càng sớm càng tốt, trong vòng 2 giờ. Trong trường hợp quá 6 tiếng cần được bảo quản trong môi trường như Stuart’s, Amies, Cary & Blair...
- Bảo quản ở nhiệt độ thích hợp
2. Phương pháp lấy các loại bệnh phẩm
2.1 Cấy mủ và chất dịch
- Chỉ định trong các trường hợp: Áp xe, vết thương nhiễm trùng, dịch tiết trong ổ bụng, màng phổi, màng tim, khớp. Dịch não tủy trong trường hợp nghi viêm màng não, viêm não.
- Trường hợp ổ bụng đã vỡ ( kể cả vết thương hở có mủ): lau sạch da lành xung quanh bằng cồn 70o, lau sạch mủ bằng gạc vô trùng tẩm nước muối sinh lý vô trùng sau đó dùng tăm bông vô trùng lấy bệnh phẩm, cho tăm bông đó vào tube vô trùng hoặc ống nghiệm vô trùng gửi về phòng xét nghiệm vi sinh
- Trường hợp ổ mủ kín ở vị trí sâu như lấy dịch não tủy, dịch các màng cần thực hiện nguyên tắc vô khuẩn: Sát trùng da bằng cồn 70o , chờ khô rồi dùng kim tiêm vô trùng hút mủ hoặc dịch ( kỹ thuật này do bác sĩ lâm sàng thực hiện). Sử dụng ống nghiệm vô trùng có nút bông, sau đó gửi ngay đến phòng xét nghiệm vi sinh càng sớm càng tốt.
2.2 Dịch họng
- Chỉ định: Bệnh nhân viêm họng, viêm amidan nghĩ tới do vi khuẩn
- Lấy mẫu: Cho bệnh nhân ngồi đầu hơi ngửa ra sau, trẻ nhỏ cần có người lớn giữ, há miệng. Người lấy bệnh phẩm dùng dụng cụ để đè lưỡi bệnh nhân cho thấy rõ họng bên trong sau đó sử dụng tăm bông vô trùng quệt vào 2 amidan 2 bên, và thành sau họng, trành chạm vào lưỡi, má rang bệnh nhân. Cho tăm bông đã lấy bệnh phẩm vào tube đậy nắp rồi gửi đến phòng xét nghiệm vi sinh.
2.3 Dịch mũi hầu ( dịch tỵ hầu)
- Chỉ định: Bệnh nhân viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm khí phế quản, viêm phế quản phổi, viêm phổi (thường áp dụng với trẻ nhỏ do không khạc được đờm)
- Lấy mẫu: Cho bệnh nhân ngồi đầu hơi ngửa ra sau, trẻ nhỏ có người lớn giữ. Người lấy bệnh phẩm 1 tay đỡ cổ bệnh nhân, tay kia đưa nhẹ nhàng sử dụng que tăm bông mềm, vừa đẩy vừa xoay, đi sâu vào lỗ mũi bệnh nhân, khoảng cách tăm bông đưa sâu vào bằng 1⁄2 khoảng cách từ dái tai đến cánh mũi . Khi tăm bông chạm vào thành sau họng mũi thì xoay tròn, rồi từ từ rút tăm bông ra. Cho vào lọ vô trùng và chuyển đến khoa vi sinh ngay
2.4 Đờm: Chọc hút qua khí quản, hút dịch phế quản, khạc đờm.
- Chỉ định: Nghi ngờ bệnh lao phổi,
- Lấy mẫu: Tốt nhất là lấy đờm vào buổi sáng sớm khi bệnh nhân vừa ngủ dậy, sau khi đánh răng, súc miệng. Khạc đờm vào dụng cụ vô khuẩn có nắp đậy. Hướng dẫn bệnh nhân cách khạc đờm như sau: Hai lần đầu hít hơi vào thật sâu, nín thở vài giây và thở ra chậm. Lần thứ ba hít hơi vào thật sâu, nín thở rồi tống hết hơi ra miệng thật nhanh. Lần thứ tư hít hơi vào thật sâu và ho mạnh vào lọ đựng đờm.
Việc thải trừ trực khuẩn lao có tính chất chu kỳ. Vì vậy, trong trường hợp nghi ngờ có lao phổi mà kết quả âm tính cần phải kiểm tra đờm 3 ngày liên tiếp.
2.5 Cấy máu
- Chỉ định cấy máu: Bệnh nhân nghi nhiễm khuẩn huyết
- Thời điểm cấy máu tốt nhất: Trước khi bệnh nhân dùng kháng sinh, lúc bệnh nhân ớn lạnh, đang sốt, có thể cấy máu nhiều lần: 2 lần dùng trong giờ đầu.
- Lấy máu: Lấy máu tĩnh mạch: Sát trùng da bằng cồn 70o, Thể tích máu được lấy: Người lớn 8-10ml (chai cấy máu). Trẻ em thường lấy 3-5ml ( chai cấy máu). Thay đầu kim trước khi bơm máu vào chai, ống tránh bội nhiễm vi khuẩn từ da bệnh nhân. Bơm máu vào ống phía trên ngọn lửa đèn cồn.
2.6 Cấy nước tiểu
- Chỉ định: Nghi ngờ nhiễm khuẩn tiết niệu. lấy nước tiểu để tìm các vi khuẩn gây bệnh thông thường
- Lấy mẫu: Lấy nước tiểu giữa dòng đầu buổi sáng, lấy nước tiểu qua ống thông, lấy nước tiểu bằng cách chọc hút qua bàng quang trên xương mu. Bệnh nhân nhịn tiểu trước đó 2 giờ. Sau đó rửa sạch bộ phận sinh dục ngoài bằng xà phòng. Cuối cùng đi tiểu vào một lọ miệng rộng đã vô khuẩn. Cần lưu ý bỏ đoạn nước tiểu đầu, chỉ lấy nước tiểu quãng giữa. Không được lấy nước tiểu qua bô. Nước tiểu lấy xong phải gửi ngay đến phòng xét nghiệm. Nếu chưa gửi bệnh phẩm phải bảo quản ở nhiệt độ 2 - 4°c, không được để quá 2 giờ.
2.7 Dịch tiết đường sinh dục
- Nam giới: Lấy mủ ở niệu đạo vào buổi sáng trước khi đi tiểu bằng cách dùng tăm bông vô trùng đưa sâu vào niệu đạo 2-3 cm, xoay tròn và để tăm bông trong đó 1 lúc rồi rút tăm bông ra.
- Nữ giới: Dùng mỏ vịt đưa sâu vào bên trong âm đạo, xoay ngang và mở rộng mỏ vịt để nhìn thấy cổ tử cung. Quan sát cổ tử cung bệnh phẩm được lấy ở niệu đạo và cổ tử cung, có thể lấy ở hai tuyến Skene và hai tuyến Bartholin. Dùng que cấy hoặc tăm bông vô trùng đưavào cổ tử cung sau đó xoay tròn tăm bông để 1 lúc để cho dịch rỉ hoặc mủ ngấm vào tăm bông. Vì vậy, việc lấy bệnh phẩm nên thực hiện tại phòng xét nghiệm hoặc phải để trong môi trường bảo quản.
2.8 Phân
- Có thể lấy phân: Bằng tăm bông, ống thông, qua bô.
- Lấy mẫu phân: Chọn chỗ phân có biểu hiện bệnh lý nhày, máu, lợn cợn trắng...Sau đó dùng que tăm bông lấy một lượng phân 0,5 gam (bằng đốt ngón tay út). Gửi bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm trong vòng 2 giờ.
Các xét nghiệm vi sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng.
XEM THÊM: